GNO - Ngày 21-10 vừa qua, Quốc hội đã khai mạc kỳ họp thứ 6 khóa XIII và dự kiến làm việc cho đến ngày 31-11-2013. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thông qua 8 dự án Luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Việc làm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Tiếp công dân; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và cho ý kiến về 12 dự án luật khác.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); Nghị quyết về dự toán, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; Nghị quyết về quy hoạch tổng thể thủy điện; Nghị quyết về việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án quan trọng, cấp bách…
Có thể nói, gần đây, hoạt động của Quốc hội đã được người dân, trong đó có Tăng Ni, Phật tử quan tâm, qua các phản biện, chất vấn sôi nổi và thẳng thắn của đại biểu Quốc hội trước Thủ tướng và các bộ trưởng thuộc Chính phủ về những bất cập trong công tác quản lý, điều hành kinh tế-xã hội.
Quốc hội đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời can đảm nhìn vào thực tế, nhận diện được vấn nạn tham nhũng là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển, để lại nhiều di hại lâu dài cho đất nước.
Ảnh hưởng bởi sự khủng hoảng tài chánh chung của toàn thế giới, nền kinh tế nước ta đã chững lại và có dấu hiệu suy thoái. Đáng buồn nữa, các cơ quan chức năng trong hệ thống điều hành của Chính phủ lơi lỏng trong quản lý, giám sát và kiểm tra càng làm cho nền kinh tế thêm xấu đi. Gần đây, hàng loạt vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm giá thuốc men chữa bệnh, chất lượng chăm sóc y tế, rồi đến việc vẽ nên nhiều dự án về thủy điện, sân bay… thiếu sự cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng lợi ích lâu dài của đất nước, để đến lúc có “có chuyện” rồi mới xét lại… Những việc như thế đã làm thất thoát không biết bao nhiêu ngân sách trong lúc khó khăn lẽ ra cần phải tiết kiệm chi tiêu, phải ưu tiên cho những vấn đề thiết thực cho dân sinh và căn bản cho sự ổn định và phát triển.
Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia phân tích, đã được thảo luận và phản biện, chất vấn trong các kỳ họp của Quốc hội. Vì lợi ích nhóm, ngân sách bị thất thoát, tài nguyên bị khai thác kiệt quệ, làm mất cân bằng môi trường sinh thái... Thật đau đớn khi nói về các sự kiện này, có đại biểu đã cảm nhận đó như là mình “tự ăn thịt chính mình”!
Hơn bao giờ hết, chính người dân có cảm nhận rất cụ thể về “sức khỏe” của nền kinh tế đất nước qua giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày, các dịch vụ “chẳng đặng đừng” như viện phí, thuốc men chữa bệnh, phí đi lại… tăng giá liên tục, trong khi thu nhập chính đáng từ việc làm ngày trở nên khó khăn. May mắn, nhiều đại biểu Quốc hội đã lắng nghe và chia sẻ, đã phản ánh thực tế đó trong các diễn đàn của Quốc hội, để từ đó có những điều chỉnh trong các chính sách mà Quốc hội có trách nhiệm thông qua.
Mong Quốc hội, và mỗi đại biểu Quốc hội tiếp tục lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, tiếp tục thể hiện trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, lắng nghe và lên tiếng kịp thời về những bức xúc trong đời sống xã hội, để Quốc hội xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta.