Tình người nơi đỉnh lũ

Giác Ngộ: Mưa lũ đã đổ về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hơn 20 ngày qua, nhiều nơi mực nước dâng cao hơn mức báo động 3. Mưa lũ ở ĐBSCL làm 24 người thiệt mạng, trong đó có 21 trẻ em.

Nhiều đỉnh lũ tiếp tục dâng cao ở vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và các vùng thượng nguồn: thị xã Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Mộc Hóa... trong những ngày tới. Khi lũ tràn về, tình người cũng được thể hiện đầy ấm áp, những tấm lòng hướng về vùng lũ với nhiều sự đồng cảm và chia sẻ. Và, Phật giáo đã có mặt kịp thời đến tận nơi sớt chia khó khăn và mang đến những món quà thiết thực nhất thể hiện phương châm “Lá lành đùm lá rách”.

Trắng tay vì lũ

Cơn lũ lụt năm 2000 vẫn còn chưa nguôi ngoai trên những gương mặt đầy nắng gió của người dân ĐBSCL, đã gượng dậy sau cơn đại hồng thủy và bắt đầu từ đôi bàn tay trắng. Thế nhưng, mặt khác nước lũ đồng bằng đã bồi đắp phù sa đầy ắp ruộng đồng cho người nông dân. Mùa lũ năm nay, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã không kịp trở tay, nhà cửa bị nhấn chìm và hàng ngàn gia đình phải tìm nơi cao hơn, sống trong những chiếc lều tạm bợ.

DSC01375.JPG

Phật giáo quận Gò Vấp tặng quà cho bà con bị ảnh hưởng lũ lụt Hồng Ngự

Tại An Giang, đỉnh lũ từ ngày 20-9 đến nay đã làm sạt lở 23.247m đất bờ sông, 254 đê bao bị vỡ, 46km đường giao thông nông thôn bị hư hại... khiến hàng ngàn ngôi nhà bị ngập chìm trong nước. Theo cơ quan khí tượng thủy văn An Giang, trong những ngày tới chỉ cần vài cơn mưa từ thượng nguồn sông Mékong đổ về thì lũ lụt sẽ tiếp tục dâng cao, nguy cơ gây sạt lở nặng nề kênh và quan trọng nhất là làm vỡ đê bao và có nguy cơ ảnh hưởng đến 130.000ha lúa vụ 3 và 30.000ha hoa màu.

Bà con nông dân ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu (An Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi vụ sạt lở đất bờ sông vào sâu đến 40m và kéo dài đến 70m. 36 hộ gia đình nằm dọc bên bờ sông Hậu ở ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng cũng chưa thể quên vụ sạt lở đất vào ngày 28, 29-9, diện tích đất bị sạt lở lên đến 2.000m2. Hiện những gia đình tại đây đã được di dời về nơi ở cao ráo và an toàn hơn.

Trong khi đó, người dân ở xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) trở tay không kịp, nhiều hộ gia đình trắng tay bởi lẽ họ không ngờ lũ lên nhanh đến vậy. Lũ lớn về là đê Bắc Viện bảo vệ hơn 4.000ha lúa vụ thu đông, nhiều ha lúa đang trổ đòng đã bị đánh tan.

Nhiều hộ gia đình đành ngửa mặt kêu trời bởi công sức dồn hết vào vụ mùa lúa đang trổ bông, hay những ao cá tra chuẩn bị thu hoạch bị cuốn trôi sạch theo cơn lũ dữ. Bà con nông dân vùng này đang đối mặt với nợ nần sau lũ.

Nhưng đau đớn hơn cả là những cái chết đau lòng của 6 đứa trẻ đều dưới 6 tuổi do bất cẩn của người lớn. Gương mặt anh Nguyễn Ngọc Hiếu, ấp Phú Lợi, xã An Long (Tam Nông) vẫn còn thất thần, đôi mắt đỏ hoe khi kể lại câu chuyện đau lòng của chính mình. Lũ lớn về cá tôm nhiều nên cả hai vợ chồng ham lưới cá bỏ quên con nhỏ Nguyễn Ngọc Thảo Nhi mới 3 tuổi ở nhà. Đến khi dạ thấy bất an, anh Hiếu quay trở về thì thấy con bé được bà con vớt lên, thân thể cháu đã lạnh ngắt…

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Tháp, lũ lớn đã làm ngập 11.470 căn nhà, 54 căn nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Trong đó, các gia đình bị ngập nặng nhất thuộc các xã thuộc vùng thượng nguồn như Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, Tam Nông…

Tình người trong lũ

Trên chiếc vỏ lãi với hơn 5 tấn gạo, mì gói, quần áo và các loại lương thực, chúng tôi cùng anh Tám, một mạnh thường quân từ xã Đa Phước, huyện An Phú đến các xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Vĩnh Hội và thị trấn Tân Châu (An Giang) để giúp đỡ 500 phần quà cho các hộ dân đang chống chọi với lũ. Đây là một trong nhiều chuyến cứu trợ được gia đình anh Tám đưa đến những điểm vùng sâu, đỉnh lũ và đa số các hộ dân ở đây là những hộ nghèo cần giúp đỡ.

Anh Tám, pháp danh Phổ Thiện Tú cùng các chị Năm, chị Mười và cha là ông Nguyễn Văn Tây ở xã Đa Phước, huyện Tân Phú (An Giang) trong mùa lũ dâng cao này, gia đình đã dốc hết toàn lực và vận động mọi người giúp đỡ bà con vùng lũ ở huyện Tân Phú đến 25 tấn gạo và nhiều lương thực, vật dụng khác. Việc vượt lũ giúp đỡ các gia đình khác được mọi người hết sức thán phục nhưng anh khiêm tốn nói đó là một việc bình thường cần phải làm trong những lúc khó khăn như thế này.

