Tinh thần tự độ & độ tha qua hạnh khất thực

GN - LTS: Trì bình khất thực là pháp tu truyền thống của chư Tăng, nhất là chư Tăng Phật giáo Nam tông. Hiện nay, vì một số nguyên nhân, chư Tăng Phật giáo Nam tông (và Hệ phái Khất sĩ) đã tạm dừng hạnh khất thực. Tuy hạnh tu này chỉ còn duy trì trong khuôn viên tự viện, nhưng việc tìm hiểu về nó vẫn cần thiết cho người học Phật. Trên tinh thần đó, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết “Tinh thần tự độ và độ tha của chư Tăng Phật giáo Nam tông qua việc thực hành hạnh khất thực”.

khatthuc.jpg


Trì bình khất thực tại thiền viện Pa-Auk, Myanmar- Ảnh: Nhiên Đạo

Khi còn nhỏ, tu học tại tỉnh Minh Hải (Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay), mỗi ngày tôi thường gặp những vị sư mặc y vàng, đầu trần, chân đất, tay ôm bình bát, đi thành đoàn thật trang nghiêm, thỉnh thoảng đứng lại trước nhà người dân ít phút nhận thực phẩm rồi đi tiếp. Những hình ảnh này khiến tôi suy nghĩ và tự hỏi: Các vị này là ai, họ làm gì, có phải là tu sĩ như mình không, sao lại có cách sinh hoạt không giống như quý thầy ở chùa v.v... Tôi mang những băn khoăn ấy bạch với sư phụ, và được người dạy: “Những gì con thấy là hình ảnh cao quý của chư Tăng Phật giáo Nam tông với truyền thống khất thực(*) đầy đủ tinh thần tự độ và độ tha, có từ thời Đức Phật còn tại thế”.

Theo Phật giáo Nam tông, đi khất thực không chỉ là sự tìm cầu về mặt ăn uống, mà là đi tìm những phương thuốc để chữa bệnh cho mình và người. Hay nói cách khác, đây là quá trình tu tập với hạnh nguyện tự độ và độ tha mà tất cả chư Tăng đều phải thực hành.

Tự độ hay còn được gọi là tự lợi, là sự lợi ích của bản thân. Như vậy, tự độ trong từ khất thực là tự tìm cho mình cái ăn để sống qua ngày. Nhưng thực chất việc khất thực của chư Tăng là tìm cho mình những phương thuốc chữa lành bệnh gầy yếu của thân và bệnh ngã mạn của tâm.

Thiền định là truyền thống tu tập chính của Phật giáo Nam tông, vì phần nhiều thời gian là ngồi thiền, nên buổi sáng các vị đi khất thực nhằm vận động cơ thể, giúp họ tránh được những bệnh như:

- Hệ tiêu hóa giảm: Ngồi lâu, cơ thể thiếu vận động dẫn đến tình trạng nhu động ruột, dạ dày yếu đi, giảm tiết dịch tiêu hóa, lâu ngày dẫn đến tình trạng biếng ăn, đầy hơi, ăn không ngon miệng, nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể bị hạn chế làm cho sức khỏe suy yếu dần.

- Mất thăng bằng trong cơ thể, hay còn gọi là rối loạn sinh học, làm cho hệ thần kinh căng thẳng, cơ thể mệt mỏi, mất ngủ hay ngủ không ngon giấc, thừa cân, béo phì.

- Tổn thương đầu, đốt sống cổ, cột sống và các khớp gối: Việc ngồi hàng giờ liền có thể làm tổn thương vùng cổ như: đau cổ, mỏi cổ, đau vai, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, thiểu năng tuần hoàn não, làm tê cứng chân, đau nhức khớp gối.

- Trí tuệ giảm sút, suy giảm tuổi thọ, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thận, giảm dần tính năng động.

