GN - Quý thầy, sư cô tân cử nhân Phật học khóa VIII (Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM), tốt nghiệp thủ khoa đã chia sẻ về phương pháp học và đường hướng hoằng pháp lợi sinh với PV Giác Ngộ…
>>> Lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân Phật học khóa VIII
ĐĐ.THÍCH NGUYÊN PHƯƠNG (thủ khoa Khoa Phật giáo Việt Nam): Tôi luôn đặt ra những nguyên tắc trong quá trình học tập, nghiên cứu và cố gắng tuân theo những nguyên tắc đó. Thứ nhất, cùng một vấn đề nghiên cứu nên cố gắng tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau để có được đánh giá khách quan nhất nhằm tránh rơi vào những định kiến chủ quan. Thứ hai, luôn đặt cho mình một thời lượng cụ thể cho bất kỳ vấn đề học thuật nào cần giải quyết. Thứ ba, là nguồn tài liệu tham khảo để tôi nắm bắt được vấn đề đó đã, đang và sẽ có kết quả thế nào. Thứ tư, dành thời gian để đọc tư liệu nhằm trau dồi thêm sở học.
Tôi tâm niệm bằng cấp là công cụ hỗ trợ trên con đường tìm cầu đạo giải thoát. Giải thoát nội tâm mới chính là mục tiêu quan trọng của người đệ tử Phật.
Tôi luôn muốn đem những giáo pháp đã học được ứng dụng một cách thiết thực vào đời sống tu hành của mình để có được sự thăng tiến nội tâm nhất định. Nên, hiện tại, tôi sẽ tạm gác lại việc học tập một thời gian để có thời gian nghiền ngẫm và áp dụng vào đời sống tu tập của mình.
ĐĐ.THÍCH THIỆN PHÁP (thủ khoa Khoa Phật pháp Hoa ngữ): Để học tốt, theo tôi, trong lớp phải chú ý nghe các vị giáo thọ hướng dẫn, rồi học những bài mà các vị cho về. Bài chuẩn bị học thì xem trước nội dung, môn nghe thì mình nghe trước ở nhà, ngữ pháp cũng vậy. Thật ra, những giờ trên lớp học quý thầy cô chỉ có thể hướng dẫn mình phần căn bản nhất chứ không thể cung cấp đầy đủ hết kiến thức cho mình, nên mình phải tự trang bị bổ sung thêm. Ngoài những giờ giáo thọ dạy trên lớp thì quý thầy cô có thành lập thêm một nhóm bạn bè để cùng nhau học tập, cùng tập nói, khi không có điều kiện họp mặt thì tập nói chuyện qua điện thoại với nhau bằng tiếng Hoa, hoặc tự xem phim tiếng Hoa để tăng khả năng nghe…
Khi lên mạng mình có thể kết bạn với những người nước ngoài nhất là người Đài Loan, Trung Quốc, bằng QQ hoặc Facebook, mình dùng tiếng Hoa để nói chuyện hoặc nếu như không thể nghe nổi họ nói thì mình đánh chữ Hoa rồi hỏi họ thêm cách sử dụng. Học ngoại ngữ nếu như chịu khó đọc, chịu khó nói chuyện và chịu khó nghe thì sẽ mau tiến bộ...
Trước mắt tôi sẽ về tỉnh nhà, phụ chư tôn đức một vài công việc ở Trường TCPH Đồng Tháp, nơi mà ngày xưa các ngài đã tốn công sức đào tạo chỉ dạy mình.
Sư cô TN.HUỆ TÍN (thủ khoa Khoa Phật giáo Trung Quốc): Việc học, trước tiên là mình phải cần mẫn, trên lớp phải chú ý nghe giảng, khi về nhà phải chép bài, làm bài lại liền. Tự mình phải học, nói chung mình phải cần cù là trên hết.
Hiện tôi đang học thạc sĩ bên Thái Lan - chuyên ngành Hoa văn, trong thời gian 2 năm. Tâm nguyện thì rất muốn học, nếu được thì sẽ qua bên Trung Quốc học thêm về ngôn ngữ. Còn ngoại cảnh và ngoại duyên nữa, nên tùy duyên.
