Tín tâm của Phật tử vùng cao

GN - Là dân di cư xây dựng vùng kinh tế mới, bác Nguyễn Văn Tuất cũng như bà con ở đây đa số là Phật tử ở quê, đều mong muốn có một nơi tu tập và sinh hoạt theo lời Phật dạy. Thế là Niệm Phật đường Mê Linh được hình thành vào năm 1990, do gia đình nhà cụ Song (xã Buôn Triết, huyện Lắk, Đắk Lắk) dành một phần gian nhà trước của mình để bà con có nơi lễ lạy và sinh hoạt.

Thời gian về sau, số lượng Phật tử ngày càng tăng lên, trong khi địa điểm sinh hoạt thì ngày càng thu hẹp. Hơn nữa, việc ra các chùa lớn ở huyện để công quả và lễ bái gặp nhiều khó khăn, đường thì xa mà không có phương tiện đi lại, đặc biệt là những lúc trời mưa đi bằng xe công nông chở nhiều người thì nguy hiểm. Vì thế vào năm 2007, bác Tuất và một số bà con đã đi tìm đất để xây dựng chùa.

c¯c c_ _ ch+a t_ng kinh.JPG
Phật tử tụng niệm tại Niệm Phật đường Mê Linh

Thấy việc tìm kiếm đất để xây dựng chùa của bác Tuất là việc làm lành, để có nơi cho bà con sinh hoạt ổn định về lâu dài, lại thấy nhà mình có vạt đồi đang trồng điều và bạch đàn hướng ra cánh đồng làng rất thích hợp cho việc xây dựng chùa, thế là cụ Nguyễn Thị Hương đã về vận động chồng mình là ông Nguyễn Văn Vọng lấy vạt đất ấy xây dựng chùa. “Thôi thì bây giờ tuổi già rồi đi theo Phật, mình hiến đất để xây chùa, để các cụ có nơi tu học, chứ ở nhờ hoài như thế này thì bà con rất khó khăn trong việc sinh hoạt. Lúc đầu, ông ấy phản đối dữ lắm nhưng sau đó nhờ các con, rồi thấy bà con Phật tử ai cũng có tâm, nên ông đã đồng ý và cùng phụ mọi người trong việc xây dựng”, cụ Hương nói.

Công việc xây dựng ngôi chánh điện bắt đầu từ tháng 2-2010. Để có kinh phí xây dựng, bác Tuất đã mạnh dạn đi vay trước một số vốn của những người quen biết. “Tôi chỉ có suy nghĩ là phải biết kết hợp được bà con Phật tử để họ đến sinh hoạt cho ổn định. Mình làm theo cái tâm thôi, tùy theo hoàn cảnh mà làm”, bác Tuất nói. Việc gì cần sức thì bác huy động bà con, còn việc gì cần đến tiền thì bác đi vận động. Nhờ có lòng tin Phật pháp và tin tưởng vào Ban Đại diện nên kể cả những người chưa quy y trong làng khi vận động, họ phấn khởi ủng hộ, có gì góp nấy.

Hiện tại, Niệm Phật đường đã thành lập được đạo tràng Pháp Hoa, thỉnh thầy về tu Bát quan trai, tu niệm Phật hàng tháng. Ngoài ra còn thành lập được GĐPT Mê Linh sinh hoạt vào tối thứ 7 hàng tuần.

Những ngày lễ lớn, Niệm Phật đường Mê Linh có rất đông Phật tử có những lúc lên đến 300 người. Những khi Niệm Phật đường tổ chức tu học tập trung đông, lực lượng công an cũng đến hỏi thăm nhưng thấy bà con Phật tử không làm gì trái pháp luật nên để cho bà con sinh hoạt không còn cấm nữa.

Nhiều khi muốn mời chư tôn đức về giảng pháp và hướng dẫn cho bà con tu tập nhưng các thầy ngại vì Niệm Phật đường vẫn chưa có giấy phép hoạt động chính thức. Sau khi làm Chánh đại diện, liên tục từ năm 2004 đến giờ năm nào bác Tuất cũng gửi hồ sơ xin công nhận chính thức lên Ban Tôn giáo tỉnh, rồi huyện mà vẫn chưa thấy trả lời từ các cấp chính quyền. Bác bảo: “Ước mong chính quyền các cấp quan tâm, trợ duyên để Niệm Phật đường Mê Linh hoạt động chính thức, cho bà con yên tâm tu học”. Nhiều cụ đi chùa đều mong muốn Niệm Phật đường sớm được công nhận chính thức để Phật tử ổn định tu học. “Lúc trước, tượng Phật chở về đây rồi bị trả lại, chúng tôi cứ suy nghĩ hoài không ngủ được, cứ muốn khóc. Giờ đi chùa thấy vui lắm, khoan khoái trong người, mình già rồi nên đến chùa nó dễ chịu, làm cho mình bớt những sân si”, cụ Nguyễn Thị Lệ chia sẻ.

Giữa trời trưa nắng nóng của chốn núi rừng Tây Nguyên, các cụ tụng kinh Dược sư theo tiếng mõ vang xa. Trong ngôi chánh điện được lợp bằng tole, những giọt mồ hôi lăn dài nhưng trên gương mặt các cụ vẫn hiện lên một niềm tin, một sự an lạc viên mãn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.