Không chỉ ấn tượng qua các buổi pháp đàm, thiền hành, thiền trà, thiền tọa, niệm Phật - kinh hành, tôi còn có dịp tham dự các khóa lễ cầu an theo nghi thức của cả hai truyền thống Phật giáo Bắc tông Việt và Nam tông Khmer; học cách thức cắm hoa, chưng quả; hoan hỷ với đêm văn nghệ, hoa đăng nguyện cầu…
Nội dung chương trình khá nhiều so với khoảng thời gian quá ngắn. Nhưng, dưới sự dẫn dắt của 3 vị Đại đức trẻ, chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều mà qua nhiều năm đi chùa, tôi chưa có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận một cách sinh động đến thế!
Chuyến đi là một cách thanh tịnh hóa thân tâm
Hành hương là chuyến đi “qua không gian và thời gian đến các địa điểm thiêng liêng nhằm mục đích thanh tịnh hóa thân tâm”, Đại đức Hạnh Kiên, hướng dẫn tâm linh cho đoàn nói. Và, hơn bao giờ hết, sau khi trải qua các thời lễ bái, cầu an tại các chùa Việt cũng như Khmer, chư vị Đại đức đã hướng dẫn chúng tôi cách thức lễ Phật. Thân và tâm phải hiệp nhất; tay nâng lên trán tỏ lòng kính ngưỡng, hạ xuống tim biểu hiện sự tín thành; chậm rãi cúi xuống, năm vóc sát đất, ngửa lòng bàn tay ra như hôn lên chân Đức Phật; Phật đang ở bên ta, Phật đang ở trong ta. Một cái lạy hàm chứa bao ý nghĩa!
Khóa lễ theo truyền thống Nam Tông Khmer
Đại đức Quảng Trí hỏi, sau khi hiểu cách thức rồi, quý vị lễ Phật, có thấy sự khác biệt nào không? Ai cũng trả lời thầy là rất khác, và tại sao thầy không chỉ sớm hơn? Thầy cười, đáp: Phải thời thuyết giáo, quý vị mới cảm nhận sâu sắc! Quả thực, trong không gian yên tĩnh trước tôn tượng Quán Thế Âm tại núi Cấm, chúng tôi đã nhận ra rằng, phước báo và sự gia trì của chư Phật và Bồ tát, trước hết là ở sự thanh tịnh hóa thân tâm, giúp ta có thêm năng lượng để vượt qua mọi khó khăn, trở lực.
Đi thuyền qua sông là một điều thú vị của người thành phố
Vui chơi với các em người dân tộc
Những khoảnh khắc lắng đọng
Tại tịnh xá Ngọc Viên - ngôi tịnh xá đầu tiên của hệ phái Khất sĩ (Vĩnh Long), chúng tôi đã được các sư hướng dẫn cách thức lắng tâm dựa vào phương pháp thiền hành, thiền tọa.
Buổi tọa thiền trong sự tỉnh lặng của chuyến đi
Thiền, một khái niệm quen thuộc nhưng mới mẻ với hầu hết các thành viên trong đoàn, giờ đây đã được các sư nói tóm gọn trong vòng 15 phút; sau đó, với 25 phút thực tập, chúng tôi đã nếm thử “giọt an lạc” đầu tiên của pháp hành này. Hãy chú tâm vào hơi thở vào ra, quý vị sẽ thấy rõ bản chất của tâm. Tâm chúng sanh thích lăng xăng chạy nhảy. Hãy đưa tâm trở lại với hơi thở khi nó lang thang về quá khứ hay tương lai - phải hết sức kiên nhẫn, đừng bực mình. Bực mình là hạt giống của sân hận. Nhưng cũng đừng mong muốn tâm ở yên. Mong muốn là hạt giống của tham lam. Đơn giản, chỉ chú tâm vào từng hơi thở và từng bước thiền hành. Hiểu rõ bản chất tâm là khởi đầu của chánh kiến nhằm phá tan si lầm!
