Thương nhau để làm gì?

GNO - Có bao giờ bạn hỏi một câu cắc cớ như thế với một người… nói thương mình chưa? Nếu có, thì họ trả lời thế nào?

Để… thương nhau chứ để làm gì? Người ta sẽ trả lời bằng một câu hỏi lửng lờ để mình thấy… vô duyên vì đã hỏi ngớ ngẩn. Gọi là ngớ ngẩn bởi lẽ ta không nên hỏi, bởi mình phải nhìn thấy câu trả lời ngay từ khi mình nhận ra tình thương, sự khác thường của người đó.

ap_20111123075137174_jpg.jpg

Đừng nhân danh tình thương để làm khổ nhau - Ảnh minh họa

Có một dạo, mình nghe ai đó nói, ta yêu nhau bởi ta… cần nhau. Và đương nhiên, đến lúc không cần nhau nữa thì sẽ xa, sẽ hổng còn yêu nhau nữa. Nghe cũng… phủ phàng, nhưng mục đích yêu thương của người ta là gì thì cũng chính vì mục đích ấy mà người ta “chấm hết hợp đồng” với mình. Có thể như đã nói là không còn cần nhau nữa hoặc không còn cần bất kỳ ai, một thứ gì nữa!

Đôi khi, có những người vẫn còn cần nhau nhưng mà vẫn xa nhau, bởi vì những cách ngăn, hoàn cảnh, nghịch cảnh hoặc bất kỳ nhân duyên nào đó đẩy những người còn cần nhau phải xa nhau. Và họ khổ. Khổ, dường như là “chiếc bóng” của hình hài thương yêu có điều kiện. Vì có điều kiện nên khi nó không thỏa mãn điều kiện nữa thì mình khổ, lẽ đương nhiên!

Thương nhau để làm gì? Để cho nhau hạnh phúc! Câu trả lời chung chung này cần sự chứng minh lâu dài. Thương và hạnh phúc là kết quả của nhau. Tình thương phải mang lại hạnh phúc. Nhờ có hạnh phúc của yêu thương mà người ta mới trân quý, giữ gìn, nâng niu.

Nâng niu, gìn giữ theo quan điểm của đạo Phật không phải là cột chặt, là chấp giữ mà là tùy thuận điều kiện, hoàn cảnh, nhân duyên sanh-diệt của đối tượng thương yêu và của tình thương ấy! 

Thương nhau để làm gì nữa? Để mình không bị chai sạn trước mọi đối tượng, bởi như nhạc sĩ họ Trịnh từng nói “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” đó. Thương nhau, lại trở về với cần nhau. Vì sự thôi thúc của sự gắn kết giữa người với người mà tình thương có mặt. Thương nên muốn bên nhau. Nên nếu không thương mà bên nhau, “có” nhau thì đau khổ lắm lắm. Bụt định dạng đó là một trong tám cái khổ của con người: oán tắng hội (gần người mình hổng ưa).

Thương nhau để tưới tẩm những hạt giống yêu thương ẩn tàng nơi mình. Nếu ai đó bỗng dưng một ngày không còn khả năng thương ai hết thì nguy lắm. Khô khan, héo mòn, có khác chi tượng đá đâu?

Vậy là mình phải thương nhau. “Nhau” ở đây không phải chỉ là chuyện hai người mà có thể là chuyện của mình với nhiều người, trong đó có người thân, bạn bè, và những người khác… Là người không thể sống mà không có tình thương. Định lý này trả lời cho câu hỏi: thương nhau để làm gì? Để… làm người chứ để làm chi?

Căn bản của con người là tình thương, nhưng phải thương có trí tuệ. Thương yêu của con người không phải chỉ là bản năng của động vật thông thường. Trí tuệ soi sáng cho tình thương mang lại hạnh phúc, nuôi dưỡng tình thương không vắng mặt và ngày càng cao thượng hơn.

Như là phải hiểu thì mới thương. Mệnh đề này có nghĩa là không thương một cách mù quáng. Muốn hiểu phải lắng nghe để biết đối tượng thương yêu, và cũng là để khơi mào tình thương đúng chỗ, quản lý cảm xúc để nó không lấn át mà sinh sự. Có rất nhiều người  “chỉ biết thương (yêu) thôi chẳng biết gì” nên cứ thế làm khổ người thương, khổ mình, rút hết năng lượng thương yêu trong mình và người. Đổ vỡ. Làm lại. Và đổ vỡ...

Đằng sau những thương yêu phải có hạnh phúc. Đó là điều kiện. Có nhiều người không đưa ra điều kiện, cũng là kết quả của tình thương là hạnh phúc nên đã thất bại trong tình yêu thương của mình. Và dần dần mất cả niềm tin vào tình thương yêu. Sự phung phí này là đáng thương hơn là đáng trách!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.