Nguyễn Trường Sơn chia sẻ về Gốm Bụt với khách tham quan triển lãm - Ảnh: GB |
Đối với nghệ nhân Trường Sơn, làm gốm là một trải nghiệm quý giá để tập trung vào hiện tại và khơi nguồn sáng tạo bất tận. Theo anh chia sẻ tại triển lãm, khi dồn hết tâm trí vào từng món gốm, đôi tay cảm nhận kết cấu của từng thớ đất, đôi tai lắng nghe nhịp điệu của bàn xoay gốm, và đôi mắt hướng vào đường nét và màu sắc cũng là lúc ta nhận thấy mọi thứ đều có sự Hóa - Hiện của các ngài. “Đó cũng chính là lúc ta nhiếp tâm lại, lắng nghe từng hơi thở, từng tiếng động nhỏ để thấy các vị Đức Phật và Bồ-tát xung quanh ta”, Sơn nói.
Với Nguyễn Trường Sơn, làm gốm là con đường anh lựa chọn để sáng tạo nên những món gốm mang năng lượng bình an và tích cực. “Để có được điều đó thì người nghệ sĩ gốm cũng giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm trong suốt quá trình làm”, Sơn chia sẻ.
Những sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn |
Sinh ra và lớn lên ở làng Gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Nguyễn Trường Sơn cho rằng đây là phước duyên, vì nơi đây đã nuôi dưỡng tình yêu nghề gốm cho anh. Tiếp nối nghề gốm của cha ông, Nguyễn Trường Sơn trở thành nghệ sĩ sáng tạo nên “Gốm Bụt”, một dòng gốm mang hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống xưa, lại mang hồn của triết lý nhà Phật qua từng vân gốm với tính duyên sinh được chuyển tải.
Nhiều người thưởng lãm các tác phẩm của Sơn bày tỏ hoan hỷ vì dòng gốm kết hợp nghề truyền thống với triết lý đạo Phật vào chế tác từng sản phẩm - Ảnh: GB |
Được biết, triển lãm kéo dài đến hết ngày 30-5-2023, nhằm tôn vinh nghề làm gốm thủ công truyền thống, nét đẹp trong lao động sáng tạo của nghệ nhân làm gốm.