TP.HCM: Trang nghiêm tưởng niệm 60 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2023)

Đức Pháp chủ GHPGVN cùng chư vị giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự đảnh lễ Giác linh Bồ-tát Thích Quảng Đức
Đức Pháp chủ GHPGVN cùng chư vị giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự đảnh lễ Giác linh Bồ-tát Thích Quảng Đức
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng nay, 20-4-Quý Mão, tại trung tâm hành chính, văn hóa, tâm linh của Phật giáo TP.HCM - Việt Nam Quốc Tự trang nghiêm diễn ra Đại lễ tưởng niệm 60 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Lễ tưởng niệm do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phối hợp Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức.
Di ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức tôn trí tại lễ đường, hội trường Việt Nam Quốc Tự

Di ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức tôn trí tại lễ đường, hội trường Việt Nam Quốc Tự

Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng quang lâm chứng minh Đại lễ tưởng niệm; Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh; Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh, cùng chư vị giáo phẩm Ủy viên Thường trực, Thành viên Hội đồng Chứng minh.

Đức Pháp chủ GHPGVN tại Đại lễ tưởng niệm 60 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, cùng tưởng niệm chư vị Thánh tử đạo

Đức Pháp chủ GHPGVN tại Đại lễ tưởng niệm 60 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, cùng tưởng niệm chư vị Thánh tử đạo

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; chư vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Hòa thượng Thích Huệ Trí, Hòa thượng Thích Thiện Thống, Hòa thượng Thích Huệ Thông; Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, đồng Trưởng ban Tổ chức, cùng chư tôn đức Hội đồng Trị sự, Ban, Viện T.Ư, Văn phòng II T.Ư, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, các ban chuyên môn, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện, Tăng Ni và Phật tử các tự viện TP.HCM.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan có ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Trần Xuân Điền, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM; bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan T.Ư và TP.HCM, Quận ủy Q.10, P.12 sở tại.

Hòa thượng Thích Lệ Trang thay mặt Ban Tổ chức cung tuyên tiểu sử

Hòa thượng Thích Lệ Trang thay mặt Ban Tổ chức cung tuyên tiểu sử

Tại Đại lễ, Hòa thượng Thích Lệ Trang cung tuyên tiểu sử. Theo đó, Hòa thượng Thích Quảng Đức khánh sinh năm 1897 (năm Đinh Dậu), xuất gia năm 7 tuổi với Hòa thượng Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm, trụ trì chùa Long Sơn (Khánh Hòa) và thọ Cụ túc, Bồ-tát giới năm 20 tuổi, được Hòa thượng Bổn sư ban pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, pháp hiệu Quảng Đức. Sinh thời, Ngài đi vân du hóa đạo nhiều nơi, kiến tạo và trùng tu tất cả 31 ngôi chùa.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, Đại lão Hòa thượng Hải Đức mời Ngài nhận chức Chứng minh Đạo sư cho Chi hội Phật học Ninh Hòa, sau đó giữ chức Kiểm Tăng của Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa. Thời gian hành đạo tại miền Trung, Ngài đã kiến tạo, trùng tu tất cả 14 ngôi chùa.

Lúc mới vào Nam, Ngài đã lưu trú tại chùa Long Vĩnh (Q.3, Sài Gòn) nên dân chúng quen gọi Ngài là Hòa thượng Long Vĩnh, Ngài còn có hiệu là Thích Giác Tánh. Năm 1953, Ngài được thỉnh cử vào chức vụ Phó Trị sự và Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng Già Nam Việt, đồng thời lãnh nhiệm vụ trú trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt.

Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự

Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự

Cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo miền Nam vào năm 1963 chống chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Tăng Ni, Phật tử của chính quyền Ngô Đình Diệm ngày một nặng nề và khốc liệt, chùa chiền bị phong tỏa, Phật tử bị bắt bớ khắp nơi. Cuộc đàn áp tang thương của Phật tử ở Đài Phát thanh Huế làm cuộc tranh đấu âm thầm của Phật giáo ngày càng lan rộng tới các thành phố lớn.

Để thức tỉnh Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính quyền họ Ngô sớm đáp ứng năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo đồ, đồng thời để cho thế giới nhận thấy cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam là chính đáng, Ngài đã quyết định thực hiện tâm nguyện thiêu đốt nhục thân để cúng dường chư Phật và để bảo vệ chánh pháp được trường tồn.

Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN

Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN

Ngày 20-4 nhuận năm Quý Mão, tức ngày 11-6-1963, cuộc diễu hành rước di ảnh các Thánh tử đạo của trên 800 vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và Phật tử từ chùa Phật Bửu đến chùa Xá Lợi, khi đoàn diễu hành tiến đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM), Ngài ngồi kiết-già trên mặt đường, tự tay châm lửa giữa Tăng Ni đang vây quanh chắp tay cầu nguyện. Ngọn lửa bốc cao, phủ kín thân mình nhưng Ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa.

