Trò chuyện với một Phật tử - chuyên gia PR

GN - Sau nhiều năm trăn trở, nên hay không, phát hành một cuốn sách vén toàn bộ bức màn bí ẩn của ngành PR, năm 2014, tác giả Lê Trần Bảo Phương, ra mắt sách “Quyền năng bí ẩn” vào thời điểm giáo trình về ngành Quan hệ công chúng (PR) ở Việt Nam còn khan hiếm. Cuốn sách, theo anh, đều không nằm ngoài luật nhân quả nhà Phật.

Le Tran Bao Phuong.jpg
Tác giả trình bày “Kỹ năng truyền thông, quảng bá và trình bày trước công chúng” vào ngày 18-11-2016 do Trung tâm LIFE tổ chức, thuộc dự án Tăng cường kết nối cộng đồng phòng chống HIV/AIDS phía Nam do USAID tài trợ - Ảnh: NVCC

Dành thời gian cho báo Giác Ngộ, anh Bảo Phương bộc bạch:

- Hơn mười năm trong nghề, có những sản phẩm mình thật sự phải từ chối. Học trò tôi đang làm cho hãng bia, nhờ tôi tư vấn và làm dịch vụ PR. Tôi nói, “rượu bia thầy không nhận, thầy không khuyến khích người ta uống say xỉn”. Mình làm truyền thông khuyến khích người ta uống bia rượu, sau này mình bị quả báo mất trí nhớ hoặc đần độn... Tôi thấy, mình làm được hưởng nhiêu đâu mà cái nghiệp lớn quá. Thôi, bỏ qua! Nhưng giáo dục, tôi PR thoải mái, có khi miễn phí. Tôi tham gia giảng dạy, dù lương rất thấp nhưng dạy học có phước trí tuệ. Hơn nữa, khi mình dạy người ta làm điều đúng, mình cũng ý thức làm điều đúng, không dám làm sai. Mà khi mình làm điều đúng, mình được tôn trọng.

* Sao anh có đam mê với lĩnh vực PR?

- Theo tôi, có hai cách nhìn về đam mê, cạn và sâu: Đam mê cạn gắn với mong cầu về tiền bạc, danh lợi nên nếu không đạt được sẽ đau khổ mà dẹp đam mê, còn đam mê sâu là cái nghiệp, tâm nguyện đời người. Tâm nguyện của tôi là muốn được chia sẻ những điều hay, làm lợi lạc cho mọi người và PR là một cái duyên trong kiếp này.

* Anh đã rèn luyện cho mình những gì để hiện nay cũng như trong tương lai, dù có tiến xa hơn nữa, cũng không bị guồng quay của xã hội làm biến chất?

 - Sự rèn luyện của tôi đơn giản lắm, luôn nhìn sự việc dựa trên nhân - quả. Từ cái quả tôi suy ra cái nhân, xem có nên làm hay không. Ví dụ, một học viện truyền thông tên là Wolf (Học viện Sói), tôi hỏi người sáng lập sao đặt chữ Sói, rồi họ nói, “Sói là động vật được thế giới xếp là nguy hiểm nhất hành tinh, nhỏ như một đàn sói có thể giết chết được con voi”, mà khách hàng lớn được gọi là voi.

Trời đất ơi, một học viện mà coi khách hàng là đối tượng để họ săn bắt, như vậy, thẳm sâu là tâm ác. Nên tôi không hợp tác với họ.

* Tư tưởng này của anh được hình thành từ khi nào và như thế nào?

