Toa thuốc diệu kỳ

GN - Sáng ngày mồng tám, tôi đi thăm thầy Nhật Quang vừa xuất viện sau khi mổ ruột thừa. Trước khi đi, tôi mua vài món quà và vào quán cơm chay ăn điểm tâm. Đang ăn, tôi thấy Phán bước vào quán ngó dáo dác như tìm kiếm ai đó. Không biết anh ấy có ăn chay hay không nhưng tôi vẫn mời đến ngồi chung bàn ăn cho vui. Phán không khách sáo. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện. Sau khi biết tôi sắp đi thăm thầy Nhật Quang, Phán có vẻ buồn, tự trách mình vô tình, vì miếng cơm manh áo nên lâu lắm rồi không đi thăm thầy và nhờ tôi chuyển lời xin lỗi.

batchanhdao.jpg


Thuốc này ngoài đời không có, chỉ có trong nhà chùa.
Đó là giáo lý Tứ diệu đế và Bát Chánh đạo của Phật Thích Ca

Tôi cùng Phán và Vinh (tên tục thầy Nhật Quang) suýt soát tuổi nhau, bạn học cùng lớp từ đệ Tứ đến đệ Nhị (9-11). Ba chúng tôi chơi thân với nhau, hiểu biết nhau như “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” (Les trois mousquetaires) của Alexandre Dumas. Cuối năm đệ Nhị, tôi và Phán đậu Tú tài 1, còn Vinh trượt. “Rớt tú tài anh đi trung sĩ” nhưng Vinh không đi mà cạo đầu vô chùa ẩn dương nương Phật với pháp danh Nhật Quang.

Sau ngày 30-4-75, rất nhiều người như Vinh hoàn tục, anh thì không, vẫn tiếp tục tu hành. Có lần tôi và Phán cố gắng động viên thuyết phục Vinh hoàn tục, anh từ chối nhẹ nhàng, dứt khoát: “Dù tôi đi tu để trốn quân dịch nhưng sau khi tiếp xúc với giáo lý Phật giáo, tôi thấy đó là con đường của trái tim nên quyết định chọn nó cho cuộc đời mình”. Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy mình sai lầm và nợ Vinh một lời xin lỗi. Chín người mười ý, nhưng khi nhận định một vấn đề nào đó thì chỉ có hai cách, suy luận và trực giác. Tôi chọn suy luận, Vinh chọn trực giác nên cái thấy của tôi là cái thấy tương đối hay tục đế, còn cái thấy của Vinh là cái thấy tuyệt đối hay chân đế, cao hơn tôi một cái đầu. Tôi ngỏ lời xin lỗi, Vinh cười xòa bảo người tu hành đã phá chấp, đâu có lỗi phải gì.

Thầy Nhật Quang rất có chí, vừa tu vừa học Hán văn, y học dân tộc và đã trở thành ông thầy thuốc nam có bằng cử nhân Hán học, hiện làm trụ trì một ngôi chùa khá nổi tiếng ở quê tôi. Sống giản dị, không kiểu cách, cầu kỳ trong sinh hoạt, ăn uống, giao tiếp nên rất được lòng Phật tử, tín đồ. Ngoài việc tu hành, thầy còn tham gia dịch thuật, giảng giải kinh luận từ chữ Hán sang chữ Việt, dạy nghề y học dân tộc cho đệ tử, cùng nhau mở phòng khám từ thiện, coi mạch hốt thuốc, châm cứu cho nhân dân.

Theo quan sát của tôi, thầy không theo tông phái nào hết mà là sự kết hợp hài hòa giữa các tông phái, nhìn kỹ thì có hơi hướng về giáo lý ban đầu của Phật Thích Ca. Mặc dù đi trên hai con đường song song giữa đạo và đời, nhưng tình bạn của chúng tôi không có khoảng cách, vẫn tồn tại gắn bó như thuở nào, chỉ có Phán gián đoạn một thời gian khá lâu do nhiều lý do bất khả kháng.

Chuyện trò một hồi, Phán than với tôi rằng hiện nay anh mắc rất nhiều chứng bệnh mà trị hoài không hết. Thường xuyên bị ù tai hoa mắt. Sổ mũi hắt hơi. Lưỡi đắng miệng khô. Da mẩn ngứa bong tróc. Đầu óc bất thường, lúc nhớ lúc quên. Tính tình cũng vậy, hay buồn vui, giận hờn vô cớ. Tôi hỏi Phán trị bệnh bằng Tây y, Đông y hay y học dân tộc và có siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm máu chưa? Phán nói chỉ dùng thuốc tây và đã làm đủ cả. Tôi đề nghị anh ấy đến phòng thuốc nam của thầy Nhật Quang chữa trị xem sao, biết đâu “phước chủ may thầy”? Thầy lại được rất nhiều bệnh nhân khen có tay “phục dược”, đã trị hết bệnh nhiều người, trong đó có vài người bác sĩ  “chạy”. Lúc đầu Phán có vẻ hoài nghi, không tin tưởng lắm nhưng sau cũng đồng ý.

