GN - “Chớ vội tin bất cứ thứ gì trên internet” là câu đúc kết được xem như kinh nghiệm sống cho những người lướt web. Bởi từng có một thời, khi những trang mạng và các diễn đàn mới xuất hiện, người dùng internet còn khá ngây thơ, họ dễ tin vào những thứ “thần thánh” trên siêu xa lộ thông tin. Niềm tin chất phác kiểu như ông bà ta thời đó vẫn luôn nghĩ máy tính là công cụ để học và làm việc thôi, nên họ xót khi thấy con cháu ngồi trước máy hàng giờ để “học”, không biết máy tính không chỉ để “tính”, mà còn có thể làm nhiều thứ vô bổ, thậm chí nguy hại khác.
Đến khi những thông tin thất thiệt xuất hiện đầy dẫy trên internet, người ta mới vỡ lẽ công cụ “thần thánh” ấy thực chất vàng thau lẫn lộn, đúng sai đều bởi con người. Chuẩn mực của niềm tin cũng ít nhiều thay đổi khi từ điển điện tử mở xuất hiện với những thông tin, khái niệm do người dùng cung cấp, không phải lúc nào cũng chính xác.
Chớ vội tin bất cứ thứ gì trên internet - Ảnh minh họa
“Đừng vội tin bất cứ thứ gì trên internet”. Đơn giản, vì internet cũng chính là cuộc đời. Cuộc đời này, mọi thứ - như Phật dạy, đều là “mộng huyễn bào ảnh”. Trong cái mộng huyễn đó, còn có cả cái tham sân si, còn có cả những mưu mô, xảo trá hòng vì trục lợi mà sẵn sàng phá bỏ tất cả những gì tốt đẹp.
Vì internet là cuộc đời, nên có ma, có Phật. Nhưng, “Phật cao một thước, ma cao một trượng” - tương quan giữa thiện và ác, cái ác thường áp đảo và nguy hiểm hơn. Đó là sự xuất hiện của những loại virus, những loại “sâu máy tính” chiếm đoạt thông tin người dùng, thậm chí phá hủy, đánh gục hàng loạt máy tính. Những thứ virus này dĩ nhiên do con người tạo ra, được làm cho lan tràn, khiến phải tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian, tiền của để ngăn chặn.
Cho nên, để an toàn khi bước chân vào đời - đời thật cũng như đời ảo trên không gian mạng, chúng ta cần phải trang bị một vốn kiến thức cần thiết, chính xác hơn, là một vốn trí tuệ, đủ để nhận chân được thật, giả. Việc nhận chân sự thật đòi hỏi thời gian, sự kiểm chứng, sự suy lường với một trực cảm bén nhạy. Tuy vậy, điều đầu tiên chúng ta cần làm chính là “đừng vội tin”.
Có lẽ đó là lý do mà gần đây, trong đề thi Văn vào lớp 10 chuyên của Trường Trung học Thực hành (Đại học Sư phạm TP.HCM), Hội đồng ra đề thi đã lấy lời dạy của Đức Phật để cho các em học sinh - người bắt đầu bước vào ngưỡng thành niên - chiêm nghiệm và phân tích. Đó là lời dạy của Đức Phật trong bài kinh Kalama nổi tiếng. Đại loại Đức Phật khuyên chúng ta chớ vội tin vào những gì thuộc về truyền thống, những gì được nhiều người nhắc đến, kể cả phát ngôn của những vị thầy danh tiếng (và những người có quyền uy, những tổ chức lớn); chỉ sau khi quan sát và phân tích, sau khi thấy điều đó hợp với lý lẽ dẫn tới điều tốt và ích lợi cho bản thân và mọi người, hãy chấp nhận và sống theo nó.
Karl Marx, khi trả lời con gái về câu châm ngôn mà ông thích nhất, đã bảo đó là câu: “Hãy biết hoài nghi tất cả”. Câu châm ngôn này đích thực là một lối diễn đạt khác về lời dạy của Phật trong bài kinh trên. Hoài nghi không phải đa nghi hay nghi ngờ, mà là mong muốn và có những hành động cần thiết để làm sáng tỏ mọi vấn đề.
Trong thời đại mà cái tốt và cái xấu lẫn lộn, khó phân biệt như ngày nay- người thiện thì thích ẩn dật, người ác lại thích khoa trương, thì việc trang bị kỹ năng cần thiết để tin là một điều vô cùng cần thiết.