Tỉnh giác trước các cơn bão dư luận

GN - Gần đây, dư luận dậy sóng với hiện tượng đề xuất bộ chuyển đổi chữ viết mới của PGS.TS Bùi Hiền và giáo dục thực nghiệm của GS.Hồ Ngọc Đại.

Đây không phải là những hiện tượng mới, cá biệt, nhưng tại sao tới bây giờ “bỗng dưng” lại gây bão trong dư luận, được nhiều người nói tới, tham gia bàn bạc? Phải chăng bây giờ mọi người mới quan tâm đến vấn đề văn hóa dân tộc và giáo dục?

tranhluan.png


Chúng ta cần tỉnh giác việc bày tỏ ý kiến, đừng “té nước theo mưa”

Có ý kiến cho rằng, chưa từng có vấn đề liên hệ tới ngôn ngữ tiếng Việt và giáo dục nào trở thành “diễn đàn toàn dân”, thu hút ý kiến của nhiều giới, từ công chức, nghệ sĩ, người lao động chân tay cho tới chức sắc tôn giáo như vậy.

Mật độ xuất hiện của những của các ý kiến này trên các diễn đàn báo chí chính thống cũng như mạng xã hội dày tới nỗi, dễ khiến cho nhiều người ngộ nhận ý thức bảo tồn văn hóa và quan tâm tới giáo dục lên cao trào hơn bao giờ hết.

Thực sự có phải như vậy?

Chúng ta dễ dàng nhận thấy số đông bày tỏ ý kiến của mình, không phải bày tỏ với tinh thần xây dựng, mà là cảm nghĩ cá nhân, thậm chí chưa hề có sự tìm hiểu những đề xuất, phương pháp đó là như thế nào.

Cũng không trừ ngoại lệ có những quy chụp cho rằng đó là cách hủy diệt tiếng Việt, làm đảo lộn nền giáo dục nước nhà vì nảy sinh một số hiện tượng khủng hoảng trong thi cử gây hoang mang cho dư luận.

Trên các phương tiện truyền thông, thay vì giới thiệu các ý kiến chuyên gia trong phê bình có tính học thuật, người ta sử dụng những hình ảnh và phát ngôn theo chiều hướng “thêm dầu vào lửa”, liên quan tới hành vi, thái độ của hai vị thầy giáo cao niên trên.

Đơn cử về vấn đề chữ viết, ý kiến cải tiến không phải lần đầu tiên được đề xuất. Chữ viết tiếng Việt bằng ký tự La-tinh được gọi là “Quốc ngữ” cũng chỉ khoảng bốn trăm năm trở lại đây, gắn liền với công cụ truyền giáo của các giáo sĩ thừa sai đến từ phương Tây.

Không ít người do không nhận thức đủ về tiếng Việt và chữ viết Quốc ngữ hiện hành, đồng hóa chữ viết đó với tiếng Việt, nên cho rằng cái gì làm thay đổi chữ viết đó là… hủy hoại văn hóa dân tộc.

Trở lại hiện tượng dư luận trên, điều đáng quan ngại là thay vì có những tìm hiểu và trao đổi tri thức mang tính xây dựng, thì dường như dư luận hoặc tấn công vào cá nhân, hoặc sử dụng việc đó để công kích hiện trạng của xã hội, đất nước.

Một sáng kiến để đi vào ứng dụng phổ biến cần có quá trình để kiểm định nó đúng hay sai.

Phương pháp giáo dục thực nghiệm cũng chỉ thực hiện ở một số điểm giới hạn, cần có một đánh giá khách quan; cải tiến chữ viết tiếng Việt cũng chỉ mới là đề xuất của một cá nhân, chưa phải là quyết định của các cơ quan chức năng bắt buộc áp dụng một cách rộng rãi.

Chúng ta cần tỉnh giác việc bày tỏ ý kiến, đừng “té nước theo mưa”, điều mà Đức Phật cho là “hý luận”, không lợi mình, cũng không lợi người và không đem lại lợi ích cho môi trường sống, cho đất nước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.