Tôn tượng Phật nhập Niết-bàn lớn nhất Ấn Độ ở Bodh Gaya sắp hoàn thành

Tôn tượng Phật nhập Niết-bàn với độ dài 30 mét
Tôn tượng Phật nhập Niết-bàn với độ dài 30 mét
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tôn tượng Phật nhập Niết-bàn với độ dài khoảng 30 mét, sắp được hoàn thành tại khuôn viên của ngôi chùa Buddha International Welfare Mision (BIWM) ở Bodh Gaya, bang Bihar, Ấn Độ trong vòng vài tháng tới.

Theo Đại đức Ariyapala, người khai sơn chùa BIWM, tôn tượng ban đầu dự định sẽ được an vị vào ngày Buddha Purnima, nhưng buổi lễ đã bị hoãn lại bởi những ảnh hưởng và hạn chế của đại dịch Covid-19.

Nhà điêu khắc nổi tiếng Mintu Pal đến từ Kolkata và một nhóm gồm 22 nghệ nhân đồng hành cùng ông đã nhận sứ mệnh tạo dựng tôn tượng tại khu đất Nainan Bandhab Samiti ở Baranaga, Ghoshpara, thuộc vùng ngoại ô của Kolkata. Tôn tượng khổng lồ này được chế tạo hoàn toàn từ sợi thủy tinh kết hợp với chất tạo màu vàng và được chia thành nhiều phần. Mỗi phần của bức tượng hiện nay đang ở BIMW và đây cũng là nơi tất cả các phần sẽ được lắp ráp lại với nhau.

“Tôi vô cùng hoan hỷ khi chiêm ngưỡng tác phẩm của Mintu Pal. Tôn tượng cao 45 feet (14 mét) ở Rajchandrapur, ngoại ô Kolkata, một chi nhánh khác của chùa BIMW. Tôi tin rằng mọi người sẽ rất ấn tượng đối với tôn tượng thiêng liêng này”, Đại đức Ariyapala chia sẻ.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Pal đã bắt đầu công việc tạo tượng vào tháng 3-2019, nhưng sau đó bị tạm ngưng do phải thực hiện giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19. Vào tháng 11 năm 2020, các nghệ nhân mới có thể trở lại thực hiện công việc của mình.

Đại đức Ariyapala nhấn mạnh rằng trước khi nhập Vô dư y Niết-bàn (Mahaparinirvana) ở Kushinagar, Uttar Pradesh, Đức Phật đã dặn dò những lời cuối cùng đến các hàng đệ tử. Vì vậy, các tín đồ Phật giáo rất xem trọng tôn tượng Đức Phật nhập Niết-bàn trong tư thế nằm nghiêng bên phải.

Đại đức cũng lưu ý thêm rằng có một tôn tượng Đức Phật đứng cao 24 mét ở Saranath, Uttar Pradesh và một tôn tượng của Đức Phật tọa thiền cao 24 mét ở Bodh Gaya. Tôn tượng Niết-bàn này cũng dài 80 feet (24 mét), người ta có thể làm tạo một tôn tượng lớn hơn, nhưng vì Đức Phật đã hiện hữu trên cuộc đời này chỉ 80 năm nên chiều dài của tôn tượng cũng được cân nhắc cho phù hợp. Tuy nhiên, tính cả độ dài của bàn thờ và độ dày của lớp sơn phủ lên đến 100 feet (30 mét), thì đây sẽ là tôn tượng Phật nằm lớn nhất của Ấn Độ.

Nhà điêu khắc Pal rất hạnh phúc khi tác phẩm của mình trở thành một phần của lịch sử; nhìn thấy các nhà sư Phật giáo, những người hành hương và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến thăm Bodh Gaya. Pal cho biết: “Thật tốt khi nghĩ đến việc mọi người sẽ được chiêm ngưỡng tôn tượng mạ vàng này. Tôn tượng bằng sợi thủy tinh này có thể tồn tại hàng nghìn năm, kể cả sau khi chúng ta rời khỏi trái đất này ”.

Tượng Phật nằm đầu tiên được thể hiện trong nền nghệ thuật Phật giáo Gandhara từ năm 50 TCN-75 CN và đạt đến đỉnh cao trong thời đại Kushan ở giữa thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V. Tượng Phật nhập Niết-bàn mô tả Đức Phật nằm nghiêng về bên phải, kê đầu lên gối hoặc chống khuỷu tay phải.

Bodh Gaya là thánh tích quan trọng nhất trong bốn địa điểm hành hương chính liên quan đến cuộc đời của Đức Phật Gautama. Ba nơi còn lại là Kushinagar, Lumbini và Sarnath.

Tượng Phật nhập Niết-bàn này sẽ được mở cửa cho các tín đồ tham quan từ tháng 2 năm 2023.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.