GNO - Sáng nay, 22-7, Sở Văn hóa & Thể thao TP (Trung tâm Bảo tồn di tích TP) kết hợp Phòng Văn hóa Thông tin quận Phú Nhuận tổ chức tọa đàm khoa học về di tích lịch sử chùa Pháp Hoa (120/47 đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận) nhằm thu thập chứng cứ để đề xuất UBND TP công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.
Chủ tọa buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm có sự tham dự của HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư; chư tôn đức BTS PG quận Phú Nhuận…
Đại diện Sở Văn hóa & Thể thao TP có ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa & Thể thao TP; đại diện UBND quận Phú Nhuận, Phòng Văn hóa Thông tin quận và các Giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử tham dự.
Tại buổi tọa đàm, các giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử đã trình bày tham luận, thảo luận về các vấn đề liên quan đến chùa Pháp Hoa: Phong trào đấu tranh của Phật giáo Sài Gòn – Gia Định và sự đóng góp của chùa Pháp Hoa (GS. Mạc Đường, nguyên Viên Trưởng Viện KHXH và NV); Chùa Pháp Hoa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (HT.Thích Như Niệm, Viện chủ chùa Pháp Hoa); Một số ý kiến về sự kiện lịch sử liên quan đến chùa Pháp Hoa và căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ tại chùa (Nguyễn Tấn Trọng, Phó Trưởng phòng VHTT quận Phú Nhuận); Những sự kiện lịch sử tiêu biểu và đánh giá chung về giá trị chùa Pháp Hoa, quận Phú Nhuận (TS.Đinh Thu Xuân, Viện Lịch sử dòng họ).
Chư tôn đức tham dự tọa đàm
GS.Mạc Đường trình bày tham luận
Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích được Sở Văn hóa & Thể thao TP đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hình ảnh liên quan đến chùa Pháp Hoa, kết quả thu được hơn 20 tư liệu các loại (bản xác nhận về sự kiện lịch sử liên quan chùa Pháp Hoa, sách nghiên cứu lịch sử, bài tham luận của các nhà khoa học tham gia tọa đàm…)
Qua đó, làm sáng rõ những sự kiện, nhân vật lịch sử các giai đoạn liên quan đến chùa Pháp Hoa; các giá trị lịch sử, khoa học và nhân văn của chùa Pháp Hoa.
Theo đó, chùa Pháp Hoa được khai sơn vào năm 1928 do Hòa thượng nhà sư yêu nước Đạo Thanh xây dựng. Chùa được ghi nhận là cơ sở cách mạng, với những sự kiện nổi bật: Trước năm 1954, thảo am và chùa Pháp Hoa là cơ sở lưu trú và liên lạc của những người bị chính quyền phóng kiến Nam triều dưới thời Pháp thuộc đàn áp và truy bắt ở miền Trung Việt Nam vào Sài Gòn hoạt động.
HT.Thích Như Niệm trình bày tham luận
Quang cảnh buổi tọa đàm
Thập kỷ 1930 - 1940, chùa Pháp Hoa là một trong những địa điểm hoạt động của phong trào “chấn hưng Phật giáo” ở Nam bộ. Sau năm 1945, chùa Pháp Hoa là một cơ sở, nơi đi lại, lưu trú và che giấu cho nhiều cán bộ, chiến sĩ Ban Công tác số 6 đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, nơi tu hành của 3 vị sư của đội Biệt động 65 (Thích Giải Hạnh, Thích Như Chánh, Thích Như Toàn).
Từ năm 1945 - 1950, chùa là trạm liên lạc của chiến sĩ kháng chiến từ Quảng Nam - Đà Nẵng vào Sài Gòn – Chợ Lớn hoạt động đổi vùng, tránh địch bắt. Từ 1963 đến 1975, chùa là cơ sở hoạt động trí vận, dân vận, in truyền đơn, tổ chức biểu tình chống Mỹ - ngụy, chống bắt lính, ủng hộ sinh viên, học sinh chống chính quyền Sài Gòn… Hiện nay, tại chùa còn căn hầm bí mật được xây dựng ngay đầu Nam bộ kháng chiến, trên nắp hầm còn ghi tên bia liệt sĩ Tiểu đoàn Quyết tử 950.
Chùa Pháp Hoa ngày nay là nơi thờ tự và nơi thờ Giáo sư Trần Văn Giàu, nơi giỗ thiếu tướng Nguyễn Bình, nơi xây dựng bia tưởng niệm và thờ tự các liệt sĩ Quyết tử 950 biệt động Sài Gòn – Gia Định, là chỗ dựa tâm linh của Tăng Ni, Phật tử và thực hiện nhiều công trình từ thiện xã hội cho nhiều đối tượng khó khăn…
Ông Lê Tôn Thanh phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu đúc kết tại buổi tọa đàm, ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa & Thể thao TP khẳng định, qua tọa đàm cho thấy chùa Pháp Hoa có những giá trị lịch sử, văn hóa gắn với dân tộc xứng đáng là một di tích lịch sử cấp thành phố. Sở sẽ tiếp tục bổ sung những tư liệu từ các nhà nghiên cứu, chư Tăng Ni của Phật giáo TP.HCM bổ sung hoàn thiện hồ sơ về di tích lịch sử chùa Pháp Hoa trình Hội đồng Khoa học và sẽ có công bố chung trong thời gian tới.