Trong hồ nước mênh mông

GN - Mưa mùa hạ rất lạ. Bầu trời cứ la đà những đám mây từ đâu tới. Có thể những đám mây đó đã từ ở một nơi rất xa, xa lắm, lãng du đến nơi này và trút xuống trần gian những cơn mưa mù trời. Mưa, làm cho tôi nhớ tới em, nhớ những lần hai đứa rủ nhau đi tắm mưa. Có thể em sẽ không còn nhớ những cơn mưa thuở nhỏ của mình nữa rồi. Bởi đó là xa lắc xa lơ, là kỷ niệm, cũng có thể là lãng quên. Những ngày xinh tươi, lòng ta tràn ngập niềm vui dù cuộc sống còn thiếu thốn trăm bề đã trôi qua, trôi qua rất lâu rồi phải không Nhung?

Nhưng tôi mang một cảm giác rất lạ là dẫu mưa của năm tháng cũ, hay mưa của ngày hôm nay cũng chỉ là của những giọt nước đó, của những vần vũ đó. Em đã từng cười với tôi khi tôi nói điều này: “Anh triết lý đó à. Mưa có thể không thay đổi, nhưng mình thay đổi”.

honuoc mh.jpg


Ảnh minh họa

Ngày đó, hai đứa sống chung trong một làng quê. Làng quê của chúng mình có nhiều hàng cau trên lối đi. Em là con gái có tài leo cau rất giỏi. Cây cau cao, thân thẳng đứng vòi vói lên bầu trời, không phải ai cũng leo được. Vậy mà mới 13 tuổi, thân hình mảnh mai như thể bị gió thổi bay của em lại leo thoăn thoắt lên cây cau mà chẳng cần một sợi dây buộc nào. Em nói nghề hái cau là nghề gia truyền của gia đình em. Điểm đặc biệt là chỉ có con gái mới leo lên cây cau mà hái được, có thể bởi con gái có thân thể mỏng manh, không nặng nề như con trai.

Ngày đó, tôi đã rung động trái tim mình với dáng vẻ yếu đuối của em. Đôi khi đi theo em hái cau, gió thổi từ ngoài xa vào, làm cho cây cau run rẩy, chao nghiêng. Còn em đang trên cây cao kia cũng nghiêng theo gió, tà áo mỏng manh của em cũng bay tung theo gió như thể nó cũng có thể kéo em bay xa như kéo một cánh diều. Lòng tôi tràn ngập lo âu và cũng tràn ngập một tình yêu thương. Tình yêu thương sự mỏng manh kia ngày càng lớn lên, ngày càng đong đầy giống như những giọt nước rơi lặng lẽ, nhưng rơi mãi cũng làm ướt đầm cả một vạt đất to.

Ta có những ngày thơ cực nhọc, vì cả làng quê ta ai cũng nghèo. Những mùa nắng tiếng ve kêu râm trời là những ngày người trong làng bắt đầu cuộc hành trình đi tha phương kiếm sống. Người làng quê mình giống như những chàng nghệ sĩ đem tài năng của mình đem gieo rắc khắp mọi nơi. Bước chân của người quê mình dường như đã dẫm lên mọi miền đất khác chỉ bởi nỗi lo cơm áo. Và em cũng đã bắt đầu cuộc hành trình ra đi - khi tình yêu của tôi và em bắt đầu.

Đó là một đêm trăng. Trăng ở quê dường như rộng rãi hơn, khoan dung hơn và cũng đằm đằm nỗi chia ly: “Em không thể suốt đời leo cau, hái cau. Em phải thay đổi cuộc sống của mình anh ạ”. Em nói thế khi hai đứa cùng dẫm ánh trăng vàng dưới những hàng cau đang mùa no trái. Tôi chẳng thể nào cản em, bảo em ở lại.  Chuyến xe đò đường như đã quen những cuộc chia ly ở làng quê của chúng mình, uể oải dừng lại cho em leo lên. Cánh cửa khép, tiếng quát của người phụ xe: “Tránh ra, tránh ra” và bàn tay cứ đập vào thùng xe như một thói quen. Và vẫn là mù bụi của những cuộc từ ly trên con đường quê chưa đổ nhựa. Em đi, có bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy cùng con đường tung bụi mù đó. Có bàn tay nắm bàn tay mềm trong mùi cỏ dại, mùi hoa cau nở. Và cả nụ hôn vụng về như chưa hề có nụ hôn nào vụng về hơn.

