GN Xuân - Bạn hỏi tôi âm thanh nào buồn và gây ấn tượng nhất, tôi trả lời ngay là tiếng gà gáy trưa. Bạn nghĩ xem, trong một buổi trưa hè, mọi người, mọi vật đều nghỉ ngơi, uể oải dưới nắng oi bức, trong không khí yên lặng bỗng nghe tiếng gà gáy nhừa nhựa kéo dài nhất là những âm thanh cuối. Nghe buồn não nuột.
Ngày còn bé, gia đình cư ngụ tại thị xã nhỏ bé, nhà lợp tranh, hầu hết nhà nào cũng có vườn nho nhỏ, có nuôi vài con gà vài con vịt. Buổi trưa mùa hè, dưới cái nắng chói chang, bọn gà vịt núp dưới bóng cây ngủ gà ngủ gật, có con thì rúc cái mỏ vào dưới cánh, có vài con vịt đứng một chân mà ngủ ngon lành. Bọn gà trống tuy chỉ vài ba con, nhưng đứng riêng rẽ, thỉnh thoảng gáy những âm thanh rời rạc buồn chán.
Tất cả hình ảnh và âm thanh mộc mạc đó lưu lại trong tôi, không thể phai mờ, mặc dù đã cách đây mấy chục năm và cách trở cả ngàn cây số với nơi ở thời thơ ấu. Tôi tự hào về điều rất đỗi giản dị đó, vì nó làm cho tâm hồn tôi thêm phong phú mặc dù khó có người đồng cảm trong thời đại bây giờ. Không đồng cảm cũng phải vì ở thành phố đầy người và khói bụi xe làm sao có chỗ cho gà sống thoải mái mà gáy trong buổi trưa thanh bình?
Ảnh minh họa
Trong một lần đi Hoa Kỳ, đến thăm nhà người bạn thời thơ ấu vốn cùng tâm cảm về tiếng gà gáy, nhìn ra vườn tôi thấy một đàn gà. Nhìn kỹ mới thấy mấy con gà trống, con nào cũng có đeo một cái vòng nơi cổ. Hỏi ra mới biết, những cái vòng ấy dùng để ngăn chặn tiếng gáy vì mấy ông hàng xóm người Mỹ dọa kêu cảnh sát nếu còn nghe tiếng “ồn ào” đó nữa. Ôi, nỗi khổ của con người sao mà lắm thế! Giữa những tiện nghi thèm nghe một tiếng gà gáy mà không được!
Có một dịp may khi tôi đi tham quan vùng sông nước miền Tây. Ban trưa trời nắng, thuyền du lịch nhẹ nhàng lướt sóng, bất chợt tôi nghe tiếng gà gáy từ trong xóm. Ôi, một tiếng gà của tuổi thơ cất lên rồi một loạt tiếng gáy tiếp theo lan theo dòng sông mà lan mãi. Tôi đứng trước mũi thuyền mà ngẩn ngơ…
Tiếng gà gáy trưa giản dị đó thì ra cũng hiện diện trong văn chương. Chế Lan Viên đưa vào ký ức của “Nhớ tuổi thơ”:
Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa
Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa...
Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!
Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!
Còn Huy Cận bày tỏ nỗi niềm trước một miền sông nước lạ:
Tới ngã ba sông, nước bốn bề
Nửa chiều, gà lạ gáy bên đê.
Và Lưu Trọng Lư thì nhớ về một thời dĩ vãng xa vắng:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Trong âm nhạc cũng không thiếu hình ảnh và âm thanh thân thuộc:
… mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn.
…
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Phải chăng do canh cánh bên lòng một tiếng gà gáy trưa mà nhạc sĩ Văn Cao đã thấm đẫm tình thương người, yêu người, yêu quê hương đất nước mà viết nên tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên”?
Bạn, có khi nào bạn nghĩ những điều giản dị, những âm thanh nhẹ nhàng, những hình ảnh mộc mạc, chân thật… đi theo ta suốt cuộc đời và làm phong phú tâm hồn ta?