Như vậy, trong 24 giờ qua, TP.HCM có đến 4.692 ca trong tổng số 5.926 ca trong nước - số ca cao nhất từ trước đến nay.
Trong số các ca nhiễm mới tại TP.HCM có 4.065 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 627 ca đang điều tra dịch tễ.
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM 31.391, Bắc Giang 5.732, Bình Dương 2.644, Bắc Ninh 1.690, Đồng Tháp 1.320, Đồng Nai 829, Long An 787, Phú Yên 702, Hà Nội 627, Khánh Hòa 498, Đà Nẵng 440, Hưng Yên 244, Quảng Ngãi 198, Nghệ An 158, Bình Thuận 87, Cần Thơ 83, Bình Phước 74, Hà Nam 59, Sóc Trăng 45, Kiên Giang 45, Ninh Thuận 44, Bình Định 31, Hải Phòng 21, Lâm Đồng 18, Thừa Thiên Huế 11, Đăk Lăk 10.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27-4 đến nay là 50.150, ghi nhận ở 58 tỉnh thành.
Trong ngày có 355 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi từ đầu mùa dịch 10.667 ca
Hôm nay, Bộ Y tế cũng công bố, từ ngày 4 đến 17-7 có 29 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nội, được Tiểu ban điều trị ghi nhận số 226-254. Như vậy, tổng số tử vong trong đợt dịch thứ 4 là 219 ca, kể từ đầu năm 2020 là 254 ca.
* Trong ngày hôm nay 18-7, TP.HCM đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 9, tại khu tái định cư TP.Thủ Đức.
Theo Sở Y tế, việc đưa vào hoạt động thêm bệnh viện dã chiến quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay: tiếp nhận cách ly ngay các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly chuyển sang dương tính, tương ứng tầng 1 của mô hình điều trị tháp 4 tầng.
Nhân sự của bệnh viện được huy động chủ yếu từ đội ngũ nhân viên y tế bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện Nhi Đồng 2, luân phiên đến công tác tại bệnh viện dã chiến này, thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần.
* Theo Sở Công thương TP.HCM, dự kiến tuần sau, sẽ có 13 chợ truyền thống tại các quận, huyện được tổ chức mở bán thí điểm các mặt hàng tươi sống.
Theo đó, để được bán lại, các chợ này phải lên phương án tổ chức hoạt động và tiểu thương có kết quả xét nghiệm âm tính.
Cụ thể, quận Bình Tân (có chợ Kiến Thành); quận 5 (chợ Xã Tây); quận 6 (chợ Phú Định, Minh Phụng); quận 8 (chợ Phú Lợi 1, Phú Định); quận 10 (chợ Nhật Tảo); huyện Bình Chánh (chợ Bà Lát, Vĩnh Lộc A); huyện Hóc Môn (chợ Hóc Môn); huyện Nhà Bè (chợ Cầu Kinh, chợ Ấp 3).
Trước đó, ngày 16-7, chợ Phú Thọ (quận 11) cũng đã triển khai bán lại mặt hàng rau củ quả với số lượng là 6 tiểu thương.
Cùng với mô hình mở lại nhiều chợ truyền thống rau và hàng tươi sống, Sở Công Thương cũng đề nghị các quận, huyện triển khai mô hình bán hàng trực tuyến tại nhiều chợ truyền thống Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hòa Đông...
Sở Công thương TP.HCM cũng cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phân bổ rộng khắp địa bàn các quận huyện, TP.Thủ Đức.