GN - Lần đầu tiên sau khi thành lập (2009), Phân ban Ni giới T.Ư tổ chức họp mặt với chư Ni trẻ nhằm mục đích kết nối, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tu học, lắng nghe sự bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như kêu gọi Ni trẻ đóng góp ý tưởng giúp phát huy khả năng và nhiệt huyết của mình trong các lĩnh vực: giáo dục Tăng Ni, chăm sóc y tế, giáo dục mầm non, từ thiện xã hội, mở các khóa chuyên tu…
>> Phân ban Ni giới T.Ư họp mặt Ni trẻ
NT.Thích nữ Tịnh Nguyện tại buổi gặp mặt - Ảnh: H.Diệu
Hơn 100 vị Ni trẻ gồm nhiều thành phần: trụ trì các tự viện, giảng viên Phật học, Ni sinh Học viện, chư Ni đã tốt nghiệp tại các nước và đang công tác tại các BTS GHPGVN tỉnh, thành… tham dự buổi họp mặt tại chùa Phước Hải (Q.10, TP.HCM) dưới sự chủ trì của NT.Thích nữ Tịnh Nguyện, Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư vào ngày 14-12 vừa qua.
Vấn đề chư Ni trẻ trọ nhà ngoài đi học
Buổi họp mặt đã trao đổi nhiều vấn đề thẳng thắn giữa Ni trẻ và các vị tôn túc Ni về thực trạng tình hình tu học hiện nay của Ni trẻ. Trong đó, nổi lên vấn đề được quan tâm nhất hiện nay: Ni trẻ ở trọ nhà ngoài đi học.
Nhiều ý kiến trao đổi, góp ý của đại diện lớp Ni trẻ và chư tôn đức Ni đã nêu bật nguyên nhân đưa đến tình trạng này, đồng thời đề ra các giải pháp nhằm chấm dứt hình ảnh nhạy cảm, dễ gây tổn thương đến sự hòa hợp và thanh tịnh của Tăng đoàn.
Hội chúng Ni cho rằng, không có giải pháp nào khác hơn là cần phải thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa thầy tổ, nhà trường và các tự viện cho Ni sinh cư trú trong thời gian Ni sinh đi học. Tất cả phải cùng có sự thống nhất, đồng tâm hiệp lực thì mới có thể giúp cho Ni trẻ trưởng thành vững vàng, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng chư Ni trẻ cũng cần phải được thông cảm, thấu hiểu từ phía chư tôn đức Ni, đặc biệt nên tạo điều kiện để Ni trẻ đến gần hơn chư tôn túc Ni, từ đó nối kết sợi dây đạo tình, có sự nhìn nhận công tâm trong nỗ lực chia sẻ để họ có cơ hội tận tâm tận lực cống hiến trí tuệ, sức trẻ, đóng góp năng lực vào sự phát triển chung.
Tiếng nói người trong cuộc
Sư cô TN.Giới Định (chùa Vẽ, Hải Phòng) giãi bày: “Bản thân con trước đây cũng là một Ni sinh đi ở trọ, dù cũng nhận thấy rằng đó là điều không nên. Thực tế nếu thầy tổ có sự quen biết rộng thì có thể gởi gắm học trò ở một số tự viện, khi thầy tổ không tìm được chỗ ở cho học trò thì Ni sinh đi học ở các trường, học viện xa quê phải tự mình ‘bơi’…”.
“Xin chư tôn túc Ni trong Phân ban Ni giới cho chúng con biết địa chỉ tự viện liên kết cụ thể tiếp nhận chúng con”, Sư cô Giới Định đề nghị.
Chư Ni trẻ lắng nghe và bày tỏ nhiều tâm tư trong buổi họp mặt - Ảnh: H.D
Là một người quản chúng, Sư cô TN.Huệ Khánh (chùa Vĩnh Phước, Q.12) trăn trở, một số chùa ở TP.HCM có không gian rộng và các vị trụ trì có sẵn sự rộng lượng để tiếp nhận Ni sinh đi học. Tuy nhiên, một số Ni sinh vào ở rồi thì sinh hoạt, đi học nhiều, bỏ các thời khóa căn bản của chùa.
Khi tìm hiểu, các Ni sinh tâm sự rất thành tâm rằng, từ tỉnh lên, trong thời gian 4 năm các em ấy vừa học tại Học viện PGVN vừa phải tranh thủ thời gian đi học thêm nhiều thứ khác nữa nên không có thời gian trực chúng, tu tập theo nội quy bổn tự. Do đó, mâu thuẫn giữa chúng nội viện và Ni sinh đi học tất nhiên khó tránh khỏi.
