Trong chúng có người bất tịnh Thế Tôn không thuyết giới

Lý do Đức Phật không tụng Giới bổn là theo luật định, hội chúng nghe thuyết giới phải toàn Tỳ-kheo có phạm hạnh trong sạch. Khi một vị mất tư cách Tỳ-kheo thì không được ngồi trong chúng, phải ra ngoài.
Lý do Đức Phật không tụng Giới bổn là theo luật định, hội chúng nghe thuyết giới phải toàn Tỳ-kheo có phạm hạnh trong sạch. Khi một vị mất tư cách Tỳ-kheo thì không được ngồi trong chúng, phải ra ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Lý do Đức Phật không tụng Giới bổn là theo luật định, hội chúng nghe thuyết giới phải toàn Tỳ-kheo có phạm hạnh trong sạch. Khi một vị mất tư cách Tỳ-kheo thì không được ngồi trong chúng, phải ra ngoài.

"Một thời Phật du hóa tại Chiêm-ba, ở bên hồ Hằng-già. Bấy giờ là ngày mười lăm trong tháng, là ngày Thế Tôn thuyết Tùng giải thoát, trải tọa ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Khi Đức Thế Tôn ngồi xong, liền nhập định và bằng tha tâm trí Ngài quan sát tâm đại chúng. Khi quan sát tâm đại chúng rồi, cho đến lúc hết buổi đầu hôm, Ngài vẫn ngồi im lặng.

Bấy giờ có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai, sửa y chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, đã hết buổi đầu đêm, Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Tùng giải thoát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng không trả lời.

Thế rồi, cho đến phần giữa đêm, … cho đến phần cuối đêm, Đức Thế Tôn vẫn ngồi im lặng. Tỳ-kheo kia lại lần thứ ba từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, buổi đầu đêm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc; Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Tùng giải thoát.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo vị Tỳ-kheo kia:

- Trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh.

Lúc đó Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nhập định, bằng tha tâm trí mà quan sát tâm niệm đại chúng. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền biết vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một thầy Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh. Rồi thì, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên xuất định, đi đến trước vị Tỳ-kheo ấy, nắm tay kéo đi, mở cửa lôi ra bên ngoài mà nói:

- Này người ngu si, hãy đi xa đi, đừng sống ở đây, không được trở lại hội họp với đại chúng Tỳ-kheo, từ nay trở đi ông không phải là Tỳ-kheo nữa.

Ngài đóng cửa, gài chốt then lại, rồi trở về chỗ Đức Phật, cúi đầu sát lạy chân Phật, rồi ngồi sang một bên mà thưa:

- Vị Tỳ-kheo mà vì vị ấy Đức Thế Tôn nói trong chúng này có một Tỳ-kheo đã làm việc bất tịnh, con đã đuổi vị ấy đi rồi. Bạch Thế Tôn, buổi đầu hôm đã qua, phần giữa đêm cũng chấm dứt, rồi buổi cuối đêm cũng sắp hết, trời gần về sáng, không bao lâu nữa, mặt trời sẽ mọc, Phật và chúng Tỳ-kheo tập trung ngồi đây đã quá lâu, mong Đức Thế Tôn nói thuyết Tùng giải thoát.

Đức Thế Tôn nói:

- Này Đại Mục-kiền-liên, kẻ ngu si sẽ mắc đại tội nếu gây phiền nhiễu cho Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Như Lai ở giữa chúng bất tịnh mà thuyết Tùng giải thoát thì đầu người kia sẽ vỡ thành bảy mảnh”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Chiêm-ba, số 122 [trích, lược])

Tùng giải thoát còn gọi Biệt giải thoát hay Giới bổn. Thuyết Tùng giải thoát nghĩa là đọc tụng Giới bổn. Xứ Ấn mỗi đêm chia làm ba canh, canh đầu, canh giữa và canh cuối; kinh văn ghi đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm.

Khung cảnh buổi lễ bố tát-tụng giới tại xứ Chiêm-ba do chính Đức Phật chủ trì và tụng giới thật trang nghiêm. Có điều, một vị Tỳ-kheo phạm hạnh không sạch (bất tịnh, mất tư cách Tỳ-kheo) mà không ra khỏi hội chúng nên Đức Phật không tụng giới. Thời gian cứ thế trôi qua, đại chúng vẫn ngồi yên chờ đợi. Khi đêm sắp tàn, Đức Phật mới nói lý do và Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã dùng thần lực để phát hiện và tẫn xuất vị Tăng phạm giới ra khỏi hội chúng.

Lý do Đức Phật không tụng Giới bổn là theo luật định, hội chúng nghe thuyết giới phải toàn Tỳ-kheo có phạm hạnh trong sạch. Khi một vị mất tư cách Tỳ-kheo thì không được ngồi trong chúng, phải ra ngoài. Tuy nhiên vị này cố ý không ra nên Đức Phật chưa thuyết giới. Mặt khác, vì lòng từ bi tránh tổn hại (đầu vỡ thành bảy mảnh) cho vị ấy nên Đức Phật không thuyết giới; chỉ khi Đức Phật thuyết giới mới có hiện tượng này.

Mới hay, uy lực của Tam bảo là không thể nghĩ bàn. Diệu dụng của lễ Bố-tát cũng không thể nghĩ bàn. Ngày nay, hội chúng nào còn duy trì được việc trùng tuyên Giới bổn thì chắc chắn nơi ấy sẽ được tịnh hóa. Những người phạm giới (nếu có trong hội chúng) tuy không bị tổn hại vỡ đầu nhưng cũng bị tổn phước nghiêm trọng. Vì thế, phát lồ và sám hối cho thanh tịnh trước khi bố-tát là điều phải làm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.