Hòa thượng vừa có mặt ở Việt Nam vào chiều 21-3 để tham dự Lễ cầu nguyện cho các nạn nhân trong thảm họa thiên tai vừa qua tại Nhật Bản theo lời mời của Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội PG TP. Ngôi chùa Hòa thượng đang trụ trì là nơi cưu mang gần 200 người Việt lánh nạn. Hòa thượng đã dành cho GN thời gian chia sẻ…
HT.Yoshimizu Daichi kể lại nỗi kinh hoàng của trận động đất - Ảnh: H.Diệu
✒Thưa Hòa thượng, tình hình ở Nhật hiện nay như thế nào? Qua các phương tiện truyền thông, thầy có nắm được nhiều thông tin về thảm họa ở một số tỉnh phía Đông bắc Nhật?
- Hòa thượng Yoshimizu Daichi: Thảm họa động đất, sóng thần ngày 11-3 vừa qua ở đất nước chúng tôi là một trong những sự kiện chấn động toàn thể nhân loại. Hình ảnh hung hãn của cơn sóng dữ cùng sự sụp đổ của hàng vạn ngôi nhà, hàng triệu công trình và đặc biệt là những vụ nổ hạt nhân, rò rỉ chất phóng xạ ở các nhà máy điện hạt nhân đã làm xáo trộn đời sống nhân dân. Theo tôi biết, hiện có khoảng 20.000 người đã chết và mất tích, con số này là chưa thống kê đầy đủ. Ngoài ra, báo chí và truyền hình loan tin có khoảng 400.000 người thuộc 4 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng của thảm họa đang trong tình cảnh thiếu thốn vì hàng cứu trợ chưa đến được. Cả nước có 1.350 địa điểm - trại lánh nạn được mọc lên để giúp những người mất hết nhà cửa, hoặc người dân ở trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ.
Tôi năm nay đã 71 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến thảm họa thiên tai, động đất và sóng thần, to lớn đến vậy. Sự tàn phá của nó cũng khốc liệt, khôn lường. Tuy nhiên, nỗi lo về động đất đã tạm lắng. Nay người ta lo lắng về sự phóng xạ của các lò năng lượng nguyên tử hạt nhân ở Fukushima. Đây không còn là vấn đề của riêng Nhật Bản mà trở thành sự quan tâm của thế giới. Con người đã chế tạo ra các lò hạt nhân nguyên tử, nhưng lại không thể kiểm soát nó!
Thủ tướng Nhật Bản đã và đang kêu gọi sự chung tay góp sức của các nước có kinh nghiệm bằng cách cử các chuyên gia cũng như viện trợ về công nghệ để có giải pháp tốt nhất, an toàn nhất cho việc hạn chế, ngăn chặn tác hại của các lò hạt nhân sau khi phát nổ, rò rỉ chất phóng xạ. Hiện nay, theo chỗ tôi biết được, đã có 54 quốc gia hưởng ứng lời kêu gọi này và đã nhanh chóng cử người có chuyên môn cũng như các phương tiện khác, đặc biệt là thuốc men đến các vùng bị nạn.
Với Việt Nam, xin các bạn yên lòng. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp người Việt đang du học, lao động tại Nhật, nhất là ở các vùng bị ảnh hưởng động đất, sóng thần được an toàn và yên ổn về tinh thần.
Hiện tại, tới thời điểm tôi sang Việt Nam thì đã có trên 200 dư chấn kể từ sau vụ động đất ngày 11-3 với cường độ rung lắc khác nhau.
✒Vậy ngôi chùa Nisshin Kustu có bị ảnh hưởng gì không, thưa Hòa thượng?
- Chùa Nisshin Kustu là một ngôi chùa cổ kính nằm ở thủ đô Tokyo, cách khá xa nơi diễn ra trận động đất sóng thần nên không ảnh hưởng gì nhiều. Hơn nữa, trong xây dựng chúng tôi đã sử dụng các thiết bị, máy móc bảo quản hiện đại, tự động hóa nên nếu có xảy ra sự cố cũng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Chỉ ít kệ sách bị đổ, vài bức tường ở công trình phụ bị nứt…
✒Được biết, ngôi chùa Nisshin Kustu là điểm đến bình yên của rất nhiều người tị nạn Việt Nam?
- Từ năm 1963 tôi đã có duyên với Việt Nam, thông qua mối thâm tình bạn hữu với Hòa thượng Tâm Giác, Hòa thượng Thanh Kiểm, Hòa thượng Trí Quảng… Và cách đây 4 năm tại chùa Nisshin Kustu tôi có làm lễ quy y cho 40 học sinh-sinh viên Việt Nam du học tại Nhật Bản. Khi ấy, các vị ở Đại sứ quán Việt Nam có đến dự và đã biết đến sinh hoạt của chùa có sự gắn bó với người Việt ở Nhật. Từ đó, hễ có duyên sự gì thì phía Đại sứ quán đều liên hệ với chúng tôi để kết hợp thực hiện.