Đi tìm lời giải đáp
"Thực sự, chưa có ai trực tiếp nói cho họ biết, họ sai ở chỗ nào. Vấn đề Ni trẻ ở nhà ngoài, bị cuốn quá đà vào sinh hoạt bên ngoài… cần phải được thông cảm, thấu hiểu từ phía chư tôn túc Ni" |
Cho rằng Ni sinh ngày nay học nhiều những điều không cần thiết mà không học chuyên sâu, Ni trưởng TN.Tịnh Nguyện khuyến tấn phải xem lại kiến thức mình cần thật sự là gì, phải biết xem xét cái nào nên và không nên. Ni trẻ sống trong môi trường phức tạp bên ngoài chắc chắn là không nên, phải tỉnh thức rằng mình là người tu, phải giữ gìn oai nghi, tế hạnh, không dễ dãi với chính mình, buông tuồng việc hành trì, tu tập.
Trong khi đó, với thái độ thông cảm, chia sẻ cho Ni sinh trẻ, Ni trưởng TN.Như Cương, Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Trưởng Tiểu ban Văn hóa, cho rằng: “Là người nuôi chúng đang đi học thì vị trụ trì phải hy sinh…”. Một số ý kiến nêu lên cần có những quy định riêng dành cho chư Ni đang đi học. Nhưng theo Ni sư TN.Nhật Khương, Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thì không thể có hai nội quy trong một ngôi chùa. Giải pháp căn bản là phải có một ký túc xá nội trú dành cho Ni sinh.
Có rất nhiều ý kiến, các giải pháp, nguyên nhân đưa ra, trong đó vấn đề truyền thông giữa Ni trẻ và các vị tôn túc Ni chưa thật sự khơi thông, chưa thật sự hiểu, thông cảm lẫn nhau. Và, câu hỏi đặt ra, phải chăng hiện trạng Ni sinh trẻ ở nhà ngoài, nhà Phật tử chính là lỗi ở những vị Ni sinh trẻ?
Đứng ở góc độ giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM, SC TN.Hương Nhũ cho rằng, giảng viên phải có trách nhiệm, vai trò nhất định để giảng giải, tâm sự, cho chư Ni trẻ biết những điều mà chư tôn đức nghĩ, người trong xã hội nhìn nhận chưa tốt về họ.
Thực sự, chưa có ai trực tiếp nói cho họ biết, họ sai ở chỗ nào. Vấn đề Ni trẻ ở nhà ngoài, bị cuốn quá đà vào sinh hoạt bên ngoài… cần phải được thông cảm, thấu hiểu từ phía chư tôn túc Ni. Và, hơn nữa cần tạo điều kiện để Ni trẻ đến gần hơn chư tôn túc Ni, từ đó nối kết sợi dây tình cảm, sự thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ nếu không họ sẽ liên kết với nhau trong bóng tối. Ni trẻ dù thế nào vẫn cần sự quan tâm, định hướng, chỉ bảo của các vị chư tôn túc, để Ni trẻ “hòa nhập mà không hòa tan”.
Thay mặt chư tôn đức Ni lãnh đạo Phân ban Ni giới T.Ư, NT.Thích nữ Tịnh Nguyện phát biểu những lời tâm huyết, mong mỏi các thế hệ chư Ni giữ tròn phẩm hạnh, nâng cao năng lực tu tập, dấn thân phụng sự... Đồng thời, các vị trưởng thượng cũng sẵn sàng lắng nghe tất cả những chia sẻ, tiếng nói của Ni trẻ và tạo điều kiện tốt nhất để Ni trẻ phát huy hết năng lực của mình đóng góp cho sự phát triển của Ni giới.
Dịp này, Ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư cũng đã thành lập Ban Liên lạc Ni giới trong và ngoài nước do SC.Thích nữ Như Ngọc làm Trưởng ban và Quỹ Bảo trợ cho Ni trẻ (hỗ trợ học tập, y tế cho Ni trẻ) do NS.Thích nữ Huệ Tuyến đảm nhiệm Trưởng ban.
________________
* Bạn đọc có suy nghĩ gì về vấn đề này? Gửi ý kiến về Giác Ngộ theo địa chỉ: baogiacngo@yahoo.com hoặc chia sẻ ở phần "Gửi ý kiến" ở cuối bài. Trân trọng!
Bình luận