Tiến sĩ Việt và phương pháp dạy trẻ tự kỷ theo Phật giáo

Tùng Dương 14 tuổi ngồi trên xe đạp một bánh, một tay dắt bé Hà Chi dạy em cách giữ thăng bằng trên xe.

Vũ Tùng Dương ở Vĩnh Phúc, được chẩn đoán mắc tự kỷ từ năm 2 tuổi. "Ngôn ngữ của con là đập phá, la hét hoặc tự hành hung chính mình", chị Dương Thị Liễu - mẹ cháu cho biết. Hai vợ chồng thay nhau đưa con đi chữa trị ròng rã 10 năm mà không hiệu quả. Hiện tại, Tùng Dương 14 tuổi, vẫn chưa nói được. 

"Bố mẹ nào cũng mong muốn sinh con ra khỏe mạnh nhưng nhiều khi cuộc đời trớ trêu, chẳng ai nói trước điều gì", chị Dương nghẹn ngào. "Có những đứa trẻ sinh ra đã phải chấp nhận một sự khiếm khuyết nào đó". 

Hai vợ chồng đưa con đến Trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Anh Vũ Hùng Kiên xuống Hà Nội chạy xe ôm để có nhiều thời gian chăm lo cho con.

Trung tâm đang nuôi dưỡng hơn 60 trẻ tự kỷ đến từ khắp mọi nơi, tách biệt hoàn toàn khỏi gia đình và công nghệ. Cũng giống như Dương, những đứa trẻ ở đây rất đặc biệt. Có em chỉ thích chơi một mình, say mê một đồ vật; có nhiều em bộc lộ những năng khiếu mà người thường khó làm được như đàn, hát, biết đọc sớm, làm toán giỏi, ghi nhớ vật thể...

"Trẻ tự kỷ rất đặc biệt. Để trẻ tiến bộ và hòa nhập cần tiếp cận sớm và đúng cách", tiến sĩ Phan Quốc Việt, hiệu trưởng trung tâm, cho biết.

img-6587-2710-1553769487_jpg.jpg

Tùng Dương ngồi xe đạp một bánh đỡ Hà Chi cùng tập luyện. Ảnh: Thùy An

Đầu năm 2019, thầy Việt nảy ra ý tưởng đưa những em nhỏ có khả năng tập trung tốt và tự chăm sóc được cho bản thân tham gia một khóa tu tại ngôi chùa ở Vĩnh Phúc. Tùng Dương là một trong 10 bạn được chọn để trải nghiệm khóa học.

Mỗi ngày, Tùng Dương thức giấc vào 5g30, tự dọn dẹp giường ngủ và vệ sinh cá nhân rồi mới bắt đầu giờ học vận động.

Đầu tiên, các em được khởi động bằng những bài yoga cười để thanh lọc cơ thể, thoải mái tinh thần. Sau đó các em tập luyện đi xe đạp một bánh, đứng trên con lăn, tung bóng ngẫu hứng, đội chai trên đầu để rèn luyện sự tập trung, khéo léo. Các bé thường đi chân đất để đầu trần để tăng tiếp xúc tự nhiên.

Giờ nghỉ trưa, các em cùng ăn cơm tập thể ở nhà ăn và thay phiên nhau rửa bát. Mỗi ca hai bạn. Công việc hầu hết đơn giản và dễ làm. Những bài nhạc thiền nhẹ nhàng được bật 24/24 kể cả thời gian ăn, ngủ giúp các em nhỏ tịnh tâm và thư giãn.

Trong số những em tham gia khóa tu có bé Hà Chi 9 tuổi ở TP.HCM. Ngoài tự kỷ, Chi còn bị động kinh, mỗi ngày lên cơn co giật không dưới 10 lần khiến em không thể vận động được. Có thời gian, bé phải mặc đồ bảo hộ lao động để tập luyện cho an toàn. Do đó, ngoài thầy cô, Chi được các bạn hỗ trợ, nhiều nhất là Tùng Dương.

Với dáng người cao ráo và nhanh nhẹn, Tùng Dương được chọn để giúp Chi tập tễnh từ những vòng quay đầu tiên.  Chi dần làm quen với chiếc xe đạp một bánh. Em đạp dần từ một vòng lên hai, ba thậm chí bốn vòng tròn trên sân tập. 

"Dương có thể chưa hiểu mình đang làm gì, nhưng chỉ cần gọi tên là ngay lập tức chạy đến để giúp", cô giáo của em cho biết.

Kể từ ngày được rèn luyện tập thể, Chi, Dương và các bạn nhỏ cười nhiều hơn, hòa đồng hơn. 

dsc6624-jpg-1977-1553737490_jpg.jpg

Thầy Việt (trái) đồng hành cùng các em nhỏ, giúp các em nhanh hòa nhập. Ảnh: Thùy An 

Theo thầy Việt, phương pháp vận động đã được áp dụng sớm cho trẻ ngay từ ngày đầu đến trung tâm học. Chỉ sau 3 đến 6 tháng, các em đã thành thục bài tập. Có em được vinh danh kỷ lục gia, em thì quay lại làm giáo viên, huấn luyện viên cho những bạn tự kỷ khác.

"Nhìn các con tự tin thể hiện tài năng trước mọi người, chẳng ai nghĩ đó là những đứa trẻ tự kỷ nữa", thầy Việt chia sẻ. Do đó, thầy tiếp tục áp dụng phương pháp này cho các em kể cả khi lên chùa học.

Sau những bài tập vận động, các em được ứng dụng phương pháp trị liệu tâm lý, ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh... để tịnh tâm, giảm tăng động. Theo thầy Việt, đây là phương pháp khó bởi trẻ tự kỷ thường không tập trung. Khi thiền, nhiều trẻ không nhắm mắt, có bạn không thể ngồi yên. 

Do đó, khi dạy trẻ tự kỷ, các thầy cô giáo phải nhẹ nhàng khuyên bảo và hướng dẫn. "Không nên ép trẻ hòa nhập mà người dạy phải bước vào thế giới của chúng. Đây cũng là cách để chúng ta khám phá thêm khả năng sáng tạo của mình", thầy Việt khẳng định. 

Hành trình giúp trẻ tự kỷ tìm lại một cuộc sống bình thường rất gian nan nhưng đã có những tín hiệu, kết quả khả quan để hy vọng. "Trẻ tự kỷ không cô đơn", thầy Việt khẳng định. Ngoài bạn bè, trẻ tự kỷ còn có thầy cô giáo, gia đình và cộng đồng hết mực yêu thương.

dsc6702-jpg-6716-1553737490_jpg.jpg

Trẻ tự kỷ ngồi thiền thường không tập trung, song phải nhẹ nhàng và không được ép buộc. Ảnh: Thùy An

Sau khi tham gia khóa tu trải nghiệm, Dương may mắn hơn các bạn vì được về gần nhà. Nhờ đó, chị Liễu có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con. Anh Kiên cũng bỏ hẳn công việc xe ôm, trở về Vĩnh Phúc cùng vợ chăm sóc gia đình.

Nhìn về phía cậu con trai đang vui chơi cùng bạn bè, chị Liễu nói chỉ mong con trai tự chăm sóc được cho mình, đói thì tìm đồ ăn, khát thì tìm được nước uống, đã là mãn nguyện. 

"Tôi tin tình yêu và lòng nhân ái có thể chạm vào thế giới khác biệt của con, giúp con khôn lớn, dù phải mất nhiều thời gian hơn bạn bè", người mẹ chia sẻ. 

Thùy An
(VnExpress)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.