Trở lại ngọn núi thiêng

GN - Trước đây nhiều năm, tôi đã đến khu du lịch này, lúc đường lên núi chưa có phương tiện cáp treo... Những thay đổi về cảnh quan, giờ đây, hiện ra trước mắt tôi là nhà nghỉ, nhà hàng, vườn hoa… trong khu vực đã được quy hoạch...

Thông tin cho người… ưa du lịch

Những “con số” ghi chép này, là dành cho những ai muốn đến ngọn núi thiêng này, và đã được in trong tập tài liệu mỏng mà một cán bộ của khu du lịch trao cho tôi. Ấy là, khu vực núi rộng hơn 250.000m2, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, nằm sát Quốc lộ 1A, cách TP.HCM 170km, cách thành phố Phan Thiết 30km. Hệ thống cáp treo với tuyến cáp dài 1.600m, độ cao 505m với 2 nhà ga trên-dưới, với tổng đầu tư 64 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 9-2004, do Tập đoàn Doppelmayr (Cộng hòa Áo) sản xuất v.v... và v.v…

tacu05.JPG


Tượng Phật trên núi Tà Cú được trao kỷ lục châu Á - Ảnh: V.Giang

Riêng tôi, tôi vẫn thích toát mồ hôi khi leo núi, thay vì ngồi trong cabin lướt như… ru mà ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng, biển xa, đồng gần. Tất nhiên, từ ngày có đường cáp treo, khách đến ngoạn cảnh, hành hương chiêm bái Phật Tổ nhiều hơn, vì không phải ai cũng “điên khùng” mà chịu cuốc bộ, leo dốc.

Tập tài liệu mà tôi nhận được, tất nhiên là kể khá nhiều về “những điều bí ẩn tuy chưa giải thích được nhưng hàm súc tính nhân văn và giá trị văn hóa cao”. Còn tôi, tôi chỉ ghi lại những thấy và nghe của riêng mình, chuyện cũ và chuyện mới. Ấy là…

Nhìn để mà… nhận

Ấy là, khi đang “lơ lửng” trên đường lên núi, anh bạn Nguyễn Văn Biện hơi “phiền não” vì ống kính không bắt được chiều sâu cho pô ảnh: hướng lên thì contre với ánh sáng, hướng xuống thì “mù mờ”. Thôi, đành hẹn một cơ duyên khác vậy. Tôi mô tả cho anh về nét huyền ảo của đêm trăng Tà Cú với lời “chúc phúc” cho cái máy ảnh khá xịn của anh.

Linh Sơn Trường Thọ, khu chùa chính với chùa trên và chùa Tổ, bắt đầu xây dựng khoảng năm 1870-1880, đến nay đã qua vài đợt trùng tu, và là nơi khách dừng chân đông đúc nhất. Tôi không dừng ở đó, mà đi tiếp đến Linh Sơn Long Đoàn, nơi sư Minh Thiện mà tôi quen biết trụ trì.

Đến chùa được một lát thì trời mưa. Tiếng mưa, giọng suối hòa với lời gió ràn rạt đùa giữa đại ngàn vừa gợi nên cảm giác nhỏ bé trước thiên nhiên, đồng thời dường như mở ra cánh cửa cho con người hội nhập với đất trời… Nửa phần đầu của cái cảm giác ấy có lẽ không xa lạ với nhiều người khi đối diện với vô cùng thiên nhiên nhưng nửa phần sau, phải mất hàng chục năm tôi mới hiểu được, rằng, để cảm nhận được sự hòa-nhập-trở-về này, con người phải kinh qua dằng dặc những kiếm tìm lắm khi vô ích. Và, tôi thầm cám ơn gió và mây, cây cỏ, ánh sáng và thanh âm của đất trời cùng những con người tốt bụng mà tôi may mắn gặp đã dần dần gieo trồng trong tôi cái cảm thức ấy…

Còn lác đác ít sợi mưa. Nhiều người leo con dốc ngắn lên chiêm bái tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết-bàn. Tượng dài 49m, cao 12m, khởi công xây dựng từ năm 1962 và gần bốn năm sau thì hoàn tất. Dân gian truyền rằng, ngọn núi hội tụ linh khí, vì thế, những ai có tâm nguyện chí thành thì lời cầu mong thường được ứng nghiệm. Phần mình, nơi đây, tôi đã hai lần cảm nghiệm được cái mà tôi gọi là sóng-thức, khi tiếp xúc với những lực mà tôi chưa từng gặp trước đó. Điều này có vẻ bất thường, nhưng là điều có thực. Giản dị, bởi tất cả chúng ta chẳng phải đang sống giữa vô vàn những trường, những xung động vô hình đó sao?

