Trẻ em thích thiền khi được hướng dẫn đúng cách

GN - Đó là lời khẳng định của Giáo sư Ben Xing (tên tiếng Pháp của Simon Manase Masauko). Ông lớn lên ở Malawi và từng tham gia khóa đào tạo ba năm tại Đại học Phật giáo Châu Phi ở Nam Phi. Hiện ông là một tình nguyện viên tại Trung tâm chăm sóc Amitofo ở Malawi.

21 (1).jpg


Để giúp trẻ bắt đầu thực hành thiền,
các buổi tập không nên kéo dài để trẻ có thể tận hưởng và cảm nhận hơn

Theo Ben Xing, hầu hết trẻ em trên khắp thế giới, khi có cơ hội và môi trường thuận lợi, chúng sẽ tiếp thu rất nhanh và chú tâm học tập, đặc biệt là các môn học mang tính chất thực tế, mà ở đó có sự kích thích cảm xúc bằng âm thanh và hình ảnh. Như vậy, với phương pháp nhấn mạnh tính thực tiễn trong truyền dạy, trẻ em có thể cảm nhận được sự kết nối, mối liên kết của các giáo lý Phật giáo với cuộc sống thực và dễ dàng nắm bắt những gì chúng học được.

Trước hết cần nhận thức rõ, vị thầy gần gũi nhất cho mỗi và mọi đứa trẻ không ai khác hơn là cha mẹ của chúng; đối với những bạn nhỏ mất đi cha mẹ, vị thầy đó lại chính là người chăm sóc hoặc người giám hộ. Nói cách khác, những người trưởng thành chúng ta, những người đang nuôi dưỡng trẻ nhỏ, chính là những giáo viên trực tiếp và đầu tiên của chúng. Về vấn đề này, các chuyên gia đã nhận định, cha mẹ là cốt lõi cho sự phát triển toàn diện về tâm lý, hành vi, tinh thần và thể chất của một đứa trẻ. Như vậy, bậc cha mẹ là người hướng dẫn hoàn hảo nhất để chỉ dạy cho trẻ em thực hành thiền định, cùng con mình trải nghiệm nghệ thuật sống mang đậm tinh thần Phật giáo.

Bên cạnh đó, môi trường mà trẻ em được nuôi dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển về tinh thần và thể chất của chúng. Có thể thấy, dù là người lớn hay trẻ nhỏ, chúng ta đều tồn tại trong mình những cảm xúc yêu thích, hay chán ghét, trạng thái tinh thần tích cực và tiêu cực, đôi khi lo lắng, hạnh phúc, buồn bã, tức giận và bồn chồn… Song, quan trọng hơn hết là làm sao giúp cho trẻ nhận thấy rằng, mọi người đều trải qua những cảm xúc này và thiền định có thể hỗ trợ chúng ta kiểm soát tốt hơn những cảm xúc đó.

Để giúp trẻ bắt đầu thực hành thiền, các buổi tập không nên kéo dài để trẻ có thể tận hưởng và cảm nhận hơn, đồng thời, những lời chỉ dạy được truyền tải trong các bài học nên tương đương với trình độ của trẻ để chúng có thể hiểu được chủ đề đang được giới thiệu.

Việc khuyến khích trẻ liên hệ kinh nghiệm của bản thân với những bài học, tạo sự cởi mở trong chia sẻ cảm xúc với trẻ khi ngồi thiền sẽ giúp chúng hứng thú hơn. Song song đó, những vị thầy cũng cần đưa ra nhiều ví dụ, mẩu chuyện về kinh nghiệm của chính mình trong suốt quá trình dạy thiền cho trẻ, và cho chúng biết kết quả của việc thực hành thiền tích cực hay thành công thế nào.

Những phần quà nhỏ có thể tạo nên động lực thúc đẩy trẻ thực tập và đảm bảo duy trì được thói quen thiền tập cho trẻ. Lúc này, chúng ta sẽ thấy, thiền trở thành một phần hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của trẻ một cách rất tự nhiên.