Em đi, mùa cau năm ấy dường như trĩu trái nhiều hơn. Những cô gái tuổi 13-14 lớn lên lại tiếp tục leo lên những cây cau cao vòi vọi để hái. Tôi vẫn đứng dưới những gốc cau trong nắng lóa buổi sáng, nhìn cây cau oằn theo cơn gió, nhìn những tà áo bay bay cũng theo cơn gió để nhớ về em. Nhớ về người con gái mà lòng tôi đã tràn ngập bóng hình. Để rồi trái tim tôi ngày càng nhói đau khi những người tha phương ở làng quê mình trở về, kể về cuộc sống đô hội ở những nơi mà họ đến. Ở nơi đó có những con đường không trồng cau mà trồng những hàng cây cao, rất cao. Ở nơi đó trăng không chiếu rọi xuống đường vì ban đêm mọi con đường đều bật sáng. Mọi người nói đã gặp em, và em đã khác xa. Em lộng lẫy và xinh đẹp, em mập ra và thay đổi rất nhiều. Tất nhiên là tôi biết điều đó, biết như thể một giọt nước khi để rơi vào trong hồ nước mênh mông thì giọt nước kia mau chóng trộn cùng. Đố ai tìm được giọt nước vừa thả rơi xuống mặt hồ.

Em, giọt nước nhỏ bé của tôi đã chọn con đường quen thuộc như rất nhiều cô gái tha phương đã chọn. Mà tôi có thể nào trách em được không? Dẫu lòng tôi bừng bừng lên sự nổi giận lẫn sự xót xa vì tình yêu của tôi đối với em quá lớn. Dẫu tôi ôm giấc mơ bé nhỏ là sau khi tôi và em thành vợ chồng, tôi sẽ tạo cho em một nghề ổn định. Ta có thể sẽ không giàu có, nhưng tình yêu của hai chúng ta phải giàu hơn cả thế gian này.

Thỉnh thoảng em vẫn viết thư về. Những lá thư không bao giờ có địa chỉ của người gởi. Em bảo em đã học nghề làm tóc, hiện em đang ở một tiệm khá lớn ở thành phố X. Em bảo em không ngừng nhớ thương tôi và em sẽ trở về khi có điều kiện.

Thành phố X. em nhắc đến đó trở thành sự tò mò của tôi. Tôi tìm nó trên bản đồ, tôi đọc bất cứ một trang báo nào nói về nơi em ở. Tôi hình dung ra ở thành phố ấy em đang ở với bãi biển bốn mùa rì rào tiếng sóng. Tôi hình dung em ngồi ăn cơm, tôi hình dung em đi trên đường… Cứ thế mà hình dung.

Rồi em trở về. Không một linh cảm nào báo trước. Chỉ có tiếng gọi khe khẽ của em khi tôi đang toát mồ hôi sửa chiếc xe máy của khách đang hư hỏng nặng: “Anh!”. “Anh” trong hàng triệu tiếng mà người vẫn gọi nhau: “anh”. Khi em cất tiếng đó là tiếng “anh” đẹp nhất, ấm áp nhất và làm cho tôi run lên như sắp bị cơn sốt. Em vẫn mặc bộ đồ ngày em rời khỏi làng quê ra phố, duy mái tóc thì đã nhuộm màu, em lớn hẳn ra và đẹp hẳn ra. Em giấu che sự thay đổi của mình trong bộ quần áo cũ ngày xưa. Nhưng em đã thay đổi nhiều. Em và tôi ngồi nói chuyện suốt đêm. Nhưng đêm đó không có trăng. Ôm em vào lòng, tôi cảm giác như vừa tìm lại được món đồ quý giá nhất mà mình đã vô tình làm thất lạc. Em thầm thì: “Anh ơi, em thèm được ôm anh lắm. Em muốn ôm anh trọn đêm nay”. Tôi vẫn mang giấc mơ lấy em làm vợ như thuở nào - dẫu trong tôi có thoảng nghi ngờ khi nhìn em, khi em nói chuyện. Dẫu em đã khóa máy điện thoại, nhưng khi em vừa mở lên là nhốn nháo trong đó liên tục những âm thanh “tít tít” báo hiệu có rất nhiều tin nhắn. Mỗi âm thanh tít tít vang lên như một vết roi quất vào người tôi.