Đám đông du khách lặng lẽ, nhiều người chắp tay vái lạy đấng Thế Tôn. Có những người đứng yên, trầm tư. Tôi hiểu rằng trong số họ, có người có niềm tin tôn giáo, có người không. Nhưng tâm trạng chung vẫn là lòng kính ngưỡng trước sự vĩ đại của một con người đi tìm và đã tìm thấy được con đường đưa đến hạnh phúc cho nhân loại. Con đường ấy là sự vượt thắng những tăm tối của chính bản thân mình, là sự khảo sát tuyệt đối nhất và triệt để nhất những trạng thái mù lòa vi tế của tâm thức vô tận, như chính lời Ngài đã dạy: “Đứng lại thì chìm xuống, bước tới thì trôi giạt, chỉ có vượt qua…”. Vâng, chúng con xin thành tâm và luôn dặn lòng: Gate, gate, paragate, parasamgate…

Từ chân tượng đấng Thế Tôn, leo qua những tảng đá lớn vài trăm mét là đến hang Tổ. Tổ thuộc dòng Lâm Tế, sinh ngày 8-2 năm Nhâm Thân (1812), quê gốc Tuy An, Phú Yên. Trước khi lên núi, Ngài thường trú ngụ trong hang đá ven biển, sau khi chèo thuyền nan từ Phú Yên vào đây. Năm 1880, Hoàng Thái hậu Từ Dũ lâm trọng bệnh, các ngự y bó tay. Tổ Hữu Đức được chiếu vua vời nhập cung nhưng do đã phát nguyện không rời khỏi núi, Tổ chỉ cho thảo dược và vài mật chú Chuẩn Đề. Vậy mà Hoàng Thái hậu hồi phục. Vì thế mà vua Tự Đức kính ngưỡng và ân tứ sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ”, còn đến ngày nay. Có vào hang Tổ, mới sinh lòng e sợ trước nỗ lực tu tìm của người xưa. Miệng hang hẹp, chỉ vừa một người chui lọt. Lòng hang chỉ vài mét vuông, phần bằng phẳng vừa đủ cho một người nằm. Lấy nước uống thì phải luồn thật sâu xuống khe hẹp chìm trong lòng hang nữa… Lòng từ của Tổ đã thu phục được cả chúa sơn lâm. Khi Người viên tịch, bạch hổ về chầu rồi cũng hóa theo.

tacu03.JPG


Trên đỉnh Tà Cú nhìn xuống - Ảnh: V.Giang

Gửi lại lời chào

Đêm Tà Cú lơ mơ như không có thực. Chúng tôi ngồi trò chuyện trong cảnh “thương mang vân hải gian” (*) biến ảo, đẹp không tả được. Đà Lạt có những đêm sương mờ ảo nhưng không huyền hoặc như đêm Tà Cú. Có lẽ do Tà Cú không bị (hay chưa bị?) cái chất đô thị làm giảm đi những sắc điệu lung linh của thiên nhiên.

Đêm Tà Cú còn lưu nét sơ nguyên hoang dã của rừng với bóng tối mênh mang, với tiếng gió gào ngàn, lời suối ầm ào, hơi mưa cô tịch. Hơn 10 giờ, một cú điện thoại đường dài cắt chúng tôi ra khỏi những phút yên lặng: một anh bạn ở xa đang… buồn. À, hóa ra cái căn bệnh “nhức răng trong tim” bất trị muôn đời của con người là sự ám ảnh của nỗi cô đơn vẫn không buông tha bất cứ ai, trừ những người đã… đáo bỉ ngạn.

Sau tiếng chuông ấy, chúng tôi ngồi yên cho đến lúc đi ngủ. Nhưng dường như phải khá lâu, mỗi người mới đi vào những giấc mơ của riêng mình. Lướt qua rất nhanh hình ảnh Hội An với những con phố buồn thiu của tuổi thơ tôi, những con đường gập ghềnh và những đám người nhẫn nại bước đi, màu nắng mơ hồ một chân trời mất dấu… Có tiếng gõ cửa, không, trong mơ tôi vẫn biết đó là tiếng nước giọt bên mái hiên và những ánh vô hình bay giăng trong đêm tối…

Tôi thầm nói, cám ơn Tà Cú, của riêng tôi và của những ai còn muốn tìm đến một nơi thanh sạch ít oi lưu lại giữa những ngày này.

Nguyễn Đông Nhật

--------------------

* Thơ Lý Bạch. Dịch nghĩa: giữa khoảng biển mây mênh mang.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.