SAM_4069.JPG

Chuyển quà cứu trợ đến cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt huyện Tân Phú

Sau những ngày thấp thỏm với tin lũ dâng cao, bà con nghèo chịu khổ, từ TP.HCM, chị Diệu Liễu, Phật tử chùa Phước Hải, phường Đa Kao, Q.1 cũng được ĐĐ.Thích Minh Thông, trụ trì chùa hỗ trợ 500 bao thư, mỗi bao 100.000 đồng tức tốc mang đến giúp bà con. Chị đã tháp tùng với anh Tám đến với 500 hộ gia đình vùng lũ. Chị Diệu Liễu cho biết: “Theo dọc kênh ở huyện Tân Phú đến với các gia đình vùng lũ mới thấy bà con sống rất cơ cực, nhiều nhà bị chìm sâu. Nhưng, xúc động nhất là khi bà con nghèo ở thị trấn Tân Châu nhận quà mà miệng cứ rối rít cảm ơn. Bà con xúc động tận đáy lòng khi được mọi người chia sẻ, trong hoàn cảnh khó khăn đó, cả đoàn ai cũng thấy việc làm ấy vẫn còn quá nhỏ nhoi”.

Chư tôn đức Ban ĐDPG quận Gò Vấp, đặc biệt là chùa Châu An là đoàn Phật giáo đầu tiên đến với vùng đỉnh lũ Hồng Ngự (Đồng Tháp). Tại thị xã Hồng Ngự, đoàn đã kết hợp với ĐĐ.Thích Minh Bửu, tịnh xá Ngọc Thạnh đã mang đến 300 phần quà trị giá 160 triệu đồng cho bà con vùng đỉnh lũ xã Tân Hội, khu 2, thị xã Hồng Ngự. Những món quà thiết yếu nhất được trao tận tay như: gạo, mì gói, quần áo, tiền mặt và áo phao cho trẻ em. Không thể kể hết niềm vui của bà con khi được đoàn Phật giáo đến chia sẻ lúc này, ai cũng vui mừng, có những người không cầm được nước mắt vì xúc động.

Mới đây nhất, TT.Thích Thiện Hảo, trụ trì chùa Hội Sơn (Q.9), cùng đạo tràng Pháp Hoa (Q.3) và nhóm từ thiện Tâm Đức TP.HCM đã đến các xã vùng sâu của thị xã Hồng Ngự chia sẻ ấm lòng với 600 phần quà, trị giá 300 triệu đồng cho đồng bào. Ngoài quà tặng gồm thực phẩm, quần áo và áo phao, mỗi hộ còn nhận được 300 triệu đồng.

SAM_4175.JPG
Dù sống trong vùng đỉnh lũ, anh Tám đã dốc hết tiền bạc
 để giúp đỡ cho người dân các xã của huyện Tân Phú
 

ĐĐ.Thích Minh Bửu, trụ trì tịnh xá Ngọc Thạnh, thị xã Hồng Ngự chia sẻ: “Trong 20 ngày mưa lũ lên cao tại Đồng Tháp có nhiều đoàn từ thiện Phật giáo đến thăm và chia sẻ thiết thực với đồng bào. Trong lúc khó khăn này, bà con vùng lũ nhận quà với rất nhiều cảm động. Ở Đồng Tháp vùng ngập sâu nhất là thị xã Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, Tam Nông… hiện có hơn 2.000 ngôi nhà ngập chìm trong biển nước. Đỉnh lũ đã nhấn chìm hết hoa màu, mùa màng bị mất trắng, mọi sinh hoạt cũng như việc làm bị đình trệ, người dân phải rời khỏi nhà đến sống tại các vùng cao tạm cư trong những chiếc lều tạm bợ chờ nước lũ rút từng ngày”.

Giữa mùa mưa lũ, tình người nơi vùng lũ được thể hiện, đồng cảm và chia sẻ từ trái tim. Những lúc nguy nan, tránh việc mất mát đáng tiếc việc giữ trẻ được các tổ chức xã hội, người tình nguyện bắt tay tổ chức thêm những điểm giữ trẻ cộng đồng. Ở Đồng Tháp có 360 điểm giữ trẻ, trong đó có 30 nhóm giữ trẻ trong mùa lũ chủ yếu ở các điểm vùng đầu nguồn lũ Tân Hồng, Hồng Ngự và Tam Nông. Ở Long An có 100 điểm giữ trẻ với 4.000 cháu.

Chuyện sống cùng đê bao, ngày đêm hộ đê đã không còn lạ, nhiều đơn vị bộ đội, dân phòng, thanh niên tình nguyện cùng người dân dốc hết toàn lực để lo gia cố những bờ đê bị vỡ, cứu lúa. Chị Ngô Thị Kiều Diễm ngụ tại ấp 9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) xác định: “Lo chống lũ trước đi, tiền bạc đừng nói đến”. Lũ đe dọa đê bao, chị đã gọi đến Ban Phòng chống lụt bão tặng 2ha bạch đàn để làm cừ tràm chống lũ mà không cần đền trả. Chính vì tinh thần chia sẻ, nhiều đoạn đê bị vỡ ở các tỉnh đã lần lượt được khắc phục cứu hàng ngàn ha lúa đang mùa thu hoạch. Thế mới biết, khi nước lũ tràn về tình người trong hoạn nạn cũng được nâng lên, thắm đẫm tình nghĩa đầy ấm áp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.