Tiếng chuông chùa vang vọng giữa trùng khơi

GN - Những ngày đầu tháng Năm, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác ra thăm quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc với muôn trùng sóng gió giữa biển khơi.


Trong những ngày ra thăm đảo, chúng tôi có ấn tượng nhiều với những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), luôn là nơi gắn bó của quân dân trên đảo. Trong đó, ngôi chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh là địa chỉ quen thuộc của cư dân ở quần đảo Trường Sa. Giữa bốn bề sóng biển, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn đủ thứ, thầy Thích Tâm Tánh và thầy Thích Nhuận Huyền vẫn sớm hôm kinh kệ, ngày ngày thỉnh tiếng chuông ngân...

Tiếng chuông vọng về từ đảo xa

Đảo Phan Vinh không phải là điểm đến đầu tiên trong hành trình đi thăm quần đảo Trường Sa của chúng tôi vào đầu tháng Năm vừa qua nhưng là hòn đảo để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Từ xa, khi mặt trời vừa le lói ra khỏi áng mây mù, tôi đã thấy một vệt nhỏ nhô lên khỏi đại dương xanh thẳm, mong manh như một vệt móng tay. Đó là đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa. 

ANH TT (3).jpg

Chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh - Ảnh: Thạch Thảo

Trước đây, đảo có tên là Hòn Sập. Đảo cách cảng Cam Ranh hơn 300 hải lý (gần 600km) về phía Đông, nơi đón mặt trời sớm hơn đất liền khoảng 30 phút. Tất cả các thành viên trong đoàn đều trầm trồ, ngạc nhiên bởi vẻ đẹp tinh khôi của hòn đảo này. Nổi bật trong không gian xanh ấy là mái ngói màu nâu trầm cùng với đầu đao cong vút như in lên nền trời xanh trong. Mái chùa ấy minh chứng cho sự trường tồn của đạo pháp nơi đầu sóng ngọn gió.

Vừa đặt chân lên đảo, tôi đã bắt gặp nụ cười từ bi của thầy trụ trì Thích Tâm Tánh. Từ đầu năm đến giờ, chúng tôi là đoàn khách đầu tiên đặt chân lên đảo. Mới bảy giờ sáng mà trên đảo đã nắng chang chang. Ai nấy mồ hôi ướt đầm đìa nhưng chẳng thấy ai nhăn nhó bởi lẽ những nụ cười, những câu hỏi thăm, động viên của thầy trụ trì cùng các chiến sĩ trên đảo đã làm chúng tôi tan biến đi bao mệt mỏi.

Chùa Vinh Phúc cách cầu cảng khoảng 200 mét, thời gian ở trên đảo không nhiều nên trên đường di chuyển, thầy đã tranh thủ kể cho chúng tôi nghe lịch sử ngôi chùa. “Trước đây, Vinh Phúc tự chỉ là một cái am nhỏ, nơi mà những ngư dân hay lui tới để thắp nhang, lễ Phật cầu cho những chuyến đi biển được bình yên. Tháng 9-2013, chùa được trùng tu, sửa chữa lại khang trang như ngày hôm nay”- thầy cho biết.

Cũng giống như 5 ngôi chùa khác trên quần đảo Trường Sa, Vinh Phúc tự được xây dựng theo phong cách truyền thống Việt, với số gian lẻ là một gian hai chái, hệ mái cong, có đầu đao, mặt tiền chùa hướng về thủ đô Hà Nội. Nằm giữa bốn bề là biển khơi nên toàn bộ số tượng thờ trong chùa được làm bằng đá để chống chọi với độ mặn của nước biển.

Mỗi pho tượng thờ ở đây mang một vẻ uy nghiêm nhưng cũng không kém phần mềm mại, uyển chuyển. Toàn bộ số tôn tượng này cũng như những hoa văn, liễn đối đều do đôi bàn tay của những người thợ Ninh Bình tạo tác, rồi vận chuyển ra đảo. Ngôi chùa giữa hải đảo xa xôi thể hiện nét đẹp bình dị nhưng thâm trầm, uy nghiêm bởi lối kiến trúc, trang trí không khác gì so với những ngôi chùa trong đất liền.

Đấy là về mặt kiến trúc, còn về việc thờ cúng cũng giống như bao nếp chùa Việt. Trong các thời khóa hàng ngày, hai thầy thay nhau tụng niệm để lúc nào trong chùa cũng ngân vang câu kinh, tiếng kệ, tiếp thêm sức mạnh từ niềm tín tâm, năng lượng từ bi cho cư dân trên quần đảo Trường Sa.

Sức sống ngoài đảo xa

Ở trên đảo mới được hơn một tiếng đồng hồ mà trong đoàn ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Khi được hỏi, ngày đầu thầy đặt chân đến đảo, thầy có suy nghĩ gì , thầy Tâm Tánh nói: “Tôi đi theo tàu tiếp tế nên gần một tháng mới ra tới đảo, bị say sóng nhưng khi nhìn thấy ngôi chùa Vinh Phúc tôi ngạc nhiên lắm, ngạc nhiên vì giữa muôn trùng sóng gió vẫn còn có một chốn tâm linh để con dân trên đảo nương náu”.

ANH TT (5).jpg

Lúc nào trong chùa cũng ngân vang câu kinh, tiếng kệ

Trong lời kể của thầy, tôi như nghe thấy cả sự nghẹn ngào. Rồi thầy dẫn chúng tôi ra khuôn viên chùa. Những cây cải xanh đang trổ hoa vàng rực dưới cái nắng sớm mai. “Hai huynh đệ chúng tôi tự trồng rau đấy, lát nữa tôi sẽ nhổ mang vào cho mấy chiến sĩ ăn chứ nhiều quá để trổ bông ăn không ngon”, thầy nói.

Nằm cách biệt với khu vực trồng rau là một khu vườn nho nhỏ với những cây hoa hướng dương, hoa mười giờ, hoa giấy, cây dương và được quý thầy trang trí bởi những con ốc biển rất đẹp. Thấy chúng tôi chụp ảnh với mấy bông hoa, từ trong liêu thầy Nhuận Huyền bước ra với nụ cười tươi, hồ hởi tiếp chuyện. Thầy cho biết vừa mới ươm thành công được 20 cây dương trong một thùng xốp.

“Sau 4 lần thất bại, lần này tôi đã ươm cây dương thành công. Những lần trước, tôi nghĩ cây dương sống trên cát nên lấy cát cho vào hộp, ngày nào cũng tưới nước nhưng không thấy hạt nảy mầm. Lần này, tôi ươm mầm bằng đất thế mà được”, thầy vừa nói vừa mang nước ra tưới. Tôi thấy thầy vui lắm. Trước đây, trên đảo chỉ trồng bàng vuông, cây tra chứ ít khi thấy người ta trồng dương. Vậy là trên đảo Phan Vinh sắp có thêm một loại cây nữa.

Những bông hoa mười giờ màu trắng thầy trồng trong vườn bắt đầu bung nở cũng là lúc đoàn chúng tôi phải chia tay quý thầy, chia tay đảo Phan Vinh.

Ở đây, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề nhưng hàng ngày người dân trên đảo vẫn nghe thấy tiếng chuông ngân vang. Giữa muôn trùng sóng gió, nghe một câu kinh cầu nguyện giúp cho hàng trăm ngư dân trên đảo thấy yên lòng. Vinh Phúc tự không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân trên quần đảo Trường Sa mà còn thể hiện đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi đầu sóng ngọn gió.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.