Tiếng ở Chiang Rai

Cũng từ nhân duyên ấy và từ tấm lòng ưu ái của chủ nhân khối ngọc là ông bà Ian Green mà mười tháng sau khi Ngọc Phật đến Việt Nam, hôm nay 14-1-2010, đoàn chúng tôi đến Chiang Rai Doi Tung để cung thỉnh “Ngọc Quan Âm cho tình thương nhân loại”.

dongnhat.jpg
Quý sư làm lễ tại chùa Doi Tung tại Chiang Rai

Từ nhân duyên ấy

Sáng sớm. Mặt hồ trước Khách sạn Dusti Island yên tĩnh, mờ mờ trong sương. Đây là buổi sáng đầu tiên tại Thái Lan của đoàn Phật tử đi cung thỉnh bảo tượng Phật Bà ngàn mắt ngàn tay tạc từ khối ngọc Polar Pride (Niềm kiêu hãnh của Bắc cực) được phát hiện tại Vancouver (Canada) vào năm 2000, là báu vật của thiên niên kỷ. Người Việt Nam may mắn được là dân tộc đầu tiên chiêm bái hình tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni qua khối ngọc thiêng này, dưới bàn tay kiến tạo của nhà điêu khắc Vanit Yothatvut, người Thái. Tôn tượng “Ngọc Phật cho hòa bình thế giới” đã được đưa về đất Việt ngay sau khi hoàn thành, đúng vào dịp Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 âm lịch hàng năm (hồi tháng 3-2009), tại thành phố Đà Nẵng. Cũng từ nhân duyên ấy và từ tấm lòng ưu ái của chủ nhân khối ngọc là ông bà Ian Green mà mười tháng sau khi Ngọc Phật đến Việt Nam, hôm nay 14-1-2010, đoàn chúng tôi đến Chiang Rai Doi Tung để cung thỉnh “Ngọc Quan Âm cho tình thương nhân loại”.

Lễ chú nguyện

Xuất phát đã 7 giờ mà sương núi vẫn còn giăng. Mặt trời nổi mông lung một khối tròn đỏ trong cái nền mờ mờ ấy, nơi những tiếng động như chìm tắt trong dòng chảy của Tự nhiên. Vĩnh cửu. Bình lặng…

Sau hơn 60 cây số trên đường cao tốc với tốc độ 90-100km/giờ, xe đến  chùa Prathat Doi Tung, ngôi chùa cổ đã có hơn 1.000 năm tuổi, nằm ở độ cao khoảng 1.800m so với mực nước biển, tại miền núi phía Bắc Thái Lan. Nơi đây, sáng ngày 15-1, hơn 200 vị cao Tăng trên toàn đất nước tụ hội trong lễ cầu nguyện cho sức khỏe và sự trường thọ của Quốc vương Thái, dưới sự chủ trì của vị Phó vương đồng thời là Vua sãi Samadej Ratanamankalajary…

Giọng Thái như hát ở âm cuối trong đám đông chợt lắng xuống khi đoàn tu sĩ do Vua sãi dẫn đầu xuất hiện trong màu y vàng sáng, lúc 9g30. Thực ra, trước đó, nơi đây cũng không ồn ào, dù số Phật tử Thái áo quần sắc trắng đã tề tựu cả trên ngàn người. Dường như, núi đồi với độ cao cùng sự trong sạch của chốn cao nguyên luôn làm được cái công việc lặng thầm mà hiệu quả: thanh tẩy lòng người.

Sau khi đảnh lễ trước tháp vàng có chứa Xá lợi Đức Bổn Sư, buổi lễ cầu nguyện bắt đầu. Các nhân vật cao cấp của Chính phủ Thái trong trang phục đại lễ đã có mặt từ trước, đặc biệt là không có vẻ… quan chức gì cả. Trầm tĩnh. Thành kính. Đó là điều có thực. Thực như tiếng tụng kinh trầm lắng từ hòa trong nắng sớm, trong se sắt của khí núi ngọt ngào trên má. Và thực với riêng tôi, khi chợt cảm nhận sự rung động sâu thẳm từ bên trong, kéo theo cả thân người lắc lư theo nhịp kinh cầu đang lan ra như những đợt sóng không bờ. Đây là lần thứ hai cả thân - tâm rơi vào trạng thái ấy nên tôi không phân tích nguyên nhân, cứ để cho dòng thanh âm ấy cuốn trôi. Như rơi vào biển âm thanh. Mới đầu còn ầm ào, rồi lắng xuống. Yên tĩnh. Nhưng ý thức vẫn nhận biết, để dấy lên sâu xa nỗi mừng và lòng biết ơn. Biết ơn, vì đã may mắn được thêm một lần chạm vào tiếng hải triều kia, dù vẫn biết rằng, để hòa tan trọn vẹn trong tiếng “thắng bỉ thế gian” ấy, tất cả hãy còn là những ngui ngút dặm dài. Lần thứ nhất, sáu năm trước, ở những khoảnh khắc đầu tiên của trạng thái ấy, tôi đã cố cưỡng chống lại. Triển gân mà cưỡng lại. Vì sợ rằng, đấy là ảo giác. Lần này, do đã biết được một chút “mùi vị”, nên buông thả. Hoàn toàn buông thả. Cho đến khi thời kinh chấm dứt. Và thân xác cũng dần trở lại trạng thái bình thường, cái thân uế trọc vọng tưởng trĩu nặng gánh đời…

