Tiếng sáo trưa giữa lòng phố cổ

Trưa phố cổ hiền hòa, ông vẫn ôm cây sáo trúc của mình, mang cả những tâm tư thoát lên từng nốt, từng cung bậc của âm thanh, hòa vào tiếng sóng nước êm ái của sông Hoài miên man từng ngày...

Tiếng sáo mưu sinh của người đàn ông mù

Cặm cụi và nhẫn nại, tiếng sáo trưa bên vỉa hè phố Hội An vừa thánh thót, vừa ai oán như muốn nói lên nỗi lòng của người đàn ông đã trải qua nhiều tuổi đời đầy gian truân. Tiếng sáo trưa khiến những vị khách qua đường ai ai cũng chăm chú lắng nghe như thể không muốn bỏ sót bất cứ nốt nhạc nào.

Ở đó, ông lão mù vẫn bền bỉ mỗi ngày, ngồi thổi sáo và lắng nghe tiếng lòng từ sông nước “phố Hội”.

hinh 1 xh GN 997.jpg

Ông lão mù vẫn bền bỉ mỗi ngày, ngồi thổi sáo ở "phố Hội"

Nhiều năm nay rồi, những người thường qua lại ngã tư Bệnh viện Hội An, họ vẫn coi ông Lê Văn Luyện (năm nay 75 tuổi, quê quán Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam, hiện đang ở trọ một mình tại 15 Đinh Tiên Hoàng, Hội An) như người thân. Ngày nào cũng vậy, tiếng sáo mang, chở bao niềm ao ước và cả một thời u buồn của ông lão khiếm thị Lê Văn Luyện khiến người nghe, lòng cảm thấy xốn xang.

Mỗi ngày, những người khách lạ đi ngang qua phố bị thu hút bởi tiếng sáo buồn chất chứa niềm riêng ấy. Họ nhìn ông, nhìn đôi tay điêu luyện của ông nâng niu trên những nốt sáo, để tiếng sáo như hòa vào không gian im ắng ban trưa, quện vào lòng người qua lại nơi phố Hội.

Bị mù từ lâu, ông một mình rong ruổi làm đủ nghề để kiếm sống. Tuy đôi mắt không nhìn thấy nhưng ông vẫn sống với niềm lạc quan. Ông tự học thổi sáo, rồi lấy vé số bán giữa ngã tư đường. Cây sáo này cũng chính là công cụ giúp ông kiếm tiền nuôi sống bản thân suốt bao năm qua.

Dường như, tiếng sáo trưa của ông mang bao tâm sự, chất chứa cả quãng thời gian ông đã trải qua mọi sự đời. Mỗi ngày, ông lấy vé số và cầm cây sáo thân thuộc của mình, ngồi ở ngã tư Bệnh viện Hội An và nhẹ nhàng cất lên vài tiếng sáo du dương, cho những hành khách lỡ đường cảm thấy một chút bình yên nào đó, từ tiếng sáo của ông. Tôi hỏi ở xứ này còn mấy người thổi sáo giữa ngã tư đường như ông không. Ông lắc đầu, bảo làm gì có ai nữa!

Tôi nhìn cây sáo của ông, nhìn xấp vé số của ông giữa lòng đường mà lòng buồn se thắt. Cây sáo ấy, như vẫn thay ông hát về một thời quá vãng vàng son, đầy đam mê và tiếc nuối; và về một ngày mai vô định, với bao nỗi day dứt, xót đau. Nhịp sáo của ông giữa ồn ã phố phường lúc chậm rãi mà phóng khoáng, như chính phong thái khoan thai, thư thả và những giây phút lặng lẽ, tự tại đầy kiêu hãnh của người đã trải qua gần hết một đời trong buồn, vui, sướng, khổ vô cùng.

Đời lấy của ông đôi mắt, nhưng trả cho ông tài thổi sáo. Ngày ngày, ông thổi sáo và bán vé số, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Giữa phố đông, một mình ông, vẫn mang nốt trầm, nốt bổng cho cuộc sống và cho cả mọi người, thứ âm nhạc mà người nghe thấy sự xốn xang, cảm thông và chia sẻ. Nhờ thế, ông đã sống cuộc đời của mình theo cách riêng, có chút cay nghiệt của sự bất hạnh, có chút lạc quan pha lẫn.

… Thổn thức bên sông Hoài

Khi tiếng sáo vang lên, những điệu nhạc trầm buồn, thổn thức vang vọng làm nhiều người bừng tỉnh. Họ lặng im thả hồn vào tiếng sáo, miên man những âm giai đặc biệt.

Trong buổi trưa nắng miền Trung, giữa ngã tư đường, ông ngồi bình thản thổi sáo. Tiếng sáo thổn thức, miên man ngược về thời xa vắng, về một miền hoài niệm xa lắc của người đã trải qua bao nhiêu mùa mưa nắng trên mảnh đất này.

Tiếng sáo của ông không lớn, nhưng rất đặc biệt, hoàn toàn không giống các nhạc cụ khác. Nghe như chính lòng người đang trò chuyện vui vẻ, trầm bổng với mình. Tiếng sáo không ngân dài, nhưng vang xa vọng trong lòng người. Nghe như nước đổ, quặn thắt, chung chiêng dội vào lòng thuyền, nghe lang thang hun hút trên sóng nước. Tiếng sáo có lẽ đã chở nặng tiếng lòng của ông bao năm rồi.

Nhiều du khách trong nước, cả ngoài nước đã vô cùng thích thú khi đi phố cổ này và chứng kiến, lắng nghe ông lão mù thổi sáo. Họ không chỉ ngạc nhiên về cây sáo của ông, mà còn cả về sự am hiểu với âm nhạc của ông, đặc biệt là âm nhạc dân gian, âm hưởng của miền quê kiểng. Ông kể, có lần khách du lịch trở lại không thấy ông lại hỏi thăm, tìm kiếm nên ông quyết định ngồi luôn một địa điểm, đến nay đã gần 20 năm.

Ông Luyện bảo, đời ông chỉ có cây sáo trúc này là gắn bó không rời. Tiếng sáo không chỉ giúp ông mưu sinh, mà đó còn là nỗi lòng của ông, như sợi dây duy nhất níu ông vững tâm với cuộc sống này. Tiếng sáo của ông cũng là “sợi dây” tâm tình rút ra từ chính trái tim ông, êm ái và đầy mê mải.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.