TP.HCM: Lễ húy nhật lần thứ 37 cố HT.Thích Bửu Chơn

GNO - Sáng qua, 1-9, tại chùa Phổ Minh (Thiên Hộ Dương, P.1, Q.Gò Vấp) đã diễn ra lễ húy nhật lần thứ 37 cố HT.Thích Bửu Chơn, nguyên Tăng thống GHTGNTVN, viện chủ chùa Phổ Minh.

Quang lâm chứng minh tham dự lễ có sự hiện diện của HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, chư tôn đức hệ phái Nam tông, Tăng Ni Phật tử Q.Gò Vấp, quý Tu nữ.

Sau nghi thức dâng hương là khóa kinh tưởng niệm, lễ trai Tăng, cầu an, cầu siêu, khóa kinh chúc phúc, bát hội.

1bc.jpg


Lễ húy nhật lần thứ 37 cố HT.Thích Bửu Chơn diễn ra trang nghiêm - Ảnh: CTV

Được biết, cố Hòa thượng Thích Bửu Chơn tên thật Phạm Văn Tông, sinh ngày 25-10-1911, tại làng An Hội, Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ngài học ở trường làng, trường Tây, nhờ siêng năng, chăm học nên đã đậu bằng Preme.

Năm 1930, ngài sang Phnom Penh làm công chức trong cơ quan Việt Nha địa chính. Tại đây, khi có thời gian rảnh ngài nghiên cứu, tìm hiểu xem kinh, đọc sách Phật giáo Nguyên thủy bằng tiếng Anh, Pháp và Campuchia.  

Đến năm 1937, ngài xuất gia tại chùa Lankar. Năm 1940, thầy tế độ là Hòa thượng trụ trì chùa Lankar cho tu lên bậc Tỳ-kheo vào lúc 10 giờ, ngày 9-7-1940, bổn sư là Hòa thượng Sirīsammativansa, thầy Yết-ma Sirīpañña. Sau đó, Hòa thượng cho đề mục thiền định, ngài xin thầy vào rừng núi ở Phnom Penh để tu và hành trì pháp môn đầu đà.

Năm 1951, một số Phật tử Việt Nam nghe tiếng và hâm mộ đã thỉnh ngài về Việt Nam để truyền bá Phật giáo Nguyên thủy. Năm 1952, ngài sang Tích Lan (Sri Lanka) nghiên cứu Phật học 2 năm ở trường Dhamma Ducla Viddhyalada. Năm 1954, ngài làm trưởng đoàn tham dự hội nghị kết tập Tam tạng Pāli lần thứ VI tại Rangoon, Miến Điện (Myanmar). Năm 1956, ngài dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ VI cũng tại Rangoon, Miến Điện.

Năm 1957, ngài đứng ra vận động sáng lập Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam và được cử làm Tăng thống Ban Chưởng quản lâm thời. Cũng năm đó, ngài đại diện Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam dự lễ kỷ niệm 2.550 năm của Phật giáo tại Phnôm Pênh. Năm1958, ngài làm trưởng đoàn dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần IV tại Myanmar và Hội nghị Triết học tại New Delhi, Ấn Độ.

Năm 1960, ngài được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới trong kỳ đại hội lần V tại Thái Lan và dự Hội nghị Lịch sử Tôn giáo Thế giới lần X tại Tây Đức.  Năm 1961, ngài dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần VI tại Campuchia với tư cách là Phó Chủ tịch. Trong hội nghị này, ngài được bầu vào chức vụ Cố vấn Tinh thần tối cao và vĩnh viễn cho Hội Phật giáo Thế giới.

Năm 1962, ngài được suy tôn làm Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên Thủy Việt Nam khóa III. Năm 1963, trong mùa Pháp nạn, ngài được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo đấu tranh cho quyền tự do tín ngưỡng và đã bị bắt giam hơn 1 tháng.

Năm 1964, ngài hướng dẫn phái đoàn tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới lần VII tại Ấn Độ. Năm 1966, ngài làm trưởng phái đoàn tham dự hội nghị Phật giáo Thế giới lần VIII tại Thái Lan.

Năm 1967, ngài bị bịnh sỏi thận, sỏi mật nên phải giải phẫu tại bịnh viện Grall. Từ đó, sức khỏe của ngài sút kém và bịnh tái phát nhiều lần. Tuy vậy, năm 1968, ngài tham dự Hội nghị Lịch sử Tôn giáo Thế giới lần XII tại Jerusalem, Do Thái. Năm 1972 đến 1975, ngài được công cử vào chức vụ Phó Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam trong hai khóa VIII và IX.

2bc.jpg


Chư tôn đức dâng hương tưởng niệm - Ảnh: CTV

Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, năm 1975, ngài tham gia Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố và được tri cử vào chức vụ Phó Chủ tịch. Năm 1979, ngài được thỉnh vào chức vụ Cố vấn Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam khóa XI. Ngài là một học giả biết rất nhiều ngoại ngữ như Lào, Thái Lan, Cao Miên, Miến Điện, Tích Lan, Trung Hoa, Pháp, Anh, Ý, Đức và Pāli.

Đối với đạo pháp, mặc dù nhiều Phật sự, ngài vẫn dịch một số kinh sách như Cư sĩ Thiện Thành, Tứ thanh tịnh giới, Pháp xa, Hàng rào giai cấp, Niệm thân, Chánh giác tông, Tội ngũ trần, Chuyện ngạ quỷ, Quả báo sa-môn, Nhân quả liên quan, Kho tàng pháp bảo, Pháp đầu đà, Văn phạm PāliTà kiến chánh kiến, Định luật thiên nhiên của vũ trụ, Từ điển Pāli

Ngày 17-9-1979, bịnh cũ tái phát trầm trọng, 2 giờ sáng ngày 21-9-1979, ngài an nhiên viên tịch, hưởng thọ 65 tuổi đời và 39 hạ lạp.

Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.