Trăn trở cho sự phát triển của GĐPT

GN - “Người quan sát có cảm tưởng là chúng ta duy trì GĐPT như duy trì một hình ảnh đẹp của quá khứ vang bóng một thời. Trong nội dung sinh hoạt cũng không có sinh khí thật sự, không có chất lượng thật sự của sự nuôi dưỡng và trị liệu”, lời chia sẻ của HT.Thích Nhất Hạnh trong sách “Đạo Phật của tuổi trẻ”. Dưới đây là suy tư cho tổ chức của các huynh trưởng sinh hoạt tại TP.HCM…

4k3.jpg
Lý tưởng chỉ hướng cho thuyền đời, và nẩy hoa cho cuộc sống” - lời của huynh trưởng Võ Đình Cường

Nhìn rõ hạn chế để sửa mình

Theo huynh trưởng cấp Tấn Thị Cư - Nguyễn Thanh Minh, Trưởng ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT TP.HCM, đặc trưng GĐPT là quy tụ ba ngành khác nhau. Ngành Đồng từ 7 đến 13 tuổi, ngành Thiếu từ 13 đến 18 tuổi và ngành Thanh từ 19 tuổi trở lên - mỗi ngành đều có những sinh hoạt, tu học, huấn luyện đặc thù theo lứa tuổi.

“Riêng đội ngũ huynh trưởng được học tập, huấn luyện theo sách lược đi từng bước, từ chưa có đức tin thành có đức tin, có đức tin rồi đào tạo thành người hộ pháp tích cực, tự tu tập, tự chuyển hóa bản thân ngày một tốt đẹp hơn, sau đó đào tạo thành nhà hoằng pháp và cuối cùng là người mang tinh thần bình đẳng yêu thương, trí tuệ của đạo Phật đi vào cuộc đời, để tinh thần ấy thấm sâu, chuyển hóa tạo thành một xã hội đầy lòng yêu thương, bình đẳng, trí tuệ”, anh Thị Cư chia sẻ.

Nói về những hạn chế trong quá trình phát triển tổ chức tại TP.HCM, anh Thị Cư cho biết, vì là thành phố lớn có nhiều ngôi chùa, vùng kinh tế trọng điểm, trung tâm văn hóa của cả nước, chính vì vậy thành phố tiếp nhận rất nhiều nguồn đoàn sinh, huynh trưởng từ tỉnh thành về đi học đi làm và có điều kiện tham gia sinh hoạt. “Nhiều nơi về như vậy nên việc phát triển cũng gặp khó khăn do không có nguồn lực tập trung - vì chi phối các nơi đưa về, còn nguồn lực tại chỗ có nhưng còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Huynh trưởng ngoài huấn luyện và tu học thường xuyên do GĐPT tổ chức thì phải tự rèn luyện mình. “Nhiều huynh trưởng vô tâm không biết mình là hình ảnh đại diện cho tổ chức. Bản thân có những hạn chế do vài thói quen không tốt chưa từ bỏ được, đúng ra phải ý thức, kín đáo, từ từ sửa mình, lại cố chấp, tự ngã, cho rằng mình là như vậy… Các anh chị ấy phải tự hiểu rằng cá nhân không tuân theo những quy định của tổ chức là đang làm hại tổ chức vậy”, Trưởng ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT TP.HCM thẳng thắn nói.

Một hạn chế mà theo anh không nên có, đó là “có một số huynh trưởng xa rời chư tôn đức tại đơn vị đang sinh hoạt, đến chùa mà chưa xem chùa là nhà, chưa chu toàn nhiệm vụ của người Phật tử tại gia đối với chùa”.

Chương trình tu học tại các đơn vị không tuân thủ đủ nên trình độ đoàn sinh bị hạn chế và khi lên huynh trưởng cũng bị hạn chế. Để khắc phục, “Ban Hướng dẫn GĐPT TP sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng tu nghiệp cho huynh trưởng để sử dụng lớp huynh trưởng sẵn có. Tiếp tục đào tạo khóa huynh trưởng mới chất lượng hơn. Và sẽ tiến tới thành lập đoàn huynh trưởng lưu động để thực hiện việc phát triển tổ chức. Hiện tại, nhiều chùa trong thành phố đang có nhu cầu thành lập đơn vị GĐPT nhưng lực lượng huynh trưởng chưa đủ đáp ứng. Đồng thời tiến hành tổ chức lịch tu tập chung cho huynh trưởng toàn thành phố thường xuyên, nhắc nhở huynh trưởng chú trọng đến thực tu, thực học của từng huynh trưởng”, anh Thị Cư cho biết.

Trao đổi với Giác Ngộ, HT.Thích Thiện Hòa, trụ trì chùa Long Hưng, cố vấn giáo hạnh GĐPT Long Hưng, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết, GĐPT ở đây sinh hoạt từ 1995 tới nay. Trong suốt thời gian ấy - “Tôi nhận định các huynh trưởng thể hiện được bản lĩnh lãnh đạo, trách nhiệm, có uy tín, bổn phận với các đoàn sinh. Mỗi lần tổ chức đi cắm trại, anh chị thể hiện sự hy sinh bản thân mình vì đàn em. Mỗi Chủ nhật sinh hoạt, anh chị tới sớm lau dọn chánh điện, bàn nghế, rồi phân công cho các em cùng làm.