Tất cả trẻ em đều cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ và hướng dẫn trong mọi khía cạnh khi bắt đầu thực hành thiền định. Khi hướng dẫn, chúng ta nên giải thích tất cả các bước cần thiết để đạt được mục đích và mục tiêu thiền định cho trẻ em một cách dễ hiểu nhất. Ví dụ như việc tại sao nên ngồi theo tư thế hoa sen để thiền và tư thế ngồi hoa sen là gì, cũng như có những tư thế nào khác được sử dụng trong thiền định? Quan trọng hơn cần hướng dẫn cho trẻ về kiểm soát và vận hành hơi thở, bởi đó là bài tập được thực hiện bởi mọi sinh vật sống.

Nếu sau khi rời khỏi một buổi thiền, trẻ cảm thấy được truyền cảm hứng và có thể vận dụng những gì chúng thực hành vào cuộc sống, thì bài học này đã có hiệu quả. Một số giáo viên đã nỗ lực rất nhiều để truyền cảm hứng cho học sinh bằng cách đưa ra những cách giảng dạy sáng tạo và sử dụng các ví dụ thực tế để cho thấy cách thực hành thiền là một phần của cuộc sống hàng ngày. Song, trẻ em thường ít có nhận thức và khái niệm về ý nghĩa của việc thiền định.

Do vậy, phụ huynh và các vị thầy nên dùng những nghiên cứu khoa học, giải thích nhiều lợi ích sức khỏe khi chúng ta thực hành thiền đúng cách, như giảm huyết áp, giảm mức cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, hay đột quỵ. Thiền còn hỗ trợ giảm căng thẳng, trầm cảm, mất ngủ, lo lắng và tăng năng suất trong học tập… đó cũng là những lợi ích phổ biến.

21 (2).jpg


Tất cả trẻ em đều cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ và hướng dẫn
trong mọi khía cạnh khi bắt đầu thực hành thiền định

Có thể khẳng định, việc tạo cho trẻ thói quen thực hành thiền từ khi còn nhỏ, sẽ giúp cho trẻ chuẩn bị tốt hành trang cả về tinh thần lẫn thể chất trong quá trình trưởng thành, khi tích cực thúc đẩy những phẩm chất tốt đẹp trong trẻ. Thiền định luôn hướng đến việc dạy trẻ các phẩm chất như từ bi, bền bỉ, khoan dung, kiên nhẫn, trong sáng, cũng như hòa bình bên trong và hòa hợp cùng với thiên nhiên và với mọi người khác bên ngoài.

Một số người có thể lập luận rằng trẻ em không thích thiền, nhưng với Ben Xing, điều này không hẳn đúng. Trẻ em có thể không thích những bài học thiền tại một ngôi chùa, với nội dung khô cứng, nhưng điều đó sẽ khác đi khi chúng ta tạo nên sự tương tác cho trẻ.

Trẻ cần có không gian riêng để tạo ra các quá trình tương tác của riêng mình, ngay cả khi đang thiền định. Ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình tương tác này phải là ngôn ngữ thông dụng của trẻ để chúng dễ dàng chia sẻ những gì mình đã học được cùng nhau và cùng chúng ta. Vì vậy, trong một số bài học, nên tạo sự hài hước. Khi những đứa trẻ phản ứng tích cực với sự hài hước, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy chúng đã bắt đầu quan tâm và hiểu những gì đang được thảo luận. Sự hài hước cũng gây ấn tượng mạnh bởi cách trẻ nhiệt tình, sẵn sàng nhận lấy và hoàn thành các nhiệm vụ được đặt ra khi học những điều mới mẻ.

Có thể thấy, nhảy múa, vui chơi và thực hiện các hoạt động ngoài trời, như tham quan các khu bảo tồn, hồ và núi, đó là những nơi lý tưởng để truyền cảm hứng thực hành thiền định, tạo cho việc thực hành thiền trở nên sinh động và thú vị hơn, dễ đến gần với trẻ hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.