Thượng tọa Thích Huệ Minh (TP.HCM): "Cần nghiên cứu tính thực tiễn trong việc quản lý Tăng, Ni"

Thượng tọa Thích Huệ Minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Bình Chánh, TP.HCM
Thượng tọa Thích Huệ Minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Bình Chánh, TP.HCM
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thượng  tọa Thích Huệ Minh, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Bình Chánh đã có những góp ý xây dựng hướng đến Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX vào cuối tháng 11 tới đây.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, GHPGVN đã đạt được nhiều thành tựu trong các Phật sự quan trọng, tuy nhiên vẫn còn đó những trăn trở. Chẳng hạn như: Chư Tăng Ni ở ngoài nhà dân, hoặc mua đất cất những am thất chưa hợp thức hóa với Giáo hội, tạo ra một môi trường khá phức tạp; có những trường hợp tranh chấp đất đai giữa dân cư và nhà chùa, giữa tu sĩ và người đời; một vài chư Tăng Ni không ý thức, có những hành vi, cách sống thiếu chuẩn mực để tạo ra tiếng xấu ảnh hưởng đến Tăng đoàn.

Ngành Hướng dẫn Phật tử dù có nhiều hoạt động nổi bật, đem đến những hiệu ứng tích cực nhưng chỉ chú trọng đến những tổ chức hoạt động ở tầm vĩ mô, còn về cơ chế tổ chức từ cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó, khiến cho sự phát triển số lượng và trình độ hiểu biết Phật pháp trong Phật tử không đồng đều.

Qua những gì đã chia sẻ, tôi nghĩ rằng, về Tăng sự, nên hệ thống hóa quản lý Tăng sự từ các cơ sở địa phương thấp nhất, có cơ chế quản lý chặt chẽ và xét duyệt phẩm hạnh đạo đức của những người có nhu cầu xuất gia.

Giáo hội và cơ quan thẩm quyền nhà nước phải có sự thống nhất về phân định rõ ràng tài sản Giáo hội để vị trụ trì có trách nhiệm sử dụng tài sản một cách hợp pháp. Một tu sĩ, kể từ khi thọ Sa-di là đã trở thành người xuất gia, sẽ không còn liên hệ ràng buộc về bổn phận tình thân, nên tất cả những tài sản của vị đó, người thân (người đời) không được hưởng quyền thừa kế. Những bất động sản, hay tài sản mua sắm cho chùa, vị đó không được đem biếu cho, phân chia cho người thân.

Nên đơn giản thủ tục pháp lý cho những ngôi chùa, cũng như cho Tăng Ni. Chẳng hạn như không cần phải qua nhiều giai đoạn từ gia nhập Giáo hội, xin dựng bảng… mà có thể nhập làm một.

Hiện nay, còn nhiều chùa lâu năm vẫn chưa được công nhận đất tôn giáo, điều đó gây trở ngại nên chăng xem những ngôi chùa đã có từ mốc thời gian nhất định, nghiễm nhiên đất chùa thuộc đất tôn giáo, không cần phải qua thủ tục xin, cho nữa.

Về công tác Hướng dẫn Phật tử, theo tôi, cũng cần có những thay đổi và cập nhật để thích ứng với thời đại công nghệ thông tin như: hướng dẫn các chùa lập danh sách Quy y Tam bảo với đầy đủ thông tin cá nhân, số điện thoại (nếu có) của người xin quy y; mỗi tự viện có thể chia Phật tử thành các chúng để dễ quản lý sinh hoạt, liên lạc, chia sẻ thông tin và tài liệu học tập,... Điều này cần sự chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương cho các Ban Tri sự Phật giáo quận, huyện thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.