Các em đoàn sinh khi vào sinh hoạt tại Long Hưng từ từ có sự yêu thương với nhau, biết đoàn kết, chia sẻ và có sự hiếu hạnh, hạnh kiểm tốt. Các em có tánh sân si thì trở nên hiền hòa, còn thụ động thì trở nên năng động, các em hiếu động quá thì trở nên hiền hòa hơn - đó là chia sẻ của phụ huynh. Rồi các em biết sắp xếp thời gian hợp lý, biết chấp hành đúng giờ giấc quy định”.

Theo Hòa thượng, chỉ có một chút hạn chế là “anh chị khi có gia đình thì sinh hoạt không thường xuyên do bận công ăn việc làm, chăm lo cho gia đình riêng nhưng nếu Chủ nhật gác mọi chuyện đến sinh hoạt với các em, thì đó là một cái đức hy sinh cho đàn em”.

Còn theo HT.Thích Chơn Không, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM, những bài học vào chiều Chủ nhật rất bổ ích - như các em ngồi thiền, lễ Phật tụng kinh, hâm nóng niềm tin với Tam bảo, được thầy giáo hạnh dạy giáo lý, mở mang Phật học, cuối buổi hoạt động thanh niên vui chơi dưới sự hướng dẫn của các huynh trưởng. Qua mỗi kỳ trại thấy các em tự tin, trưởng thành hơn trong các giao tiếp.

“Các hoạt động từ trước tới nay đã nề nếp, cứ thế phát triển rất tốt. Chỉ cần làm mới và thêm bớt cho phù hợp là sinh hoạt sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia. Ngoài ra, một điểm lưu ý các hoạt động tại một số đơn vị - hiện chưa gắn kết với ngôi chùa đang sinh hoạt, nếu có sự gắn kết chặt chẽ thì sinh hoạt sẽ hiệu quả hơn”, Hòa thượng bày tỏ.

Huynh trưởng dạy bằng sự sống của chính mình

Để phát triển GĐPT, theo huynh trưởng Tâm Dũng, Liên đoàn trưởng GĐPT Đức Trí (Q.7), cần những điều kiện như: huynh trưởng phải nhiệt tình tâm huyết vì tổ chức, trên dưới một lòng. Kiến thức chuyên môn và Phật pháp của người huynh trưởng phải trau dồi thường xuyên. Phải có kế hoạch hoạt động hàng tuần và lâu dài của đơn vị, mỗi cá nhân huynh trưởng đều phải được phân công trách nhiệm cụ thể.

“Ngoài ra, cần có những hoạt động nổi bật, sôi động để gây chú ý, tạo sự thích thú cho đoàn sinh và những người xung quanh. Nên hội họp thường xuyên để tạo mối thân tình khắng khít của huynh trưởng và kịp thời nắm bắt những khó khăn để cùng tháo gỡ và chia sẻ kinh nghiệm. Sẵn sàng hỗ trợ quý thầy nhận các công tác Phật sự trong khả năng vì Phật sự càng nhiều, các anh chị và đoàn sinh càng có nhiều thời gian gần gũi yêu thương, gắn kết nhau. Đó cũng là chất xúc tác phát huy tính sáng tạo cho huynh trưởng và đoàn sinh và gây thiện cảm với quý thầy, được tín nhiệm cao, dễ dàng nhận được sự hỗ trợ tốt nhất”, anh Tâm Dũng gợi ý.

Còn với huynh trưởng Nguyên Châu, Liên đoàn trưởng GĐPT Long Hưng cho rằng, mối liên hệ giữa GĐPT và đạo tràng tại chùa còn khá lỏng lẻo, ít có sự liên lạc nên trong công tác Phật sự tại chùa việc ai nấy làm, không hỗ trợ cùng nhau, điều này cần khắc phục. “Để đơn vị mỗi ngày một phát triển, trước hết phải bồi dưỡng thêm các kỹ năng cho huynh trưởng, cùng sách tấn nhau qua các khóa tu tập. Tổ chức những buổi ngoại khóa, đổi mới chương trình sinh hoạt bằng các trò chơi lồng vào Phật pháp và chuyên môn để tạo sự hứng thú cho các đoàn sinh”.

Trong khi đó, Liên đoàn trưởng GĐPT Xá Lợi - huynh trưởng Quảng Quý chia sẻ: “Thời đại thay đổi liên tục và huynh trưởng đôi lúc không theo kịp nên cũng lỗi vài nhịp. Huynh trưởng đa phần là trẻ - bộn bề cuộc sống và không tập trung được vào việc sinh hoạt cho chu đáo. Huynh trưởng luôn là nhân tố quan trọng trong việc duy trì và phát triển, tuy nhiên nhiều lúc đứng trước những sự việc mà khả năng của huynh trưởng có hạn, công năng chuyển hóa bản thân chưa tốt thì hiệu quả tạo ra để giúp người khác vẫn chưa thực sự hoàn toàn”.

Các huynh trưởng GĐPT tuy đạo hạnh và tài năng chưa được hoàn hảo nhưng ai cũng đang được huấn luyện và tu học liên tục để càng ngày càng có khả năng bảo vệ và nuôi dưỡng đoàn sinh của mình. Huynh trưởng cố tâm thực tập cho bản thân và cho gia đình mình, bồi đắp chất liệu hòa thuận, tin yêu, và hạnh phúc trong gia đình trong khi dạy dỗ và hướng dẫn các em tại đoàn quán...”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh
(sách Đạo Phật của tuổi trẻ).

Như Danh

_______

* Trang Tuổi trẻ trân trọng đón nhận thêm các góp ý để phát triển tổ chức Gia đình Phật tử về chất và lượng trong thời đại ngày nay. Kính mời quý anh chị huynh trưởng, bạn đọc quan tâm gửi bài về: onlinegiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.