GNO - Bên trong mỗi con người, ai cũng có một kho báu nhưng không phải người nào cũng nhận ra, đó là khả năng tự chữa lành. Chính khoảnh khắc nhận ra đó, ta tự cởi cho mình tất cả gánh nặng trên vai.
Trong bùn có sen - Ảnh minh họa
1. Rác và hoa
Đây là câu chuyện mình kể lại từ bài giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Rằng, ai cũng thích ngắm hoa, nhưng để có bông hoa đẹp, ngoài nắng, gió, nước, không khí, một thứ không thể thiếu đó là đất. Mà đất được làm từ rác. Rác bao gồm xác con vật, vỏ cây, lá cây và cả xác con người.
Niềm vui trong cuộc sống chính là bông hoa. Và nỗi buồn là rác. Để có niềm vui, ắt phải trải qua nỗi buồn. Nhưng có một bước quan trọng để biến rác thành đất, từ đó chất dinh dưỡng mới nuôi được cây để ra hoa. Nỗi buồn phải được chuyển hóa mới thành ra hạnh phúc được. Nhưng đa số, mọi người hay mắc kẹt ở đoạn này. Ai cũng muốn hưởng hoa thơm cỏ lạ nhưng đống rác trong lòng mình không chịu dọn. Thành ra hay than trời trách đất là “sao tôi khổ” rồi đi chùa cúng sao, giải nghiệp.
Vậy thì ta phải làm sao?
2. Phân loại và ủ rác thành phân
Bước này quyết định. Rác thì có rác hữu cơ và vô cơ. Chỉ rác hữu cơ mới phân hủy thành phân bón. Còn bịch nylon hay ống hút thì mấy trăm năm sau nó vẫn còn sừng sững như một vị thần. Nên phân loại nỗi buồn, ta cần biết cái nào đáng thì hẵn phiền lòng cho nó. Còn cái nào bao đồng quá thì thôi để lại cho nhân gian, đừng mang hết vào người nhé.
Tiếp theo, khi chỉ còn lại rác hữu cơ, ta gom chúng lại, đào hố, lấp đất, “bảy bảy bốn chín ngày” nhất định thành phân bón tốt cho cây. Còn nỗi buồn, ta nhẹ nhàng đối mặt với nó, nhìn thẳng vào nó bằng một tấm lòng từ bi. Nhớ đừng tự trách bản thân, vì khi làm như vậy, ta lại vô tình nhân đôi rắc rối của mình lên. Mà việc cần làm là tự tha thứ cho mình, rồi cho tha nhân. Với một tâm thế tĩnh lặng, thêm một chút "gia vị" là thời gian nữa, chắc chắn ta sẽ ngộ ra được nhiều điều từ những sai lầm, mất mát.
Những lúc rối lòng, hãy hít thở thật sâu, nhiều lần. Chính hơi thở sẽ làm tâm ta dịu lại, tâm trạng trở nên bình lặng hơn. Hay chỉ cần đi ra một công viên có nhiều tán cây mát mẻ, đi bộ và chú ý đến từng bước chân. Mỗi bước chân đặt xuống mặt đất là một lần ta cảm giác được vùng da dưới chân mình nén lại. Đừng rời tâm trí khỏi đôi bàn chân đó. Bạn cứ thử cho tới bước chân thứ 15 xem, một cảm giác hạnh phúc tràn đầy tự dâng lên trong lòng ngực. Đó là lúc nỗi buồn của bạn được chuyển hóa. Đây gọi là “thiền hành” mà Thầy dạy mình đó.
3. Đời là biển khổ, nên việc của ta là “tập lướt sóng”
Đảm bảo trong một ngày, một tuần hay trọn đời, ta sẽ không bao giờ tránh được những thứ làm mình muộn phiền dù ít hay nhiều. Đó là chuyện đương nhiên, là quy luật. Giống như xuống nước thì người phải ướt vậy. Đứng trên bờ thì sẽ không vui, xuống nước sóng càng to thì càng vui nhưng đảm bảo đôi khi sóng sẽ đập vô người đau điếng. Để khỏi chìm, cứ kiếm một miếng ván và tập lướt sóng thôi. Nên nhớ, lướt sóng chứ đừng đương đầu với sóng, vì ta không thể nào sống sót khi đương đầu trước một đại dương đâu.
Thầy bảo, ai cũng phải buồn. Nhưng người nào biết cách thì sẽ buồn rất ít.
Tâm Bùi
Nhật ký cuộc sống Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác. Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV. PGTT |