Đọc và tư duy những bài pháp như Tam pháp ấn, Tứ Thánh đế, Bát Chánh đạo, Ngũ uẩn và Tứ vô lượng tâm cùng với thiền tập là những thức ăn vô cùng quan trọng và quý giá trong đạo Phật. Trong nghi thức quá đường có bài kệ:
Nhược phạn thực thời
Đương nguyện chúng sanh,
Thiền duyệt vi thực
Pháp hỷ sung mãn.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng: “Mỗi hơi thở vào có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho thân và cho tâm. Mỗi hơi thở ra có thể mang lại sự buông bỏ, thảnh thơi, nhẹ nhàng”.
Thiền sinh Làng Mai cũng thường được hướng dẫn những câu thiền tập:
Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười.
Thở vào con thấy khỏe, thở ra con thấy nhẹ.
Thở vào con an trú trong giây phút hiện tại, thở ra con biết giây phút tuyệt vời.
Còn nói về thực tập, trong quyển sách, Thực phẩm cho tâm, ngài Ajahn Chah giảng:
“Khi tôi nói: ‘Hãy thực tập một cách đúng mức’ có nghĩa là chính bạn phải nỗ lực hết sức mình để tu tập. Nỗ lực hết sức không phải là hành thân xác bạn mà việc tu là ở trong tâm. Nếu bạn biết điều này, bạn sẽ biết thực tập. Bạn không cần học hết các pháp môn, chỉ dùng những phương pháp tiêu chuẩn để thực tập, quán chiếu lại nội tâm chính bạn”. Ngài còn dạy thực tập không có giới hạn. Chúng ta có thể thực tập trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi và hiểu rõ Phật pháp trong mọi thời và mọi hoàn cảnh.
8 năm qua, tôi có duyên được hướng dẫn rất nhiều tù nhân, cả nam và nữ. Thực tập thiền chánh niệm có thể giúp cho họ được sự bình tĩnh, trấn an được tâm của họ. Từ đó mà họ đạt được một phần nào hạnh phúc từ bên trong tâm.
Bang Califonia bị đóng lại (lockdown) từ ngày 15-3-2020 đến 15-6-2021, đa số tù nhân đều phải ở tại chỗ phòng giam của họ, trừ những người đi nấu ăn và dọn dẹp. Mỗi tuần họ chỉ ra ngoài trời được 1 tiếng. Có nhiều người mỗi 2 ngày chỉ được tắm 1 lần. Những người bị nhiễm Covid-19 thì bị nhốt riêng đến 2 tuần. Y tá chỉ đến lấy nhiệt độ mỗi ngày. Nếu nặng thì được chở đi nhà thương cấp cứu. Theo thống kê, trong tù có tới 49.467/99.000 tù nhân bị nhiễm và 230 người chết vì Covid-19.
Lúc đó, tôi viết thư giải thích về vô thường và hướng dẫn họ thực tập bằng cách đem chánh niệm tỉnh giác để đối diện với sợ hãi, lo âu, bất an, hốt hoảng v.v... Tôi khuyên họ cố gắng bình tĩnh và đừng phản ứng hay chống cự với những tư tưởng khởi lên trong tâm và môi trường bên ngoài cũng như những người xung quanh.
Họ viết thư lại và nói họ cố gắng thực hành và đạt được sự bình yên từ bên trong và bớt được sợ hãi và lo âu. Tuy nhiên, cũng có một ít người bị trầm cảm nhưng không đến nỗi trầm trọng.
Để chữa lành tinh thần, nuôi lớn đời sống an vui cho những người bị tổn thương do đại dịch, thứ nhất, mọi người nên hạn chế coi tivi cũng như đừng lên mạng tìm đọc những trang tin tức không thực (fake news) để không bị hoang mang và ảnh hưởng đến tâm lý của mình. Tuyệt đối không nên tin vào những ai đưa ra phương pháp phòng chống hay chữa bệnh Covid-19 nếu họ không phải là bác sĩ. Thêm nữa, mọi người nên cẩn thận hơn trong việc ăn uống để có được sức khỏe được tốt.
Thứ hai, sắp xếp thời gian biểu mỗi ngày phải làm gì. Nên dành chút thời gian tập thể thao ở nhà (yoga, tập khí công, thái cực), tốt nhất là thiền hành.
Quan trọng là đọc và tư duy về các đề tài như vô thường, Tứ đế, Bát Chánh đạo cũng như cảm thọ và cảm xúc, rồi nghe những bài pháp của chư tôn đức. Cố gắng thực tập chánh niệm trong mọi lúc, từng lời nói và từng động tác. Nếu ngồi thiền không được thì nên tụng kinh, niệm Phật hay bái sám.
Thực sự đây cũng là cơ hội cho chúng ta sống chậm lại, phát triển đời sống tâm linh và dành thời gian nhiều hơn cho người thân.