- Từ nhỏ (khoảng mười tuổi) tôi đã thích nghe giảng pháp, và nhận ra kinh Phật xoay quanh nhân quả. Nhưng ban đầu nghe cũng chưa thấm, rồi tôi ra đời, bị đời vùi dập mới thấu, giống như lá môn bị dập nát mới thấm được nước. Thời sinh viên, tôi rất giỏi nhưng kiêu ngạo ghê gớm, những điều hay ho tôi giấu chúng bạn, có tài liệu hay tôi không chia sẻ, cho tụi bạn rớt bớt để mình được học bổng. Tính trẻ con nhưng sâu thẳm là tâm ác. Tôi học điểm cao lắm nhưng ra trường làm việc gặp khó khăn. Sau đó có giai đoạn, giỏi ơi là giỏi mà thất nghiệp! Đau khổ giúp tôi rửa con mắt sáng ra. Thôi rồi, do mình ích kỷ nên bị quả xấu. Từ đó, tôi dần thay đổi, thời gian thất nghiệp tôi tập trung viết “Quyền năng bí ẩn”, viết xong tôi chia sẻ. Sau đó mọi thứ tốt đẹp hơn.

Tôi diễn thuyết ở nhiều trường đại học, luôn nói với sinh viên điều này để giúp các em ấy thành công và tránh vết xe đổ của tôi. Tôi giúp sinh viên hiểu ra: “Thành công = (Kiến thức + Kinh nghiệm + Kỹ năng) * Thái độ * Thời gian * Sự may mắn”. Như vậy thời gian mình làm việc tốt càng lâu, thái độ hoặc tâm mình tốt bền vững là yếu tố then chốt, còn kiến thức - kinh nghiệm - kỹ năng không khó để có.

Khi tuyển dụng, tôi cũng chọn những ứng viên có tâm, đạo đức tốt, còn kiến thức rất dễ để đào tạo.

* Những điều Phật dạy là chân lý, nhưng để sinh viên, khách hàng, đối tác của anh có thể tiếp nhận và thấu hiểu, anh có những phương pháp nào?

- Tôi chuyển từ ngữ cùng tần số với người ta. Với sinh viên, tôi chuyển nhân quả, phước đức thành sự may mắn trong công việc: “Nếu muốn có may mắn, các em nên chia sẻ tài liệu hay, giúp đỡ bạn bè học tốt, làm điều tốt,...”.

Đối với doanh nghiệp tôi tư vấn, họ đều muốn phát triển mạnh và trường tồn, tôi nói với họ: “Những gì vĩ đại, bền vững chỉ đến từ sự tích cực và minh bạch”. Tôi còn dùng chữ nhân duyên, tùy duyên: “Điều kiện được hay không được, thuận theo lẽ tự nhiên, không nên cưỡng cầu”.

* Nếu chúng ta nói quá nhiều mà thực hành chưa được bao nhiêu thì lời nói bị rỗng và không có sức nặng phải không ạ?

- Nó hết lực rồi. Giống như chính phủ phát hành tiền, phải có chế độ quản trị bảo đảm lượng vàng tương đương lượng tiền để tiền không bị lạm phát. Giống như vậy, đồng tiền có giá trị, được bảo đảm bởi vàng, những gì mình nói ra được bảo đảm từ những gì mình đã thực hành. “Nói ít - Làm nhiều” cũng chính là bí quyết tạo nên “thần thái nhân hiệu” chứ không phải kỹ xảo, phương tiện truyền thông như nhiều người lầm tưởng. Ví dụ, khi tôi viết “Quyền năng bí ẩn”, tôi chia sẻ thành từng phần nhỏ trên Facebook, không ai để ý. Nhưng khi tôi hoàn chỉnh sách, có học vị cao, đi tư vấn nhiều, làm việc theo nhân quả, thì lời nói trở nên có giá trị hơn, dù nội dung y chang hồi trước. Mình hiểu đó là sự tích lũy một đạo đức nhất định do rèn luyện mà có.

* Theo anh, cá nhân PR thành công nhất trong lịch sử nhân loại là ai?

- Cha đẻ của ngành PR là Edward Bernays. Bản thân tôi cũng ngưỡng mộ và học hỏi nhiều từ ông, qua việc đọc hai cuốn sách viết theo lối tiếng Anh cổ của ông là Tuyên truyền (Propaganda - 1928) và Kết tinh quan điểm công chúng (Crystallizing Public Opinion - 1923). Nhưng vị này không phải người vĩ đại nhất. Người vĩ đại nhất trong lĩnh vực PR, đối với tôi là Đức Phật. Vì nhà truyền thông vĩ đại đến từ nội dung chứ không phải đến từ phương tiện. Về nội dung đỉnh cao, cho đến thời điểm này, Phật là vĩ đại nhất. Nội dung đỉnh cao, không chỉ tuyệt vời về triết lý mà còn giúp mọi người tốt đẹp, an lạc và hạnh phúc hơn, từ kiếp này và vô lượng kiếp nữa...

