Trở về

Giác Ngộ - Nhận được tin nhắn của nội, ba tôi về ngay. Thông thường, ông vẫn dùng xe đạp theo lối tắt để về nhanh, nhưng lần này ba tôi không vội vã, và dường như trên khuôn mặt đượm nét bâng khuâng, âu lo.

Nội còn bốn người con, các cô đều có gia đình, luôn tất bật với cuộc sống đời thường, ba tôi là con trai út duy nhất đang tiếp nối kế thừa tổ nghiệp, nhưng vì yêu cầu nghề nghiệp, và sự đồng tình của nội, nên ba đã đưa gia đình về làng Thượng, hòa nhịp với sự trợ lực của đồng nghiệp, nay nhận được tin nhắn này chắc có điều hệ trọng, ba tôi miên man nghĩ ngợi trầm lắng.

1257581930.nv.jpg

Ảnh minh họa

Bước vào nhà, ngả nón ba cúi đầu chào nội. Nội bình thản ngồi yên trên bộ ván ngựa, hai chân gác lên nhau, đôi mắt nhìn xa ra chiều nghĩ ngợi cân nhắc, hai ly trà vô tư bốc khói, nội điềm tĩnh, ôn tồn:

- Này con, hôm nay cha nhắn con về để cùng bàn bạc, trao đổi một việc hệ trọng. Như con đã biết, nghề đúc đồng truyền thống của tổ tiên được con tiếp nối kế thừa, cha rất mừng. Nay, cha bước vào tuổi già, sức khỏe mỏi mòn dần, nhưng không thể quên lời dặn dò “… đừng để những cái chảo, nồi mình làm ra bị rò rỉ, để góp thêm niềm hạnh phúc đầm ấm trong bữa cơm của mọi gia đình… Nay đèn, lư hương, nải quả v.v… là đồ thờ cúng Phật, gia tiên. 

Mọi người ai cũng muốn bộ đồ thờ trên bàn thờ gia đình, hoặc ở đình chùa, miếu mạo sáng đẹp, tôn nghiêm để họ biểu lộ một chút lòng thành kính, tri ân, nên cha không muốn mình là người làm sút giảm niềm vui ấy của mọi nhà”. Vả lại, nghề này khó tránh khỏi hơi độc của kim loại, và khói than, rơm củi, cùng lúc ấy con đang ăn chay trường quá đơn giản đạm bạc, có lúc cha thầm nghĩ, nhỡ con ốm đau rồi qua đời trước cha thì tổ tiên ai chăm nom hương khói, mồ mả. Nghĩ thế, lòng càng xao xuyến...

Không gian yên ắng bao trùm, ba tôi lặng lẽ ray rứt. Thọ trì chay trường là điều đã phát nguyện trước thầy tổ và bà nội thuở sanh tiền, nay gặp phải trở duyên với nghiệp báo quá khứ hay thầy tổ, chư long thần hộ pháp tạo điều thử thách?! Ba từ tốn lấy mũ xin phép nội ra về, đầy ắp những điều nghĩ ngợi.

Đã 10 giờ đêm rồi, mọi nhà trong xóm vào giấc ngủ. Tôi nằm trên bộ ván ngựa sau bàn khách, gian giữa là phòng thờ. Rời chỗ ngủ, ba tôi lặng lẽ khoác áo tràng lam đến dâng hương lên bàn Phật và bàn gia tiên, rồi đảnh lễ Phật ba lạy, chắp tay nghiêm trang quỳ trước Đức Phật, đôi môi mấp máy, mấp máy. Chợt, trên đôi mắt của ba lấm tấm vài hạt sương, tôi vội trở mình để nhìn rõ hơn, rồi hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi má, rồi cả thân rung lên nấc nghẹn, ray rứt. Có lẽ ba tôi thầm nguyện Tam bảo độ trì để đủ sức vượt qua chướng ngại. Quỳ như thế khá lâu, nhưng khi lên ván nằm nghỉ, ba lại tiếp tục trằn trọc, tôi chưa đủ sức hiểu rõ những điều lo âu của người lớn.

Thế rồi, những bữa cơm sau đó, trông ba tôi dáng vẻ ngập ngừng cảm xúc, tôi âm thầm chia sẻ mà không sao hiểu rõ nguồn cơn, từ đó nom thấy ba tôi lặng lẽ, ít nói hơn mọi khi, và còn duy trì 10 ngày chay trong tháng, và cứ thế lặng lẽ trôi nhanh.

Ngày ấy, sau năm 1975, tôi luôn tất bật với “phấn trắng bảng đen”, và song hành cùng những Phật sự đang đảm trách, tự phấn đấu rèn giũa bản thân, để giảm thiểu điều phiền lụy, chấp nhận cuộc sống mộc mạc bình dị, phần nào học được từ giáo lý Phật Đà. Những năm sau đó của thời kỳ bao cấp, có lẽ lời dạy “ít muốn biết đủ” trong kinh Di Giáo, đã ban tặng cho tôi một ít điều “vượt lên chính mình”, nên cuộc sống đời thường vẫn song hành, song hành chất ngất trọn vẹn niềm tin Tam bảo. 