Thiền trà
Treo lời an lành lên cây nguyện ước
Thiền hành
Một buổi chiều ở tại ngôi chùa có tượng Phật nằm lớn nhất miền Tây Nam Bộ, chúng tôi lại có dịp ngồi bên nhau trong chánh niệm qua một buổi thiền trà. Ngồi bên nhau không nói, nghe hương vị trà tan trên đầu lưỡi, và cảm nhận trọn vẹn khoảnh khắc tuyệt vời nhất của cái duyên pháp lữ mà giữa cuộc sống bộn bề này, không biết bao giờ chúng tôi mới có những phút giây lắng đọng như vậy!
Tha thiết "Đêm Gành Hào..."
Đoàn đã dành trọn một buổi chiều ở ngôi cổ tự Quan Thế Âm - Đồng Tháp để tham gia nhiều chương trình đặc sắc, trong đó có buổi cầu an, chiêm bái xá lợi, học cách cắm hoa, chưng quả và trồng hoa dâng Phật, viết lời an lành treo lên Cây nguyện ước bên cạnh tôn tượng Phật…
Và đêm xuống, thầy trụ trì đã tổ chức đêm hoa đăng, lửa trại, văn nghệ. Chương trình khởi động bằng trò chơi bài chòi mang nội dung Phật giáo, sau đó thả đèn hoa sen xuống ao nhỏ trong vườn chùa. Hàng trăm ngọn nến sáng lung linh, tha thiết thêm với bài hát Đêm Gành Hào do một thành viên trong Công ty Hành Hương Việt trình diễn. Tiếng hát đã kéo những người dân miền Tây yêu âm nhạc đến chùa mỗi lúc một đông. Các em nhỏ và cả người lớn cùng hân hoan vây quanh ngọn lửa sáng bập bùng bên sân chùa. Những bài hát tiếp tục cất lên, những trò chơi tiếp tục kết nối những vòng tay thân ái… Ngôi chùa bỗng chốc trở thành trung tâm văn hóa - tâm linh của làng nhỏ ven sông.
Xa xôi nẻo về...
Chẳng mấy chốc đã phải trở về. Chuẩn bị chia tay, Đại đức Q.Kiến đọc mấy câu thơ:
Lang thang từ độ luân hồi
Mênh mông nẻo trước xa xôi dặm về.
Đường về còn xa, nhưng chính những phút bên nhau trong tình pháp lữ đã làm cho đoạn đường ngắn lại. Cũng vậy, bờ giác tuy xa, nhưng với những gì đã trải nghiệm, với những bước chân an lạc, chúng ta tinh tấn tiếp bước không dừng nghỉ, thì bến mê bỏ lại, bờ giác sẽ đến - Đại đức đã nói như vậy.
Lần lượt các thành viên trong đoàn bày tỏ cảm xúc của mình. Ai cũng tiếc nuối những giây phút tuyệt đẹp bên nhau trong tình pháp lữ; ai cũng nếm trải được cảm giác “an lạc từng bước chân” qua chặng đường hành hương - một cuộc hành hương đúng nghĩa!
… Chia tay, tôi bỗng nhớ da diết những chặng đường. Nhớ gương mặt của từng thành viên trong đoàn mấy hôm trước còn xa lạ, mà nay đã rất thân quen. Nhớ gương mặt và nụ cười hoan hỷ của ba vị thầy. Quý thầy gần gũi với chúng tôi quá; quý thầy trở thành những giảng sư “không pháp tòa” qua những thời pháp trên xe, tạo cơ hội cho chúng tôi trao đổi một cách tự nhiên, thân mật nhiều vấn đề khúc mắc của cuộc sống đời và đạo.
Xin cảm ơn Hành Hương Việt, cảm ơn quý thầy và tất cả các thành viên trong đoàn. Cảm ơn và hẹn gặp lại!