Ngày hôm sau em lặng lẽ rời quê khi tôi còn đang vùi trong giấc ngủ. Em lại ra đi mà không từ biệt tôi, chẳng cho tôi tiễn đưa.

*

Tôi hỏi người chạy xe thồ: “Ngôi chùa đó có xa thành phố không?”. Người chạy xe thồ trả lời: “Đó là chùa sư nữ, đâu có làm du lịch, đâu có ai tới đâu. Anh tới làm gì?”. “Chùa sư nữ?” - tôi hỏi vô tâm và không khỏi ngạc nhiên khi người chạy xe thồ hỏi tôi như thế.

Nỗi nhớ em đầy tràn khiến tôi không thể ngồi ở làng quê chờ đợi em trở về. Tôi phải đi tìm em.

Em đâu biết tôi đã khó khăn đến dường nào khi tìm ra được nơi em ở trọ. Tìm một người giữa cả trăm ngàn người không phải là chuyện đơn giản, nếu tôi không vô tình nhặt được một lá thư viết tay của một ai đó gởi cho em, em vô tình đánh rơi khi hai đứa ngồi trong đêm. Và chính nhờ nỗi nhớ em khiến cho ngày hôm sau tôi tìm lại nơi đó, nhặt được. Trong đó có ghi địa chỉ của chủ bức thư.

Ngôi chùa xa quá. Có lẽ đây là ngôi chùa xa nhất thành phố này. Người chạy xe thồ nhăn nhó đòi thêm tiền khi quãng đường cứ hun hút xa. Tiền bạc bây giờ đâu quan trọng bằng gặp em. Xe chạy qua con đường nhỏ, bao quanh là những cánh đồng lúa đang chín tới. Xe băng qua một cánh rừng thưa nho nhỏ, xe băng qua một nghĩa trang với những ngôi mộ đơn sơ. Và cuối cùng xe dừng lại dưới chân núi. Người chạy xe thồ dừng lại dưới một bóng cây to, trốn mát rồi bảo tôi: “Ông leo lên trên đó mà tìm. Tôi đợi ông dưới này”.

Tôi rời khỏi chùa khi tiếng chuông chùa đánh lên vang dội cả một vùng. Chưa bao giờ tôi chú ý tới tiếng chuông chùa. Nhưng sao lần này tôi lắng nghe tiếng chuông ngân vang, ngân vang như đang nhắc nhở cho tôi biết rằng - mãi mãi tôi và em không đi chung một đường. Xe chạy băng qua đường cũ. Người chạy xe thồ hỏi: “Anh có gặp cô ấy không?”. Tôi trả lời: “Không”.

Có, tôi có gặp em từ xa, em đang lúi cúi trồng rau sau chùa mà không biết tôi đang nhìn. Em trong bộ đồ bình dị, chiếc nón lá che mặt. Em chẳng ngước mắt nhìn, em giống như bóng cây đang soi xuống mặt đất. Vậy thôi - em không biết tôi tới tìm kiếm. Mà chắc gì em sẽ gặp tôi?

Vị sư cô tiếp tôi trong phòng khách của chùa. Ở đây có một điều gì đó khiến cho lòng người trở nên yên bằng. Sư cô nói rất khẽ khàng: “Hãy để cô ấy ở lại. Cô ấy có trở về hay không là tùy cô ấy. Tôi không nên nói cho ai biết là cô ấy đã bị nhiễm…”. Em đã chọn con đường xin được ở lại chùa làm công đức.

Tôi hiểu vì sao trong đêm em trở về, em đã cự tuyệt tôi, dẫu em rất yêu tôi. Tôi chợt hiểu vì sao em lại ra đi lặng lẽ.

Xe vẫn chạy xa nơi em ở nhưng tiếng chuông vẫn đuổi theo tôi. Tôi nhòa nước mắt. Trong nhòa nhạt ấy lại hiện ra hình ảnh em đang leo cau, gió đang cuốn cây cau cong mình trong nắng sớm. Nắng sớm ngày xưa ấy có chúng mình, có tiếng cười của em trong như pha lê.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.