Phán cao lớn điển trai, hào hoa phong nhã như tài tử xi-nê Jean Paul Belmondo. Hồi còn đi học, Phán đã làm rung động nhiều trái tim nữ sinh, khiến tôi và Vinh phải phát ghen. Sau khi trở thành sĩ quan quân đội, đường tình của Phán lại như con suối mộng, đưa chàng Từ Thức thời đại vào động Đào nguyên. Gần ba mươi tuổi anh mới lập gia đình, bỏ lại sau lưng những cuộc tình sướt mướt, những cuộc vui chơi thác loạn để bắt đầu cuộc hành trình mới cũng đầy ắp hỷ-nộ-ái-ố-ai-dục-bi.

Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời Phán là sau khi vượt biên không thành, phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Ước mơ không thành hiện thực là chuyện bình thường đối với những người bình thường, còn Phán vô cùng đau đớn, khổ sở như người bị té từ trên cao. Hụt hẫng suy sụp cả vật chất lẫn tinh thần một thời gian dài thành ra bơ phờ hốc hác, Phán già trước tuổi và mang nhiều bệnh tật. Có lẽ đây là dấu chấm phẩy, chuyển tiếp từ cái nghiệp lành sang cái nghiệp dữ mà anh đã tạo ra chúng từ kiếp trước, tôi nghĩ. 

Tôi cùng Phán đến phòng thuốc của thầy Nhật Quang khám bệnh. Lần đầu tiên gặp lại sau nhiều năm xa cách, Phán lại thay đổi quá nhiều khiến thầy ngờ ngợ, tôi phải giới thiệu thầy mới nhận ra. Phòng thuốc khá đông khách nên tôi đề nghị hai người đợi hết khách mới có thì giờ rộng rãi. Không biết có phải bất ngờ gặp lại Phán hay vì thấy anh ấy tiều tụy mà thầy Nhật Quang có vẻ xúc động, cứ nhìn anh ấy chăm chăm, lắng nghe lời anh nói, đặt nhiều câu hỏi về cuộc sống và bệnh tật của anh ấy. Hàn huyên tâm sự một hồi, thầy Nhật Quang mới bắt mạch cho Phán, bắt cả tay mặt và tay trái, khá lâu. Trong khi bắt mạch, thầy im lặng, mặt trầm tư, dồn hết tâm trí vào việc làm để lắng nghe những chuyển biến trong cơ thể Phán. Bắt mạch xong, thầy thở nhẹ, Phán hỏi:

- Tôi bệnh gì vậy thầy, nặng lắm không?

Thầy Nhật Quang nhìn Phán với ánh mắt trìu mến, nói nhỏ nhẹ:

- Anh bị viêm cả hô hấp trên lẫn hô hấp dưới. Nóng gan, suy thận. Không sao hết,  trước tiên tôi sẽ giải nhiệt cho anh sau đó mới trị các bệnh khác. Anh có uống rượu bia và hút thuốc lá không?

Phán gật đầu nói dạ có. Thầy khuyên:

- Bỏ hết đi! Còn bệnh ngoài da tôi sẽ cho anh dầu phong, thoa vài lần sẽ hết mẩn ngứa bong tróc. Anh cũng cần biết thêm điều nầy, thuốc nam không mạnh, không tác dụng nhanh như thuốc bắc, thuốc tây nên phải kiên nhẫn, siêng năng chữa trị bệnh mới hết được.

- Cám ơn thầy. Phán chân thành.

Thầy Nhật Quang nhìn Phán, nói vui:

- Ngoài các bệnh đó anh còn mắc một bệnh khác nữa, đó là tâm bệnh.

Cả ba cùng cười. Cuộc trò chuyện trở nên thân mật, vui vẻ hào hứng.

- Có không? Tôi hỏi Phán. Tâm bệnh phải trị bằng tâm dược, thầy có thuốc không?

- Có chứ! Làm nghề này mà không có thuốc chữa trị cho bệnh nhân thì là lang băm chứ đâu phải lương y? Thầy đùa. Nếu anh muốn tôi sẽ cho toa hốt uống?