Thế rồi, cứ mỗi Chủ nhật tôi đưa gia đình về thăm ông bà trên lưng “con chiến mã” cọc cạch, phương tiện duy nhất của những buổi lên lớp, chăm sóc lũ học trò thơ bé ở làng quê. Những lần về thăm “bổn cũ soạn lại”, nồi cơm của ba má tôi đa phần là sắn, là khoai lang còn món phụ là nước muối dầm ớt chấm rau muống luộc qua thời kỳ xanh non mơn mởn. Trong lòng tôi luôn cồn cào thao thức, và mỗi khi mang về trái mướp, trái cà tôi gieo trồng, trông ông bà rất vui và nhìn ngắm say sưa, tôi chợt thấy lòng mình ấm áp, niềm tin yêu cuộc đời, cuộc sống dâng trào.

Dưới mái nhà lò đúc, ba tôi luôn tay cạo gọt tỉ mỉ những khuôn đất sao cho đạt yêu cầu, đây là một phần cơ yếu để thành phẩm có chất lượng cao, vừa ý khách tiêu dùng. Ở góc nhà cạnh đó, má tôi đều tay từng mũi kim để chiếc nón thành phẩm luôn chắc bền xinh đẹp. Thế rồi, không biết từ lúc nào trong khung cảnh êm đềm đó, tôi say sưa miệt mài kể lại lược sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng những hành trạng bi thiết của chư vị Bồ tát. 

Những tuần lễ khác, sau chén trà đầm ấm, tôi miên man kể lại công hạnh hoằng pháp của chư tổ Bồ Đề Đạt Ma hoặc Lục tổ Huệ Năng, triền miên trong những gian nan, khó khăn kế tục truyền thừa những mạng mạch đạo pháp, hoặc lòng quả cảm của ngài Huyền Trang, rời Đông độ sang Tây Trúc thỉnh chân kinh, với những nguy nan thử thách suốt gần 20 năm, để lại cho hậu thế một “gia tài” vô cùng độc đáo v.v… 

Niềm hưng phấn sôi nổi, những tuần kế tiếp, tôi miệt mài kể lại những ngôi chùa cổ, những danh thắng của Phật giáo Việt Nam còn tồn tại suốt cả nghìn năm qua, bền bỉ, vượt gian nguy của đạn bom, bảo tồn hồn thiêng sông núi mãi đến hôm nay.

Dường như lần nào cũng thế, mỗi lần về thăm tôi đều mang theo rau, quả, củ làm quà mọn biếu ba má, thấy ông bà biểu lộ niềm vui tôi càng thêm vui, và say sưa kể đến chư vị tôn sư thạc đức, đã khéo léo vận hành nguồn Chánh pháp, luân chuyển và phát triển đến tận ngày nay. Trong thời kỳ cận đại và hiện đại, hình ảnh hào hùng, từ ái của Bồ tát Thích Quảng Đức và chư vị “vì pháp thiêu thân” đã gieo vào lòng người “con Phật” niềm tin mạnh mẽ, sâu lắng. Kế tiếp, hình ảnh Ôn Thiện Minh, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Ôn “Già Lam”, Ôn Trí Nghiêm, Đỗng Minh v.v… còn mãi trong lòng mọi người Phật tử niềm kính mộ cảm kích.

Ngày nọ, với thông lệ thăm viếng, nhưng sao trong lòng tôi luôn rộn ràng niềm hưng phấn, với ý tưởng ấp ủ từ lâu. Thế nhưng, tôi rất e ngại phân vân, không biết mở đầu ra sao và nói cách nào cho thích hợp, hiệu quả. Đã qua hai chung trà, nhưng cũng chỉ chuyện nắng mưa thời tiết, chuyện ân nghĩa xa gần trong thân bằng quyến thuộc. Chung trà thứ ba còn bốc khói, tôi mạnh dạn bộc bạch:

- Thưa ba, trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã dạy “chúng ta đang say sưa hụp lặn trong ngôi nhà lửa tam giới. Không chịu thoát ra, ắt hẳn sẽ đắm chìm trong mê lầm, phiền não khổ đau”. Ba ơi! Vâng lời Phật dạy và chư tôn đức khuyên bảo, ba phát nguyện trở về lại “chay trường và thường xuyên tụng kinh niệm Phật” ba nhé! Tôi vừa dứt lời, ba tôi nâng chung trà uống cạn, ông nở nụ cười điềm đạm đầy tin yêu, đôi mắt sáng trong trên khuôn mặt cả quyết:

- Con yên tâm, ba đã suy tính rồi, đầu năm âm lịch 1985 này, ba sẽ trở lại “chay trường” và luôn tụng kinh niệm Phật để sám hối nghiệp chướng từ quá khứ còn tồn tại, để tâm tư luôn bình an thăng hoa, và mọi chúng sinh còn chìm đắm trong khổ đau, sớm về cõi Tịnh độ.

Ba tôi dứt lời, lòng tôi nghe chừng nhẹ nhàng, thư thái như đôi vai bớt đi gánh nặng, niềm mong ước thao thức bao năm qua nay thành hiện thực.

Hai mươi năm sau, sau thời niệm Phật sáng, ba tôi ra đi về cõi An lành lúc bảy giờ sáng, trên môi còn điểm nụ cười phơn phớt. Bây giờ, những lúc chợt lộ hiện giải đãi, phiền não thì tấm gương của ba khơi gợi cho tôi niềm tin yêu, dũng mãnh tự chống tay đứng lên tiếp bước lộ trình chân chính đã chọn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.