Tiếng nói và chữ viết...

GNO - Xung quanh việc đặt tên đường giáo sĩ Aleaxandre de Rhode tại Đà Nẵng, đang tạo nhiều tranh luận trên báo chí và mạng xã hội, GNO xin trích giới thiệu ý kiến sau đây cùng bạn đọc quan tâm.

Tôi cảm ơn chữ quốc ngữ được hoàn thiện bởi bao nhiêu thế hệ người Việt, nhưng bảo tôi nhất định phải cảm ơn thực dân Pháp, chấp nhận đặt tên đường cho Alexandre de Rhodes thì rất buồn cười, bởi thực dân Pháp cưỡng bức thủ tiêu một cái vỏ ngôn ngữ và thay vào bằng một cái vỏ khác xa lạ cắt đứt gốc nguồn với tổ tiên tôi.

Còn với giáo sĩ Alexandre de Rhodes, hãy nghe chính ông ta viết ra: “Đối với tôi người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng ba tuần nó đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ”, “công việc này ngoài những điều tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ-đào-nha…, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh theo lệnh các Hồng y, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho chính người bản xứ học tiếng La-tinh…” (Từ điển Việt -Bồ-La).

Và dù ông có thành thực nói rằng đã “mượn” vào công trình của các giáo sĩ người Bồ để biên soạn thêm phần La-tinh vào cuốn Từ điển này, nhưng tại sao cuốn từ điển chìm lỉm trong khoảng gần 300 năm (ông mất năm 1660) bỗng sống dậy trong sự cổ suý của người Pháp?

Trong khi thế kỷ 17 nửa đầu thế kỷ 18 biết bao nhà Nho trí thức tài tử phong lưu của chúng ta vẫn thăng hoa trong trước tác văn học Nôm mà đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du kia mà.

Và hơn thế, khoan nói chuyện ông ta không phải “cha đẻ”, “ông tổ” của chữ quốc ngữ La-tinh, hay chuyện ông ta viết thư xin vua Louis XIV xâm chiếm Đông Dương, cách cổ vũ triệt tiêu Tam giáo, trong đó có Phật giáo bằng ngôn ngữ như sau: “Bởi Tam giáo này, như nguồn độc, nhiều sự dối khác. Song le bắt mỗi sự dối ấy chẳng có làm chi, vì chưng biết là bởi đâu mà ra, cho hay tỏ tường là dối thì vừa. Như thế có chém cây nào độc cho ngã, các ngành cây ấy tự nhiên cũng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích-Ca là thằng hay dối người ta ngã xuống, …” (Aleaxandre de Rhodes, Phép giảng tám ngày).

Xin thưa việc đặt tên đường Aleaxandre de Rhode trong ý nghĩa tôn vinh người có đóng góp cho văn hóa, thì chỉ với nội dung khi nói về Tam giáo trong Phép giảng tám ngày, đã tạo nên những xung đột tôn giáo một cách gay gắt, mà chúng tôi, những người Phật tử thấy bị tổn thương, khó có thể chấp nhận được. Vâng chỉ cần ai đó trên mạng xã hội này, dùng đúng ngôn ngữ như vậy miệt thị tôn giáo khác, có xứng đáng nhận gạch đá ném về phía mình hay không?

Cố ý muốn đặt tên đường, người làm văn hoá Việt Nam muốn cổ suý điều gì? Phải chăng họ muốn làm sống dậy tinh thần kỳ thị triệt tiêu Phật giáo?

Tôi xin chụp thêm một số lời lẽ xuyên tạc, miệt thị khác về Phật giáo và Đức Phật để mọi người tham khảo, còn kỷ công và đặt tên đường hay không vẫn là chuyện của chính quyền. Nhưng ở một xứ văn minh thì hãy cho chúng tôi cái quyền có ý kiến, nó có thể khác với một số người, đương nhiên cuộc sống vốn phải nên như thế!

Thích Thanh Thắng

79297646_2435236513403644_5801542240325074944_n.jpg

78949007_2435236533403642_1517593214771527680_n.jpg

74214601_2435236556736973_228754261742190592_n.jpg

77164514_2435236576736971_8091509697498054656_n.jpg

79017397_2435236630070299_2029666703591342080_n.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.