Để có đủ sức khỏe cho việc tu tập, chư Tăng đi khất thực với tâm không phân biệt thực phẩm là chay hay mặn, ngon hay dở, nhiều hay ít và người dâng cúng thực phẩm đó là ai. Chư Tăng chỉ thọ nhận thực phẩm, ngoài ra những thứ khác như tiền bạc hay các vật dụng khác (và cả thức ăn chưa nấu chín) cũng tuyệt đối không nhận. Mỗi ngày chư Tăng đi khất thực vào buổi sáng khoảng từ 8 giờ đến trước 11 giờ, có được vật thực hay không thì tất cả đều phải về lại chùa để cùng nhau cử hành nghi thức và thọ thực trước 12 giờ trưa. Sống trong tinh thần Lục hòa cộng trụ nên các vị luôn chia sẻ thực phẩm khất thực được cho nhau, người có chia cho người không, người nhiều chia cho người ít. Chư Tăng Nam tông chỉ ăn ngày một bữa trưa hay còn gọi là ăn Ngọ, đây là bữa ăn chính, sau 12 giờ trưa thì không ăn gì nữa. 

Kết quả khất thực mà chư Tăng đạt được không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực về mặt nuôi sống, giữ gìn cơ thể khỏe mạnh, giảm bớt bệnh tật trong quá trình tu tập, mà còn mang lại một kết quả vô cùng to lớn cho các Tăng sĩ là đời sống thanh bần, kham nhẫn, tri túc, không còn tâm kiêu mạn, diệt tam nghiệp bất thiện (thân, khẩu, ý), luôn được thanh tịnh an lạc. Trong quá trình đi khất thực, chư Tăng đi thành đoàn, ai thọ giới trước đi trước, thứ đệ cung kính nhau, vừa tập được tính khiêm cung, tự mình biết tàm quý, với những bước đi chầm chậm, mắt nhìn thẳng xuống đường không ngó qua lại, khẩu và ý thanh tịnh, thể hiện được sự bình thản, tự tại. Các yếu tố này tạo nên sự thoát tục của chư Tăng và trang nghiêm của Tăng đoàn.

Như trên đã nói, việc khất thực của chư Tăng không đơn thuần là đi tìm cái ăn để sống qua ngày, mà tìm những phương thuốc chữa bệnh cho mình và người. Chữa bệnh cho mình thì như trình bày ở trên, còn chữa bệnh cho người thì những vị này phải làm thế nào và kết quả mang lại sẽ ra sao?

Để mang đến cho chúng sanh những phương thuốc hữu hiệu nhất, trước hết là mỗi cá nhân trong Tăng đoàn phải không ngừng nỗ lực tu tập, giữ gìn tịnh hạnh, nghiêm trì giới luật, thân tâm không biếng nhác, phải làm như thế nào cho đúng với bổn phận của người xuất gia, bậc phước điền của chư Thiên và nhơn loại.

Tu tập thiền định của chư Tăng Phật giáo Nam tông có thể thực hiện bằng thiền tọa và thiền hành. Đi khất thực chính là đi bằng phương pháp thiền hành, với những bước chân nhẹ nhàng, thu nhiếp lục căn, luôn khởi niệm từ tâm, nhất tâm cầu nguyện cho chúng sanh luôn được an vui, được thoát khỏi khổ đau, bệnh tật, oan trái, cũng tức là ban rải phước lành đến với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, nam nữ, lão ấu; các vị mở rộng lòng từ với tất cả, luôn giữ tâm thanh tịnh, bình đẳng, chan chứa tình thương, nhu hòa trong ngôn ngữ, cử chỉ. Khi đứng trước nhà nào, chư Tăng lại phải tịnh tâm quán tưởng thân, thọ, tâm, pháp để cho Phật tử ứng cúng được phước báo viên mãn.