Lần này cũng vậy, sau khi động đất, sóng thần xảy ra thì Ngài Đại sứ Nguyễn Phú Bình đã liên hệ với chúng tôi, thông qua Sư cô Tâm Trí (nghiên cứu sinh Phật học tại Nhật, trú xứ tại Nisshin Kustu) và đã cam kết sẽ hỗ trợ nơi ăn chốn ở cho người Việt tị nạn. Sau đó, Ngài Đại sứ đã làm việc với phía Nhật Bản để được đưa xe buýt lên vùng Đông bắc (trong tình hình hết sức khó khăn về nhiên liệu, đường sá ách tắc, thời tiết giá lạnh…) để đón các em về. Tại chùa, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết để các em có thể yên tâm ổn định sau sự cố.
Hiện nay chùa là nơi lánh nạn của gần 200 người Việt Nam, đa số là sinh viên, học sinh, nghiên cứu sinh.
✒Trước đó nhà chùa đã có kinh nghiệm trong công tác cứu nạn, cứu hộ chưa, thưa Hòa thượng?
- Với ý thức về động đất thường xuyên xảy ra nên người dân Nhật lúc nào cũng có sự chuẩn bị cả về tâm lý lẫn phương tiện để ứng phó. Song, với những thảm họa lớn như động đất ở Kobe hồi năm 1995 hoặc thảm họa như vừa qua thì ngoài sức dự liệu. Tuy nhiên, Phật dạy về cách làm việc tùy duyên, cái gì tới thì mình tiếp nhận một cách bình tĩnh, xử lý nó theo những điều kiện cụ thể, theo hướng tốt nhất. Do vậy, ban đầu có một vài khó khăn như lo điện nước sẽ thiếu, không có nước nóng để các em sinh viên, người lao động lánh nạn tắm chúng tôi cũng khá băn khoăn. Nhưng ngay sau đó, nhà chùa đã linh động liên hệ được với nhà tắm công cộng gần chùa nên sau đó đã ổn định.
Nghĩ xa một chút, thì được trú tại chùa đã là hạnh phúc khi trong thực tế hàng vạn người đã chết và mất tích, hàng trăm nghìn người đang phải sống trong điều kiện giá lạnh, thiếu thốn…
✒Hiện tại, tinh thần và đời sống của người lánh nạn như thế nào?
- Bây giờ thì an tâm nhất rồi, có gì đâu lo khi được sống trong chùa, có Phật, có chư vị Bồ tát… Quan trọng là các em đã được hướng dẫn ngồi thiền, tụng kinh giúp an tâm, nhìn nhận sự thật để chấp nhận và bước qua.
Có khoảng một nửa số sinh viên đã được bố mẹ mua vé từ Việt Nam đưa về nước. Một số còn ở lại, trong đó chủ yếu là lao động chưa hết thời hạn nên cố gắng để vượt qua khó khăn, trở lại làm việc bình thường…
✒Trong hoàn cảnh khắc nghiệt vừa qua, người Nhật dường như vẫn rất bĩnh tĩnh giữa đau thương. Thế giới đã từng biết đến một tính cách Nhật Bản kiên cường, nay lại hết lời ca ngợi về sự bình tĩnh ấy. Giới truyền thông Việt Nam cũng đã đăng tải nhiều câu chuyện hết sức đẹp, cảm động về tinh thần đùm bọc, ý thức chia sẻ cộng đồng… của những người đang là nạn nhân của thảm họa thiên tai kinh hoàng nhất. Là người Nhật, Hòa thượng nhìn nhận điều gì đã làm nên tính cách ấy?
- (Trầm ngâm) Đất nước chúng tôi gồm nhiều đảo, nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương. Chúng tôi biết số phận của mình là phù du, là mong manh, có thể tan biến bất cứ lúc nào. Cũng giống như hoa anh đào, hoa rất đẹp nhưng lại rất mong manh.
Phật giáo du nhập vào Nhật Bản và đã ảnh hưởng rất sâu sắc lên tư duy, nhận thức, nói chung là ảnh hưởng sâu sắc vào văn hóa, lối sống của người Nhật. Người Nhật đã lấy từ Phật giáo những tinh hoa để đưa vào đời sống hàng ngày, phương pháp rèn luyện tâm thức trong thiền định Phật giáo đã được vận dụng thành Kiếm đạo, Hoa đạo, Trà đạo…, mà qua đó, người Nhật được giáo dục, được rèn luyện về tinh thần, về tâm tỉnh thức, sự chịu đựng trước mọi hoàn cảnh để rồi vượt lên hoàn cảnh.
