Tiếng chuông chung một giấc mơ

Đại đức Thích Minh Hiền
Đại đức Thích Minh Hiền
Lần đầu có duyên được diện kiến với Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương, nhà sư đã hỏi ngay chúng tôi – những người làm báo  về việc chuẩn bị cho lễ đúc chuông, cũng như dặn dò chỉ bảo từng chi tiết để việc khởi lửa, rót đồng… được hanh thông.

Đang là mùa an cư kiết hạ của nhà Phật, nên đại đức ở hạ tại chùa Phù Lưu Tế, Mỹ Đức (Hà Nội). Tôi có cảm giác được hạnh ngộ với một vị đồng nghiệp đáng kính. Đại đức Thích Minh Hiền còn là Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Đúng là một nhà sư nhập thế, xuất xử nhuần nhị giữa Đạo và Đời.

Đại đức Thích Minh Hiền là vị cố vấn đặc biệt trong việc xây dựng đền thờ, tháp chuông và khí chuông tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Nhà sư có những chỉ dẫn, gợi ý rất lớn để đưa ra ý tưởng, thiết kế cũng như chủ trì những hoạt động Phật pháp trong buổi lễ đúc chuông sáng 11.7 tại xưởng đúc đồng truyền thống Hoa Mai.

Thưa Đại đức, phải chăng đây là lần đầu Đại đức khởi tâm tham gia vào việc đúc chuông với một tờ báo, như Lao Động?

- Đúng thế. Tôi nghĩ, Lao Động và tôi đều có duyên may. Mặc dù tôi có đóng góp, tham gia vào việc đúc chuông rất nhiều rồi, không chỉ ở các nhà chùa... Báo Lao Động mạnh về từ thiện, làm khỏe, cũng là một sợi chỉ đỏ để tập hợp, liên kết các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân làm công đức. Về việc này còn làm hơn nhà chùa ấy chứ...

Việc thiện của nhà chùa lớn lắm chứ ạ, đấy là chuyện về cõi tâm linh, về đời sống tâm hồn... Theo quan điểm Phật giáo thì quả chuông có ý nghĩa thế nào, thưa Đại đức?

- Chuông khởi nguồn từ Phật giáo mà ra. Tuy nhiên, giờ thì nhiều nghĩa trang, nhiều nơi đã đúc chuông.

Thưa Đại đức, ý nghĩa biểu trưng của chuông quan hệ đặc biệt mật thiết với sự cảm thụ âm thanh. Không chỉ là thính giác mà đối với nhiều tôn giáo, người ta còn tri giác được. Cảm thụ nó, có thể làm mất đi cảm nhận về giới hạn về thân phận nhất thời. Tiếng chuông như là sự giao tiếp, cầu nối giữa trời và đất. Nhưng ở nước ta, đặc biệt gắn bó với đời sống tâm hồn người Việt đúng là chuông chùa. "Đất vua (nhưng) chùa làng", vì thế nhà chùa và tiếng chuông có ý nghĩa thiêng liêng gần gũi với dân tình...

- Tôi cũng muốn nhấn mạnh về nước mình thôi. Chuông đúng là từ Phật giáo mà khởi nguồn. Thời Lý có "An Nam tứ đại khí" thì là của nhà chùa: "Chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm...". Ông tổ nghề đúc đồng, đúc chuông là ngài Minh Không, thờ ở Lý triều Quốc sư ngoài phố Lý Quốc Sư (Hà Nội) đấy.

Chuông của nhà thờ Thiên chúa giáo và nhà chùa rất khác nhau?

- Chuông của nhà thờ treo cao, nên phải nhỏ hơn. Chuông đánh ở 2 cạnh phía trong. Còn chuông chùa tạo núm, đánh ở phía ngoài bằng chày kình chứ không phải bằng vồ. Một số nhà chùa nay vẫn còn. Chày hình đầu con cá kình ngoài biển như câu thơ của cụ Chu Mạnh Trinh: "Vẳng bên tai một tiếng chày kình". Chuông chùa thường to, nặng, nên phải đặt thấp hơn chuông nhà thờ. Nhà chùa gọi chuông lớn là đại hồng chung. Trong chùa còn có loại chuông con nữa...