Thân tứ đại của Ngài được rước về quàn tại chùa Xá Lợi hơn một tuần lễ. Đến ngày 20-6-1963, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo cùng tất cả chư Tăng Ni và Phật tử tổ chức lễ cung rước đưa về An dưỡng địa, cử hành trọng thể lễ trà-tỳ. Sau khi hỏa thiêu suốt ngày trong lửa nhưng trái tim của Ngài vẫn còn nguyên vẹn, được thiêu lần thứ hai vẫn không cháy.

Tri ân công hạnh cao vời của Ngài với đạo pháp, sau khi GHPGVN Thống Nhất ra đời, Hội đồng Lưỡng viện Tăng thống và Hóa đạo trong một phiên họp trước ngày Phật đản năm 1964 đã đồng thanh quyết nghị thành kính suy tôn Ngài pháp vị Bồ-tát.

Hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, Ngài đã kiến tạo, trùng tu, xây dựng được 17 ngôi tự viện. Cả cuộc đời hành đạo, Ngài đã khai sơn, trùng tu, xây dựng tất cả 31 tự viện. Tổ đình Quán Thế Âm, tọa lạc nơi con đường mang tên Ngài ở Q.Phú Nhuận ngày nay là trú xứ cuối cùng, trú xứ thứ 31 của Ngài.

Tại TP.HCM, Tượng đài Công viên Bồ-tát Thích Quảng Đức (Q.3) tại ngã tư nơi Ngài vị pháp thiêu thân được xây dựng trang nghiêm giữa lòng Thành phố. Tại Thủ đô Hà Nội, Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam cùng Tăng Ni, Phật tử Thủ đô đã kiến tạo ngôi tháp mang tên Ấn Quang để tôn thờ Bồ-tát Thích Quảng Đức tại tổ đình Hòe Nhai (Hồng Phúc), phố Hàng Than, Q.Ba Đình.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự dâng lời tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, chư Thánh tử đạo

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự dâng lời tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, chư Thánh tử đạo

Thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự dâng lời tưởng niệm, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ lòng thành kính tri ân trong ngày Đại lễ tưởng niệm 60 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, chư Thánh tử đạo đã hy sinh cho Đạo pháp trường tồn và Dân tộc độc lập.

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự trong lời tưởng niệm nêu chính tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã nêu cao gương hy sinh cao cả, đã làm chấn động dư luận khắp toàn cầu, gây xúc động sâu rộng trong mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo. Sự hy sinh vì đạo pháp của Ngài làm cuộc đấu tranh của Phật giáo lan rộng mạnh mẽ, đi đến kết thúc là ngày 1-11-1963, chế độ độc tài, gia đình trị của họ Ngô sụp đổ.

Lãnh đạo các cơ quan T.Ư, TP.HCM, Q.10, P.12 sở tại tham dự

Lãnh đạo các cơ quan T.Ư, TP.HCM, Q.10, P.12 sở tại tham dự

Với tinh thần bất bạo động, vô úy, với tình thương và trí tuệ sáng ngời, Ngài đã lấy tình thương xóa bỏ hận thù, lấy tình thương hóa giải bất công, tàn bạo, góp phần thành công cho cuộc đấu tranh đòi bình đẳng, tự do tín ngưỡng. Ngài để lại một bức thư “Lời nguyện tâm quyết”, nói rõ chủ định và nguyện vọng của Ngài.

“Hôm nay, chúng ta tưởng niệm 60 năm ngày Bồ-tát vị pháp thiêu thân, để cho chúng ta được sống và hưởng thụ những thành công tốt đẹp và không ngừng phát triển của Phật giáo Việt Nam vững mạnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển ở thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo. Để tưởng niệm và tri ân Bồ-tát Thích Quảng Đức, chư Thánh tử Đạo, Tăng Ni, Phật tử GHPGVN chúng ta phải nỗ lực phát triển Giáo hội và làm cho truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trên đường phát triển, gắn kết một cách nhuần nhuyễn trong tinh thần dân tộc Việt Nam và giữ vững nền hòa bình thế giới”, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhắn nhủ đến Tăng Ni, Phật tử.

Với tư cách là nhân chứng, Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã chia sẻ xúc động đến Tăng Ni, Phật tử

Với tư cách là nhân chứng, Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã chia sẻ xúc động đến Tăng Ni, Phật tử

Tại Đại lễ tưởng niệm, với tư cách là nhân chứng, Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã chia sẻ xúc động đến Tăng Ni, Phật tử về công hạnh của Bồ-tát Thích Quảng Đức để trong tương lai Tăng Ni, Phật tử nương theo trên con đường tu tập và hành đạo.

