Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, trước mắt, thành phố sẽ vận hành 615 điểm tiêm do một số điểm nằm trong khu vực phong tỏa. Ngay sau khi giải tỏa, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm cho người dân để đảm bảo an toàn.
Các bệnh viện sẽ tập trung tiêm cho 2 đối tượng là người già trên 65 tuổi và người có bệnh nền, cụ thể là bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì (có chỉ số BMI lớn hơn 30).
Đợt này, ngoài tuyến đầu chống dịch, người thân của các y bác sĩ, thành phố ưu tiên cho người già, bệnh mạn tính, người nguy cơ cao: người nghèo, người giao thương, giao dịch nhiều như làm công tác vận chuyển, giao hàng...
Do thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16, tránh tụ tập đông người nên mỗi ngày một điểm chỉ tiêm cho 120 người. Khi mọi việc ổn sẽ tăng lên 200 người. Dự kiến trong 2 tuần thành phố sẽ tiêm xong 930.000 liều.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết để chuẩn bị cho đợt tiêm vắc-xin lần thứ 5 này, TP.HCM đã được phân bổ hơn 930.000 liều vắc-xin. Trong đó, 235.000 liều Moderna; gần 55.000 liều Pfizer; 19.000 liều Sinopharm. Số còn lại là AstraZeneca.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 5 |
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia) với lãnh đạo TP.HCM, chiều 20-7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay dự kiến cuối tháng 8 và đầu tháng 9, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho TP.HCM thêm hơn 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị người dân không nên so sánh các loại vắc-xin, vì chất lượng tất cả như nhau, được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đánh giá đều có hiệu quả. Việc phân bổ vắc-xin gì cho đối tượng nào phải căn cứ theo khuyến cáo của loại vắc-xin đó. Có loại dùng cho người già, nhưng có loại dùng cho người trẻ…
Theo thống kê, qua 4 đợt tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, TP.HCM đã tiêm cho 991.322 người, trong đó có 943.215 người mũi một và 48.107 mũi hai. Riêng đợt tiêm thứ 4, Chính phủ đã ưu tiên cho TP.HCM 836.000 liều sau khi dịch bùng phát mạnh.