“Tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha của Phật giáo góp phần xây dựng đạo đức, văn hóa, thúc đẩy xã hội phát triển hướng đến đời sống trong sáng, lành mạnh”

Giác Ngộ - Không chỉ phát triển năng động về kinh tế, Bình Dương còn chú trọng chăm lo phát triển toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là đối với đời sống tinh thần của người dân địa phương. Chính vì thế, tại Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011, lãnh đạo chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Phật giáo Bình Dương tổ chức và phục vụ thành công Hội thảo, tạo được tiếng vang và ấn tượng tốt đẹp với đại biểu khắp các tỉnh, thành trên cả nước về tham dự.

Ông Mai Thế Trung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đã dành cho Giác Ngộ cuộc trao đổi khi Hội thảo vừa kết thúc.

Hinh 1 (3).JPG
Ông Mai Thế Trung - Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương

" Về phía lãnh đạo địa phương, ông có thể cho biết suy nghĩ của ông về Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011 được tổ chức tại Bình Dương, thưa ông?

- Chúng tôi rất hoan nghênh và đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011 được chuẩn bị, tổ chức và diễn tiến được thành công. Điều đó xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, gắn liền với sự phát triển của đất nước trong mọi thời đại. Trong thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước thì tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha của Phật giáo góp phần xây dựng đạo đức, văn hóa, thúc đẩy xã hội phát triển hướng đến đời sống trong sáng, lành mạnh, những giá trị “chân, thiện, mỹ”. Chúng tôi đánh giá cao mục đích, ý nghĩa và nội dung tại hội thảo lần này.   

" Cá nhân ông cảm nhận những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo này?

- Phật giáo đã chọn những chủ đề rất sát sườn với những vấn đề đang đặt ra của thời đại. Chúng tôi ghi nhận những việc làm đó không chỉ qua những bài nói chuyện, những cuộc thảo luận mà còn bằng những việc làm, hành động thiết thực, cụ thể. Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Bình Dương nói riêng luôn thể hiện tinh thần gắn liền với lợi ích của cộng đồng xã hội bằng rất nhiều những đóng góp từ thiện ích nước lợi dân, tinh thần ban vui cứu khổ. Tại hội thảo lần này đã có hơn 10 tỷ đồng dành tặng cho người nghèo tại địa phương. Đó quả là con số đầy ý nghĩa.

Như trên chúng tôi đã nói, những việc làm nào mà ích lợi cho đất nước, ích lợi cho người dân đều đáng được hoan nghênh, cổ vũ. Nếu có tổ chức nào làm được những việc tốt đạo, đẹp đời như Phật giáo, chúng tôi cũng sẽ rất sẵn lòng. Đó còn là biểu hiện rõ ràng và đầy thuyết phục, về chính sách tự do tôn giáo của Nhà nước Việt Nam .

BTN_0137.jpg

Hiện nay, Bình Dương có trên 156 ngàn tín đồ các tôn giáo, chiếm khoảng 10% dân số toàn tỉnh. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo, trong đó có Phật giáo ngày càng cao, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng sôi động và thuận lợi. Đồng bào các tôn giáo ở Bình Dương luôn đoàn kết, gắn bó cùng dân tộc. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động đã được các vị chức sắc và đồng bào tín đồ các tôn giáo hưởng ứng tích cực, đóng góp có hiệu quả. Riêng Phật giáo, cũng như các tỉnh thành khác, có mặt rất sớm tại Bình Dương và xuyên suốt trong thời gian qua đã gắn bó mật thiết với nhân dân, đất nước. Phật giáo Bình Dương hôm nay, luôn kế thừa truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân, nêu cao vai trò “hộ quốc an dân”.

Cũng như tinh thần của Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc lần này là “Phật giáo với dân tộc”, chúng tôi tin tưởng rằng, Phật giáo Bình Dương đã và đang góp phần cùng với địa phương từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên. Đây chính là biểu hiện sinh động cho thực tiễn gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc.

" Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.