Truyền thống Nhật Bản dạy cho chúng tôi ý thức về tổ tiên, luôn biết ơn, lúc nào cũng nhớ về công lao của các bậc tiền nhân, của người khác trong tương quan xã hội mà mình đang sống. Chính vì vậy mà người Nhật luôn có ý thức tôn trọng, nghĩ về lợi ích của người khác trước mình… Phật giáo đã du nhập, bổ sung thêm nhiều nội dung quan trọng về giáo lý Vô thường, duyên sinh, vô ngã… Tôi nghĩ chính điều đó đã làm nên tính cách của người Nhật Bản chúng tôi, trở thành chuẩn mực trong mọi ứng xử ở cuộc đời, lúc khoẻ mạnh cũng như lúc cận kề cái chết, với trẻ con cũng như người già…
Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần, đã được tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, qua những gì tôi chứng kiến, qua hình tượng Hồ Chí Minh được nhắc đến rất nhiều, tôi thấy văn hoá Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản, nhất là về lòng biết ơn, nhớ ơn với tiền nhân và về sự ảnh hưởng của Phật giáo.
✒ Là công dân Nhật, Hòa thượng có niềm tin vào sự phục hồi của đất nước sau thảm hoạ được nhận định là đã đưa nước Nhật vào tình trạng khó khăn nhất kể từ sau thế chiến thứ hai?
- Đương nhiên là tôi hoàn toàn tin tưởng. Đây không phải là lần đầu tiên người Nhật đối mặt với khó khăn. Trong khó khăn thì tinh thần đoàn kết và niềm tin, sự mạnh mẽ của nhân dân Nhật càng được phát huy tối đa.
Một cậu bé Nhật ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagy bình tĩnh xếp hàng chờ nhận nước sôi trong giá rét, một văn hóa đẹp được thế giới ca tụng - Ảnh: AFP
✒ Những ngày qua, ở Việt Nam cũng đang có một phong trào hướng đến Nhật Bản bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể như cầu nguyện, quyên góp… Hòa thượng có cảm nghĩ gì trước nghĩa cử thấm đẫm tình người ấy?
- Tôi thật sự xúc động và cảm kích trước tấm lòng của các bạn Việt Nam và bạn bè thế giới. Trong mối tương quan rộng lớn, mang tính toàn cầu như hiện nay thì việc sẻ chia với nhân dân Nhật, nhân dân các nước bị tai ương, thảm hoạ là một việc làm thể hiện trách nhiệm và tình người. Dù bất cứ chia sẻ nào trong lúc này cũng sẽ tiếp thêm sức mạnh để cho Nhật Bản đứng dậy, thoát khỏi khó khăn, cùng hoà chung bước tiến với toàn thế giới.
Lần này sang đây, ngoài việc tham dự một vài Phật sự khác thì tôi còn đến vì lời mời của Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN kiêm Trưởng Ban trị sự THPG TP.HCM trong Phật sự cầu siêu, cầu an cho nạn nhân động đất, sóng thần Nhật Bản vào ngày 27-3. Tôi đến để cùng hiệp tâm cầu nguyện cho đồng bào mình, dù đường xa xôi nhưng tôi vẫn đi, bởi tôi nghĩ tới thịnh tình của các bạn đồng tu Việt Nam…
... "Ngày 17-3, khi trực tiếp nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi đã báo cáo sự giúp đỡ to lớn của Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi, Sư cô Tâm Trí cùng toàn thể Phật tử chùa Nisshin Kustu đối với các em sinh viên và tu nghiệp sinh Việt Nam. Thủ tướng hết sức cảm động, đánh giá cao và chuyển lời cảm ơn trân trọng nhất đối với tấm lòng, tình cảm của Đại lão Hòa thượng nói riêng, của Sư cô Thích nữ Tâm Trí và các Phật tử chùa Nisshin Kustu nói chung và mong muốn Đại lão hòa thượng sau này tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ những người dân Việt Nam nào còn gặp khó khăn tại Nhật Bản. Một lần nữa, thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành nhất tới Đại lão Hòa thượng cùng toàn thể Phật tử chùa Nisshin Kustu. Tôi cũng xin bày tỏ lòng kính phục đối với nhân dân và đất nước Nhật Bản khi trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, người dân vẫn giữ được trật tự và kỷ cương xã hội, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua thử thách hiện nay. Xin kính chúc nhân dân và đất nước Nhật Bản sẽ sớm vượt qua được khó khăn, nhanh chóng khôi phục những khu vực bị thiệt hại để phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa".( Nguyễn Phú Bình Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN tại Nhật Bản (Trích thư gửi HT.Yoshimizu Daichi) Sư cô TN.Tâm Trí - Nghiên cứu sinh VN tại Nhật Bản Từ đêm 11-3 vì mọi giao thông không hoạt động, nên có người đến chùa Nisshin Kustu trọ, có người vì tiệm 24 giờ bán hết thức ăn, bị đói 5, 6 tiếng đồng hồ, đến chùa an toàn, rồi có người ở gần Sinkiba, bị cúp nước cả 3 ngày không tắm rửa được, lên chùa được tắm, ăn no, ngủ ấm... họ nói thật hạnh phúc vô cùng. Nhờ trời Phật che chở. |