Theo đó, Đức Pháp chủ hồi tưởng lúc sinh thời, Hòa thượng Thích Quảng Đức là người rất bình dị nhưng có chiều sâu trong đời sống, giản dị nhưng ẩn chứa trong đó tâm hồn thánh thiện. “Đó là Bồ-tát đi vào đời, dù ở bất cứ cương vị nào, Ngài cũng đem hết tâm lực, nguyện lực của mình để phục vụ cho đất nước, cho dân tộc và cho đạo pháp. Đó là điều hậu thế chúng ta cần phải học theo Ngài. Cho nên tôi học được ở Ngài là cố gắng giữ gìn được giới thể của mình, phát huy được nội lực của mình… Cuộc đời hành đạo của Ngài không phạm phải lỗi lầm, đó là bài học lớn mà tôi đã học”.

Đức Pháp chủ GHPGVN tại lễ tưởng niệm

Đức Pháp chủ GHPGVN tại lễ tưởng niệm

Đức Pháp chủ GHPGVN cũng nhận định cuộc đời đắc đạo của Bồ-tát cũng chứng minh cho mọi người thấy được không phải tu để mà tu, mà có tu thì mới có đắc đạo, có đắc đạo thì đạt được những điều khác biệt. Bồ-tát đã kiết thất và trì kinh Pháp hoa trong 3 năm, đạt được là người trì kinh Pháp hoa - thân đạo đức và tâm sáng như viên ngọc.

“Chúng ta nhìn Ngài là vị Bồ-tát chứ không phải là người thường. Bởi, hình ảnh của Ngài ngồi tĩnh tọa thanh thản trong lửa như vậy cho đến khi lửa tàn đi, nhìn vào hình ảnh đó làm cho nhiều người phát tâm mà không chỉ những người ở tại đó phát tâm mà làm cho cả nhân dân trên thế giới phát tâm. Đây là điều kỳ lạ nhất mà trên thế giới không có. Khi thiêu thì trái tim không cháy, nhờ sức trụ định của Bồ-tát, Ngài đã để lại trái tim bất diệt cho cuộc đời này để làm gương cho Tăng Ni, Phật tử của chúng ta hôm nay”, Đức Pháp chủ huấn thị đến Tăng Ni trẻ tại Đại lễ, hãy nương tựa tấm gương của Bồ-tát để tiếp nối trên con đường tu tập và hành đạo, làm lợi lạc cho cuộc đời.

Đức Pháp chủ cùng chư vị giáo phẩm Trưởng lão Hòa thượng Hội đồng Chứng minh thành kính dâng hương tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức, chư Thánh tử đạo

Đức Pháp chủ cùng chư vị giáo phẩm Trưởng lão Hòa thượng Hội đồng Chứng minh thành kính dâng hương tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức, chư Thánh tử đạo

Trong giờ phút thiêng liêng với khói hương trầm quyện tỏa, Đức Pháp chủ cùng chư vị giáo phẩm Trưởng lão Hòa thượng Hội đồng Chứng minh thành kính dâng hương tưởng niệm, cúng dường Giác linh Bồ-tát Thích Quảng Đức, cùng chư Thánh tử đạo đã hy sinh cho đạo pháp trường tồn.

Với sự dẫn lễ của Thượng tọa Thích Quảng Chơn, Phó Thường trực Ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM, toàn thể Tăng Ni, Phật tử, lãnh đạo các cơ quan hướng về Giác linh đài Bồ-tát Thích Quảng Đức, chư Thánh tử đạo thành kính dâng nén tâm hương tưởng niệm; hội chúng nhất tâm đồng thanh trì tụng Bát-nhã tâm kinh, Tứ hoằng thệ nguyện, tri ân công hạnh cao vời của Bồ-tát, chư Thánh tử đạo để Phật giáo Việt Nam được thừa hưởng sự trọn vẹn như hôm nay.

Thành kính đảnh lễ Giác linh Bồ-tát Thích Quảng Đức

Thành kính đảnh lễ Giác linh Bồ-tát Thích Quảng Đức

Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Tổ chức phát biểu cảm tạ, khép lại Đại lễ.

Cùng ngày, nhằm tưởng nhớ đức hy sinh của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã “góp phần bảo vệ Phật giáo Việt Nam được trường tồn, nước nhà độc lập, thống nhất”, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN kết hợp Ban Trị sự tại Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế và tổ đình Quán Thế Âm đồng tổ chức trọng thể Đại lễ tưởng niệm 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

Hình ảnh Đại lễ tưởng niệm 60 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân:

Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, một nhân chứng trực tiếp của sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu đến Việt Nam Quốc Tự dâng hương tưởng niệm
Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, một nhân chứng trực tiếp của sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu đến Việt Nam Quốc Tự dâng hương tưởng niệm
Chư tôn đức hai Hội đồng thuộc GHPGVN tham dự
Chư tôn đức hai Hội đồng thuộc GHPGVN tham dự
Đức Pháp chủ GHPGVN
Đức Pháp chủ GHPGVN
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng chia sẻ trong lễ tưởng niệm
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng chia sẻ trong lễ tưởng niệm
Đại lễ được tổ chức trang nghiêm tại Việt Nam Quốc Tự

Đại lễ được tổ chức trang nghiêm tại Việt Nam Quốc Tự

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.