Trách nhiệm hướng dẫn các pháp môn & phương tiện tu hành cho tín đồ

GN - Những năm gần đây, với chính sách mở cửa về tôn giáo của Nhà nước, tình hình Phật giáo ở nước ta trở nên sôi động. Nổi bật nhất là hiện tượng Phật giáo mang màu sắc Mật tông - Kim Cương thừa có nguồn gốc Tây Tạng du nhập, hành đạo ở nhiều tỉnh thành.

Nói đến các vị Lạt-ma liên quan tới Tây Tạng, cách đây khoảng hai mươi năm trước, là những hình ảnh xa lạ đối với đa số Tăng Ni, tín đồ Việt Nam. Nếu các vị có đến thì cũng chỉ âm thầm mang tính thăm viếng cá nhân, hoặc du lịch, và dĩ nhiên cũng hiếm thấy.

Mười năm trở lại đây, tình hình đó đã có một sự thay đổi sâu sắc, khiến người quan sát cảm nhận đó là sự chuyển biến ngoạn mục trong sinh hoạt của Phật giáo.

Những cuộc thăm viếng không còn khó khăn, giới hạn mà được hợp thức hóa qua các cuộc gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ, thăm viếng Giáo hội, qua các sự kiện cầu siêu cho anh hùng liệt sĩ, cầu quốc thái dân an, giao lưu văn hóa… được làm truyền thông rất hiệu quả, qua nhiều kênh, đặc biệt là qua kênh đài truyền hình quốc gia VTV.

Nhiều mỹ từ tôn xưng cũng được truyền bá thành công qua tổng hợp nhiều phương thức truyền thông, như sách vở, băng đĩa, phim tài liệu, tờ rơi… phát đến tận các chùa lớn nhỏ khắp nơi. Ngoài các danh xưng giáo phẩm quen thuộc của Phật giáo Việt Nam, gần đây du nhập thêm các mỹ từ như “Đức Pháp Vương” - vốn được dùng để tôn xưng Đức Phật, hay “Nhiếp Chính Vương”, hoặc tôn xưng các vị là “hóa thân chân thật của Đức Quan Thế Âm”, v.v… khiến không ít người thắc mắc.

Đặc điểm của Phật giáo Phát triển là khi đến đâu thì hòa mình vào nền văn hóa bản xứ, mang màu sắc của nền văn hóa đó. Nội dung giáo lý căn bản là thống nhất, nhưng phương thức hành trì và hình thức tín ngưỡng, lễ nghi chắc chắn có sự khác biệt tùy theo phong thổ ở mỗi quốc độ, bởi tính linh hoạt, phương tiện thiện xảo của Phật giáo Đại thừa. Có như vậy chúng ta mới thấy rằng văn hóa Phật giáo Việt Nam khác với văn hóa Phật giáo Tây Tạng, khác với Phật giáo Trung Quốc hay Phật giáo Nhật Bản.

Việc giao lưu là cần thiết, nhưng giao lưu để nhận ra mình, thấy được thế mạnh và sự hạn chế của mình để điều chỉnh nhằm phát huy những giá trị của truyền thống, nếu không như vậy cũng chỉ là trào lưu thị ngoại mà thôi.

Người ta thường dẫn ý rằng Phật giáo có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập, tùy duyên mặc cho mỗi người có một sự chọn lựa, nên tự do du nhập, truyền bá những gì mình nếu có nhu cầu. Điều đó là không hợp lý, bởi lẽ tu tập là một quá trình có sự hướng dẫn cụ thể, khi chưa có sự nhận thức - kinh nghiệm căn bản, mà được tiếp xúc quá nhiều nguồn thì tai hại cũng như câu chuyện người đẽo cày giữa đường được kể lại trong kho tàng truyện ngụ ngôn Việt Nam.

Thay đổi một thói quen hành vi đã là khó, càng khó hơn khi làm thay đổi một nếp tín ngưỡng, đức tin của con người.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam với vai trò “là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam” như đã khẳng định trong lời nói đầu của Hiến chương, thiết nghĩ Giáo hội cần có sự quan tâm hướng dẫn các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chánh pháp và phù hợp với truyền thống, thời đại. Việc đó có thể nói là Phật sự quan trọng vào bậc nhất, “trước các Phật sự”, như lời chư tôn đức giáo phẩm tiền bối đã đề cập từ thời chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX.

>> Xem thêm: HT.Thích Thiện Tánh nói về việc sử dụng tôn hiệu "Pháp Vương"

Diệu Nghiêm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.