Tiếp nối hạnh nguyện của tiền nhân

GNO - Với tinh thần lục hòa cộng trụ, người xuất gia phải luôn sống chan hòa, không tranh luận, hơn thua, không chỉ trong tứ vật dụng mà ngay trong lời nói, cử chỉ hành động phải biết gìn giữ oai nghi tế hạnh… được thấm nhuần những lời giáo huấn của đức Tổ sư Minh Đăng Quang để lại. Tăng Ni Hệ phái Phật giáo Khất sĩ luôn lấy đó để làm kim chỉ nam trong đời sống tu tập.

Hạnh nguyện của Tổ

Những năm 1940, khi nước ta còn trong thời kỳ chiến tranh giữa hai nước Pháp - Nhật, tình cảnh đất nước bị chia cắt nhiều nơi, Phật giáo nước nhà cũng bị phân hóa, một phần những ngôi già lam được coi như nơi để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng dân gian trong các làng quê. Người tu thì được xem như “thầy cúng” với mục đích phục vụ ma chay, bói toán.

Dần dần giáo lý Phật giáo tại nước nhà bị mai một, khi đó Tổ sư Minh Đăng Quang ấp ủ tâm nguyện: “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, xây dựng lại hình ảnh của người tu phải đúng theo Phật, noi gương hạnh của hiền thánh, thực hành con đường trung đạo, Tứ y pháp, thân đắp mảnh y vàng, tay ôm bình bát đất để du hóa khắp muôn nơi, thuyết giáo độ đời.

Với hạnh nguyện ấy, Ngài dần kiến tạo ra một hình ảnh Phật giáo đậm chất Việt và trở về bản thể vốn có của nó là tinh nguyên và thuần khiết lý thanh nhàn giải thoát. Từ đó đạo Phật Khất sĩ Việt Nam ra đời dưới sự hướng dẫn của Tổ sư Minh Đăng Quang, được gọi là Sư trưởng.

Con đường hoằng hóa

Nhưng trong con đường mở đạo của Tổ sư phải trải qua những thử thách, khó khăn từ trong tư tưởng, bối cảnh đất nước, nhận thức cá nhân, và nhất là những người không thích đạo Phật luôn tìm cách chống phá. Có những khi dư luận lại xôn xao trước hình ảnh của Tăng đoàn do Tổ sư hướng dẫn nào là: Họ là thầy tu chăng? Họ đi xin để sống? Họ có học hay dốt? Họ có phải là đoàn thể tôn giáo, chính trị gì chăng?

wHinhanhdepTangDoankhatsi.jpg

Một hình ảnh đẹp, thanh tịnh của Tăng đoàn Khất sĩ - Ảnh: T.L

Trước làn sóng tốt xấu của dư luận, nhưng Tăng đoàn Khất sĩ cứ mỗi buổi sáng đều thực hành hạnh trì bình khất thực, dần rồi trở thành thói quen, mọi người biết cúng dường, sớt bát, và cung kính dâng lên những phẩm thực khi thấy Tăng đoàn đi ngang qua nhà mình. Từ đó, giáo pháp Khất sĩ như một bông hoa thơm, tỏa ngát mùi hương, người người mến mộ, xin được thọ giáo quy y.

Bước chân Tổ sư đi đến đâu là đạo tràng tịnh xá được mọc lên đến đó, nhất là các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ.

Sau 10 năm hoằng hóa đạo mầu, năm 1954 Tổ sư Minh Đăng Quang đã từ giã chúng đệ tử và nhắn gởi đôi điều:  “Các con hãy ở lại mà mở mang mối đạo, giáo hóa chúng sanh, đền ơn chư Phật. Ấy là các con theo Thầy, làm vui lòng Thầy nơi xa vắng. Rồi một ngày kia Thầy sẽ trở về”.

Tiếp nối hạnh nguyện

Đến nay đã 58 năm Tổ sư vắng bóng, hằng năm chư Tăng Ni đều long trọng tổ chức lễ tưởng niệm ngài như một lời tri ân đối với bậc khai sáng con đường của chư Phật đã đi qua tại quê hương Việt Nam.

Ngày nay, hệ phái Phật giáo Khất sĩ được coi là một trong ba hệ phái chính trong việc chung tay xây dựng GHPGVN. Đạo tràng tịnh xá, Tăng Ni, Phật tử đều có mặt trên khắp 3 miền của đất nước và lan rộng ra một số nước phương Tây, Mỹ, Úc... Giáo hội Tăng già Khất sĩ Thế giới thành lập với trụ sở chính tại tổ đình Minh Đăng Quang (Hoa Kỳ) do Pháp sư Thích Giác Nhiên làm pháp chủ.

Đến đây, cũng nói lên được tinh thần Hệ phái Phật giáo Khất sĩ đã đóng góp một phần to lớn, trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, giúp cho mọi người sanh khởi lòng tin với chánh pháp, trên con đường tiếp nối hạnh nguyện của Phật Tăng xưa, sống đời bình dị.

>> Khất thực nhân dịp tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.