- Khoan! Tôi nói. Trước khi cho toa, tôi yêu cầu thầy nói rõ tâm bệnh là gì và nguyên nhân gây ra bệnh coi tôi có không đã?

Thầy hớp ngụm trà rồi nói chậm rãi:

- Đó là loại bệnh phát sinh từ tâm lý, rất phổ biến, ai cũng mắc chứ không riêng anh Phán, chỉ khác nhau ở chỗ nặng hay nhẹ. Người đời thường nói “bệnh vào từ miệng”, nhưng nó còn đến với ta thông qua năm giác quan mà nhà Phật gọi là năm căn. Hàng ngày, mắt ta nhìn khoảng hai mươi lăm loại hình ảnh, tai nghe mười hai loại âm thanh, mũi ngửi sáu loại mùi, lưỡi nếm mười hai loại vị, thân tiếp xúc với hai mươi sáu loại tính chất và trạng thái của sự vật. Tất cả những trần cảnh đó sẽ được ý thức nhận diện, phân tích, so sánh, đánh giá rồi báo cho ta biết chúng tốt xấu, hay dở, lành dữ để ta lựa chọn, yêu hay ghét, thích hay không, lấy hay bỏ v.v… Hai anh nghĩ thử coi, một ngày phải tiêu tốn rất nhiều năng lượng, chất xám để lao động kiếm miếng cơm manh áo mà còn phải xử lý, tiêu hóa hết những thứ do năm căn mang lại thì một năm, mười năm rồi một đời người sẽ tiêu tốn hết bao nhiêu? Chắc chắn con số không hề nhỏ, bảo sao không hao mòn thân thể, không suy nhược tinh thần, không bệnh tật khổ đau cho được?

- Thiện tai! Toa thuốc đó như thế nào, công dụng ra sao, thưa thầy? Tôi hỏi.

Thầy nhìn tôi mỉm cười, nói:

- Anh nóng lòng muốn biết chứng tỏ anh cũng đang mắc bệnh? Thang thuốc có mười hai món, gồm bốn món căn bản và tám món hỗ trợ, tất cả đều có dược tính rất cao. Chức năng của bốn món căn bản là tìm kiếm phát hiện những nguyên nhân gây bệnh và lần lượt tiêu diệt chúng. Tám món hỗ trợ có nhiệm vụ chuyển hóa và trị liệu, giải khai huyệt đạo cho kinh mạch vận hành suôn sẻ, khí huyết lưu thông thông suốt, điều hòa hơi thở, ổn định nhịp tim. Tâm bệnh sẽ dẫn ta đến hôn trầm, tán loạn, mười hai món thuốc này là khắc tinh của nó, diệt trừ tận gốc, không sợ tái đi tái lại mà người đời gọi là “trừ căn”.

- Lợi hại nghen? Thuốc thần hay thuốc tiên? Ở đâu có, dễ kiếm không? Tôi tếu.

Thầy Nhật Quang nghiêm trang trở lại:

- Thuốc này ngoài đời không có, chỉ có trong nhà chùa. Đó là giáo lý Tứ diệu đế và Bát Chánh đạo của Phật Thích Ca. Tu theo hai giáo pháp này hai anh sẽ xả trừ được phiền não, thân tâm được nhẹ khỏe an vui.

- Trời! Tôi kêu lên chưng hửng, tưởng thầy nói chơi chứ đâu có dè?

Lời tục hay nói “thuốc ba thang, cờ ba ván”, nghĩa là thuốc uống ba thang mới biết hiệu nghiệm hay không, đánh cờ ba ván mới biết ai thua ai thắng. Tuy nhiên, thuốc nam công hiệu khá chậm thì chỉ ba thang làm sao khống chế được bệnh? Nó đòi hỏi phải chữa trị liên tục trong một thời gian dài mới có kết quả và Phán đã làm được điều đó. Khoảng nửa năm sau, Phán vui vẻ khoe với tôi bệnh tình có hướng thuyên giảm khả quan nhờ vừa uống thuốc đời vừa “uống thuốc đạo” và hỗ trợ bằng thiền sổ tức theo hướng dẫn của thầy Nhật Quang. Sợ bệnh phát sinh, tôi cũng “uống thuốc đạo” và đã tìm lại được chính mình.

Một hôm, Phán rủ tôi mua quà “đền ơn” thầy nhưng tôi không cho. Thăm thì được chứ mua quà “đền ơn” thì lòng từ bi của người tu hành và lương tâm của người thầy thuốc không cho phép thầy chấp nhận chuyện đó…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.