Những tiếng của đời

Tối hôm sau, 16-1, ở Bangkok . Và tượng thần bốn mặt. Ấy là không khí của niềm tin lễ hội: hàng ngàn người thắp nhang - dâng hoa diễu quanh bốn phía tượng thần Brahma, cầu xin sức khỏe, bạc tiền và bao nhiêu sở cầu khác của cái cuộc ngắn ngủi, ngậm ngùi có tên kiếp nhân sinh. Bên hè phố, trước đó, tôi nhìn thấy một em bé ăn xin với đôi mắt đen không lời. Liệu vị Đại Phạm thiên đầy quyền năng kia có nhìn thấy ánh mắt và có làm gì cho em thoát khỏi những tiếng kêu đòi thầm lặng trong lòng em?

Và, trong năm ngày “diễu qua” vài nơi trên đất Thái, từ cơn gió khoáng đạt nơi ngã ba sông của Tam Giác Vàng nổi tiếng mà phía bờ bên kia là hai khu casino rực rỡ dưới ánh nắng chiều trên xứ sở Lào và Miến Điện, từ giọng nói của cô hướng dẫn viên du lịch người Trà Vinh, dù sang đất Thái từ lúc còn nhỏ mà vẫn giữ nguyên âm sắc Nam Bộ, hết sức tự nhiên khi đưa vào lời thuyết minh những nhận xét của riêng mình về hiện tình hình chính trị trên đất nước Thái Lan, từ tất cả những thanh âm của chốn bụi bay, tôi cố gắng lưu giữ lại những hình ảnh của chuyến đi, của buổi lễ gia trì tôn tượng Ngọc Quan Âm tại chùa Wat Paknam ngày 17-1, nơi có hơn 1.000 vị Tăng đang tu học. Lưu giữ, để soi rọi lại tâm thức chính mình khi được may mắn rơi vào cái tiếng yên lặng của khoảnh khắc không lời kia. Để biết thêm rằng, cũng trong khi lễ chú nguyện ngọc tượng đang diễn ra trên Doi Tung, ống kính của một camera man trẻ tuổi từ Sài Gòn sang đã ghi hình được những áng mây và ánh hào quang hai lần chớp sáng. Và, trong cả ngàn con người có mặt khi ấy, điều gì đã diễn ra? Không thể biết nhưng tôi tự cho rằng, cái trạng thái thân - tâm mà tôi, một kẻ còn tràn đầy vọng tưởng có diễm phúc đón nhận, lẽ nào lại không hiện ra trong bao người khác…

Chiều xuống khi chúng tôi bay lên. Rời mặt đất để trở về với đất. Đất quê nhà. Và Sài Gòn lấp lánh bên dưới, chứa đựng biết bao những trái tim đập theo nhiều nhịp khác nhau. Như cuộc đời, với vô vàn tiếng động.

Không hiểu sao, trước lúc máy bay tiếp đất, khi nhìn khuôn mặt yên lặng của quý thầy Thiện Bảo, Pháp Cao, Huệ Tánh, Huệ Vinh, Pháp Chiếu… và các anh chị Diệm, Tuấn, Thanh Nam, Ngọc Diệp… trong đoàn hành hương, tôi chợt liên tưởng đến màu của bóng ngôi tháp cổ Chedi Luang trên đường về, sau buổi lễ chú nguyện tượng Ngọc Quan Âm. Màu của ngàn năm. Lặng lẽ. Và, những tiếng nghe được của đời, bên những tiếng vô thanh của thời gian không hề có thực.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.