Ở chùa Quang Châu (Đà Nẵng) - trú xứ của tôi hiện đang nuôi trẻ mồ côi, việc học thì cần nhiều người phụ, học xong thì mình về để phụng sự, sẽ làm tại chùa, tổ chức các chương trình tu tập cho chúng điệu ở chùa, rồi có điều kiện thì đi ra các vùng quê nghèo hơn.
Sư cô TN.HUỆ CHI (thủ khoa Khoa Phật pháp Anh ngữ): Học Anh văn có đặc thù là mình phải có trí nhớ và trau dồi thường xuyên chứ không như những môn khác - sau này mình có thể coi lại. Khi lên lớp mình phải chú ý lắng nghe thầy giảng, học ngay tại lớp. Anh văn không học hàng ngày khó tích lũy kiến thức. Mỗi ngày phải đọc sách báo tiếng Anh, lên mạng đọc tin tức bằng tiếng Anh, đọc hiểu, chữ nào mới, chưa hiểu thì tra trừ điển, tra ý nghĩa.
Hiện tại tôi chưa có ý định học tiếp lên, mà đang muốn tìm kinh sách tự dịch, và có duyên lành là được mời tham gia Ban Phiên dịch của Viện Nghiên cứu.
Nếu được thuận duyên tôi cũng muốn qua Myanmar để thực tập thiền, ở đây có những trung tâm thiền lớn, phương pháp thực tập bài bản. Qua đây, môi trường chủ yếu nói tiếng Anh, cũng là cơ hội để thực tập nói tiếng Anh. Đây cũng là cơ hội nhìn lại mình, thanh lọc nội tâm và chiêm nghiệm lại những điều đã học tại Học viện sau bốn năm học tập.
ĐĐ.THÍCH ĐẠT MA KHẢ AN (thủ khoa Khoa Triết học Phật giáo): Trong học tập, trước hết mình phải có một niềm đam mê, có sự hứng thú theo một lĩnh vực hoặc một ngành mình đã chọn, như vậy mình học mới có kết quả tốt. Thứ hai là phải có sự chuyên cần, bởi vì nếu không chuyên cần thì sẽ khó mang lại kết quả tốt.
Tiếp theo, trước khi đi ngủ, chúng ta có thể nằm điều hòa hơi thở và quán xét những điểm cốt lõi về bài học, tư duy những điểm mấu chốt trong những môn học. Đây là cách giúp nuôi dưỡng những kiến thức mình xem là cần thiết và quan trọng. Học thuộc lòng cũng là cách, đừng nghĩ nó như là cách học của học sinh thời phổ thông vì đối với Phật pháp thì có những thuật ngữ, những câu kinh, những nội dung tư tưởng mà không thể nào chúng ta tự ý nói khác đi ý gốc nên chúng ta phải cần học thuộc để làm những kiến thức nền, đặc biệt là có liên quan đến môn học mà mình đang học.
Ngoài ra, tôi nghĩ phải thường đọc những bài viết, những chuyên khảo, chuyên đề, công trình nghiên cứu, kho sách có giá trị cao về lĩnh vực học thuật, nghiên cứu; từ đó, giúp ta có những kiến thức vững chắc, và có những tư liệu bổ ích cho bản thân và trong khi làm các tiểu luận các bài viết.
Còn việc phụng sự, tôi thấy ở Đắk Nông là tỉnh mới, vùng mà Phật pháp chưa được phổ biến, ở tỉnh có mấy mươi ngôi chùa, khoảng 60 Tăng Ni trở lại.
Ý định của tôi là sẽ về đây, nơi Phật pháp còn xa lạ với người dân, từng bước tạo những điều kiện trong khả năng của mình cho Phật tử, cho những người hữu duyên với Phật pháp, để họ tu tập theo lời Phật dạy, có sự an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống. Thiền thất Tâm Không nơi tôi ở (huyện Đắk Giong, Đắk Nông) vẫn chưa được hợp thức hóa, tôi đang làm giấy tờ, hy vọng sẽ sớm đi vào ổn định…
Như Danh ghi