 * Sao anh có sự liên kết giữa lĩnh vực tôn giáo và truyền thông, bởi vì không phải người làm truyền thông nào cũng có sự liên kết đó?

- Đó là nguồn gốc ra đời của “Quyền năng bí ẩn” và lý do tại sao tôi đặt tên sách là “Quyền năng bí ẩn”. Khi mới bắt đầu viết, tôi có nghiên cứu về Aldolf Hitler vì nghệ thuật truyền thông của Hitler cũng rất đáng suy ngẫm. Sách của Bernays kể lại, Hitler đã tìm tác giả, muốn Bernays về phục vụ tuyên truyền, ru ngủ thế giới. Hitler rất đầu tư, chú trọng truyền thông nhưng vẫn thất bại. Trong khi Phật, Chúa đã tịch diệt lâu mà giáo lý của của hai đấng vẫn tồn tại. Rốt cuộc, sức sống truyền thông mãnh liệt này đến từ đâu? Đó chính là triết lý về tình yêu thương. Hitler không thể được so sánh với Đức Phật và Thiên Chúa ở điểm mấu chốt này nên con đường ông đi không thể đến đích được.

Sự thành tựu nào cũng cần nỗ lực tu tập tương xứng.

* Làm sao anh tìm ra được tâm nguyện và sứ mệnh của mình?

- Cách nay khoảng 7 năm, tôi thực hành một phương pháp là thử chết đi. Tôi nằm trong tư thế xác chết, và tưởng tượng mình trong giờ phút hấp hối, suy nghĩ xem điều gì làm mình luyến tiếc nhất, điều gì làm mình tự hào nhất, điều gì làm mình sung sướng nhất và điều gì làm mình đau khổ nhất. Liệt kê ra... rồi tôi ngồi dậy viết lên giấy liền. Điều làm mình hạnh phúc - mình tăng cường. Điều làm mình hối tiếc nhất - mình phải chuyển đổi.

Có ba điều tôi hối tiếc: thứ nhất là kiến thức mình có chưa chia sẻ được với nhân loại; thứ hai là tôi đã ít làm từ thiện, ít cúng dường quá; thứ ba là giá trị mình đem lại cho mọi người ít quá, toàn đem lại cho mình, mình chết, bỏ lại hết mọi thứ, thật vô nghĩa. Nên tôi “sống lại”, viết sách, làm từ thiện nhiều hơn, chia sẻ nhân quả cho mọi người để người ta ít tạo nghiệp xấu - để mai này khi tôi chết thiệt thì thanh thản, không hối tiếc...

* Xin cảm ơn và kính chúc anh mạnh khỏe!

Mộc Mộc thực hiện

Lê Trần Bảo Phương, sinh năm 1984, tốt nghiệp Thạc sĩ Truyền thông, Đại học Stirling (Anh quốc) và là tác giả của các sách về Quan hệ công chúng (PR): Quyền năng bí ẩn (2014), Giải mã bí mật PR tập 1 (2016), Giải mã bí mật PR tập 2 (2017). Trong đó, Quyền năng bí ẩn là quyển sách về PR đầu tiên của Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng và có mặt trong các hệ thống phân phối sách toàn cầu như Amazon, Google Book.

Ngoài viết sách, tác giả còn là nhà cố vấn PR cho các doanh nghiệp uy tín trong nước; giảng dạy, chia sẻ về nghề PR tại các trường: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM, Đại học Kinh tế, Đại học Văn Lang, Đại học Văn Hóa, Đại học Hoa Sen, Đại học Đồng Tháp... Những chia sẻ về PR được tác giả đăng tải trên website: letranbaophuong.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.