Tín ngưỡng cũng cần giáo dục

Tín ngưỡng cũng cần giáo dục
Báo Tuổi Trẻ ra ngày thứ năm (25-2) có tin “Không gài tiền vào tượng Phật”, nói về việc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa ban hành chỉ thị tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại các di tích, trong đó khuyến khích tại mỗi di tích chỉ đặt một hòm công đức.

Việc bố trí hòm công đức hay khuyến khích khách tham quan, hành lễ không nhét tiền vào lễ vật, đặc biệt là nhét tiền vào tay các thánh tượng, kể cả tượng Phật; không biết việc này thực hiện như thế nào đây? Cách làm thì sẽ có, có nhiều nữa. Nhưng hiệu quả thì thế nào chắc khó có được như ý là loại bỏ việc làm vô ý thức kiểu “lấy bụng ta suy ra bụng thánh thần” đó.

Hòm công đức vẫn sẵn có ở hầu hết các cơ sở tín ngưỡng, kể cả nhiều di tích văn hóa/lịch sử được người dân xem là chốn để cầu duyên, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc..., thậm chí là cầu... giữ và thăng chức, ban quản lý vẫn có đó nhưng người đến lễ (không phải là tất cả) đều muốn trao vật phẩm, đặc biệt là “tận tay thánh thần”. Tại sao như thế? Phải chăng điều đó xuất phát từ “cái bụng mình” là không tin vào người trung gian, người quản lý? Dẫu nếu bình tĩnh mà suy xét thì vật phẩm ấy, tiền bạc ấy cuối cùng cũng đến tay... con người, thần thánh chẳng thể cất giữ riêng được. Phải chăng niềm tin giữa con người với nhau đã mất mát?

Nhìn cảnh tượng các thánh tượng bị người ta nhét tiền lẻ vào mà xót xa. Thánh thần là hình ảnh đại diện cho lực lượng siêu nhiên bảo hộ cuộc sống, có khả năng hơn hẳn con người, vượt lên thất tình lục dục thường tình của con người, vậy mà... lại bị nhét những tờ tiền lẻ, như thể là tiền bố thí! Không biết ai trong những người đã từng làm như thế suy nghĩ lại không? Việc làm ấy, nếu xét ở sự lòng thành dâng lên thánh thần thì lại trở nên thất lễ, thiếu sự tôn kính với đối tượng mà mình tín ngưỡng, cầu khấn để xin ban ơn phước. Nếu xét ở việc ứng xử văn hóa thì lại góp phần làm tổn hại đến các hiện vật, đôi khi là bảo vật quốc gia.

Lý trí là vậy, không phải là quá khó nhận thức, thế nhưng tại sao sự việc khó chấp nhận đó lại tái diễn? Nếu không nói là ngày càng diễn ra nhiều. Câu trả lời có thể sẽ nhiều, đến từ các góc độ tiếp cận khác nhau. Chung quy, vấn đề xuất phát từ nhận thức của con người, nói thẳng ra là bắt nguồn từ sự mê tín, từ việc thiếu giáo dục về những quy tắc ứng xử tôn giáo, trong tín ngưỡng tôn giáo.

Chúng ta không thể dùng chỉ thị để điều chỉnh những hành vi đó, thậm chí nếu sử dụng cả biện pháp chế tài cũng sẽ không có tác dụng, mà muốn giảm bớt hay loại bỏ, chúng ta nhất định phải có cách để các cá nhân có sự tự điều chỉnh. Sự tự điều chỉnh trước hết đến từ nhận thức, biết thế nào là đúng, đâu là chưa đúng với các quy tắc tín ngưỡng, để ứng hợp với lòng thành của sự cầu khấn trước đối tượng tín ngưỡng. Việc làm này, ở góc độ trách nhiệm chung, nếu không có sự phối hợp với các tổ chức tôn giáo để chính các tổ chức tôn giáo ấy hướng dẫn tín đồ, người có tín ngưỡng hay có nhu cầu tín ngưỡng, thì mọi giải pháp chỉ dừng lại ở hình thức mà thôi, chẳng bao giờ có mặt trong thực tế và tác động lên thực tiễn vốn rất sinh động. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.