Theo Kinh tạng, Phật tử cúng dường cho chư Tăng có phẩm hạnh và công đức với tâm thành kính sẽ được 5 phước báo: 1-Sống lâu: Giúp người có sự ăn uống đầy đủ thì sức khỏe ổn định, tuổi thọ kéo dài. Vì thế bố thí vật thực cho chư Tăng, thí chủ được quả báo sống lâu. 2-Sắc đẹp: Khi con người có vật thực ăn uống no đủ thì trở nên tươi sáng, mạnh khỏe, do đó tăng thêm vẻ đẹp. Phước quả của sự bố thí vật thực là thí chủ được sắc đẹp. 3-An vui: Có no đủ mới phấn chấn, an vui. Cái quả báo an vui sau này sẽ đến cho thí chủ nhờ sự bố thí vật thực hôm nay. 4-Sức mạnh: Bố thí vật thực đầy đủ là giúp chư Tăng thêm sức mạnh, đủ sức khỏe để tu hành. Thí chủ sẽ được phước báo có đầy đủ sức mạnh. 5-Trí tuệ: Chư Tăng tu tập giới định tuệ, nên bố thí vật thực sẽ được quả báo trí tuệ, sau này sáng suốt dễ dàng phân biệt nẻo chánh đường tà, tu hành tấn phát.

Trong kinh Hạnh phúc, Đức Phật có dạy rằng: “Bố thí, hành đúng Pháp/ Giúp ích hàng quyến thuộc/ Giữ chánh mạng trong đời/ Là phúc lành cao thượng”. Thực tế thì không phải ai cũng biết Phật pháp, biết đi chùa, làm việc bố thí, cúng dường Tam bảo, tạo lập công đức. Nên thông qua việc khất thực, chư Tăng đã mang ánh sáng Phật pháp đến cho từng nhà, từng người, để ai cũng có thể tạo lập công đức. Thí chủ được dịp bố thí, dù là ít ỏi, nhưng việc làm đơn giản này mang lại phước báo vô lượng và sẽ mở đường cho việc tu hành giải thoát sau này.

Ở Việt Nam có nhiều nơi người dân chưa hiểu rõ phước báo của việc sớt bát cúng dường, chưa biết hạnh khất thực của chư Tăng, chưa hiểu biết giáo lý của đạo Phật. Chư Tăng đi khất thực là cơ hội để người dân biết được Phật giáo. Hình bóng chư Tăng với giáo lý đạo Phật, dù là đơn sơ, nhưng rất hữu ích trong việc góp phần hoằng dương Phật pháp, tạo duyên lành cho người Phật tử học hỏi giáo lý đạo Phật. Có nhiều phương tiện cho mọi người tìm đến Phật pháp, hạnh trì bình khất thực là một phương tiện vừa giúp ích cho người vừa lợi cho mình, nhất là sự nghiêm trì giới luật, thực hành thiền quán theo giáo lý Phật giáo.

Do có nhiều vấn đề liên quan đến khất thực phi pháp phát sinh trong xã hội ở Việt Nam hiện nay nên chư Tăng Phật giáo Nam tông không đi khất thực nữa. Không phải do các vị không thực hiện phương pháp tu tập này, hay do họ lười đi, mà là để bảo tồn danh dự uy tín của Tăng đoàn và thanh danh của Giáo hội, để tránh tình trạng có một số đối tượng lợi dụng hình bóng, chiếc áo tu sĩ đi khất thực để tạo lập cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, truyền thống khất thực vẫn được chư Tăng duy trì bằng cách tổ chức những ngày lễ sớt bát - khất thực trong khuôn viên tự viện để cho chư vị Phật tử tạo lập công đức và chư Tăng thực hiện truyền thống tu tập của mình. 

Thích Thiện Ngộ

_____________

(*) Khất thực là một sinh hoạt thường nhật của Tăng đoàn thời Đức Phật. Đó là một cách hành trì, một hạnh nguyện của các vị xuất gia theo Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy). Khất thực là pháp tu có thể đem lại nhiều lợi lạc thiết thực cho chư Tăng cũng như Phật tử cúng dường; là cách truyền bá và duy trì Phật pháp hiệu quả thông qua hình ảnh Tăng đoàn thực hành hạnh trì bình hóa duyên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.