Có phải những quả chuông con được treo dưới mái tháp chùa là để cho nghe thấy âm thanh của Phật pháp. Chuông chùa loại nào cũng để trừ tà, thanh tẩy và đẩy lùi hoặc báo hiệu sự đến gần của những điều độc ác, xấu xa...?

- Theo Phật pháp, tiếng chuông gióng lên để thức tỉnh những ai còn mù mịt, đang trong cõi u minh. Nhà chùa có phép thỉnh chuông. Nguyên lý thỉnh chuông là nguyện cầu đem tiếng chuông thấu đáo đến khắp pháp giới để cứu những chúng sinh đang khổ nạn. Nghe được tiếng chuông này thì thoát khỏi cảnh khổ đau, lầm lạc. Có câu: "Nguyện cầu chung thanh siêu thoát/Thiết vi u ám tất giao phong". Thiết vi là cõi tù, nơi giam hãm, nghe tiếng chuông cũng như nghe được hai tiếng tự do...

Vâng, tiếng chuông không chỉ để "chuông nguyện hồn ai" như tên một cuốn tiểu thuyết của E.Hemingway. Chuông không chỉ là sự tri ân mà còn góp phần lưu giữ ký ức, lưu giữ thời gian của những kiếp người. Tiếng chuông còn để những người đã ra đi và những người còn ở lại trên trần thế này, để giao hoà, để gần gũi nhau hơn...

- Đúc chuông rất có ý nghĩa trong việc tri ân, báo ân đối với những người đã khuất, đặc biệt là các anh hùng, liệt sĩ đã xả thân, quên mình vì đất nước. Với mười cô gái TNXP hy sinh tại Đồng Lộc chẳng hạn, những người chưa lập gia đình, hy sinh khi còn rất trẻ, nhà chùa thường gọi là các bà cô, rất đỗi linh thiêng. Tiếng chuông còn giúp người đã mất và người đang còn ở trên cõi tạm này quy tụ lại với nhau. 

Đại đức có mong muốn gì thêm trong việc xây dựng khu tưởng niệm và lễ đúc chuông này?

- Tôi đã vào Hà Tĩnh cùng Tổng Biên tập Báo Lao Động. Công việc tiến hành rất mau mắn, hanh thông. Khu tưởng niệm có phong thủy rất tốt. Bài Minh chung do cụ Vũ Khiêu viết hay và xúc động. Chuông phải có minh. Người mất phải có tế, đó là văn bản cho đời sau.

                                                            ***

Đại đức Thích Minh Hiền bảo rằng, trước kia, khi mỗi làng làm chùa, đúc chuông khó lắm. Nhưng giờ do chất liệu sẵn hơn, công nghệ cao, phương tiện truyền thông rộng khắp, sự đóng góp có phần dễ hơn. Người xưa có câu: "Làm chùa, tô tượng, đúc chuông/Ba công đức ấy thập phương nên làm". Đúng là như thế, "thiện căn ở tại lòng ta", điều quan trọng là làm công việc này phải có tâm đức, lòng hướng thiện, sự khoan dung.

Chính vì thế mà Đại đức Thích Minh Hiền đã cầu nguyện cho Phật tổ gia hộ, các liệt nữ TNXP Đồng Lộc phù trì cho quả chuông này, bởi lẽ việc đúc chuông - dù có công nghệ cao cũng không dễ - chuông thủng, chuông điếc là điều "buồn nhất". Cũng như Đại đức Thích Minh Hiền và biết bao người, tôi tin rằng quả chuông (nặng khoảng 5 tấn) sẽ vang mãi, bởi chuông không chỉ đúc nên bằng kim loại mà điều cốt yếu là bởi những tấm lòng, sự nhân ái, yêu thương và hy vọng trong cuộc đời này.
 
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi từng viết: "Hoà chung nhập mộng thanh" (Tiếng chuông đi vào giấc mơ) - tất cả chúng ta đều có một giấc mơ rằng, cùng với những người đã xả thân vì độc lập tự do, vì chủ quyền của đất nước, vì hạnh phúc của mỗi người dân, những người đang sống cũng như các thế hệ mai sau phải hoà cùng một giấc mơ cao đẹp ấy để sống, để phấn đấu cho tương lai của đất nước, của dân tộc.

Mùa an cư kiết hạ, (ngày 18.5 (dư) Kỷ Sửu)\

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.