Thương người bất hạnh …

GN - Mãi đến đầu năm 2010, khi một số phòng ốc được xây dựng hoàn tất nhờ sự hỷ cúng của khách thập phương, mái ấm dưỡng lão, cô nhi của chùa Kim Bửu (ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) mới chính thức mở cửa…

Thực hành Bồ-tát đạo

Góp phần đắc lực trong việc an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, chùa là nơi Hội Người mù huyện mở lớp dạy chữ Braille cho người mù, hỗ trợ phòng ốc và bao ăn ở cho học viên trong suốt thời gian học. Sư cô trụ trì TN.Như Thành, Phó Trưởng ban Trị sự PG huyện Lấp Vò cho biết, trước khi xuất gia, sư cô là y tá.

DT.jpg

Sư cô Như Thành bên những bé bị bỏ rơi - Ảnh: Thanh Tuyền

Khi đã đi tu, sư cô nghiên cứu thêm Đông y, đọc kinh Địa Tạng, kinh Hiền ngu, Sư cô ước mong có đủ duyên để thực hành hạnh bố thí ba-la-mật... Và, Sư cô nhận rõ ngoài sự nỗ lực tu tập của bản thân, thì tay nghề, lòng từ bi còn là các duyên hội đủ để thực hành Bồ-tát đạo.

Từ 10 trường hợp người già neo đơn và trẻ mồ côi ban đầu, đến nay Mái ấm Kim Bửu đã cưu mang 29 cụ ông, cụ bà bệnh tật, mù lòa và 8 trẻ em nghèo, trẻ mồ côi bị bỏ rơi trước cổng chùa, có cả trường hợp côi cút bơ vơ khi mới lọt lòng mẹ tại các bệnh viện. Dù đêm hôm khuya khoắt, được tin báo là Sư cô sẵn sàng khăn gói ẵm về…

Chắt chiu lo ăn mặc, thuốc men cho “đại gia đình”, chùa tự túc làm 5,5 công ruộng. Phật sự và công việc từ thiện đa đoan, chùa cho Phật tử làm rồi đong lúa đủ ăn hàng tháng. Vừa lo sinh hoạt ăn uống, trị bệnh vừa lo phòng ốc để sẵn sàng đón nhận những cảnh đời, 28 phòng dưỡng lão ở chùa được Sư cô xây dựng rải rác nhiều khu vì không đủ tài chánh khởi công đồng loạt.

… Nơi đong đầy yêu thương

Trẻ con ở đây quấn quít gọi Sư cô là “Sư nội”. Một lần chứng kiến cảnh bà Võ Thị Tư, 82 tuổi, ngụ xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, bệnh già nằm một chỗ vui mừng khi gặp thầy mà chúng tôi không khỏi xúc động. Bà Tư trước đây là nghệ sĩ cải lương của đoàn hát Rạng Đông - Mỹ Lệ. Về già con cái không nuôi, người cháu đi làm thuê xa phải gởi bà nương nhờ cửa Phật.

 Mấy hôm Sư cô bận việc Phật sự, khi về tranh thủ vào phòng thăm bà. Bà nắm chặt tay Sư cô đớt đác: “Con nhớ sư quá! Cho con hun sư một cái. Sư còn tiền không? Cho con để con đưa nhũ mẫu mua bánh!” (Nhũ mẫu là người Sư cô thuê lo việc bếp núc nấu ăn cho các cụ - PV).

Ông Nguyễn Văn Hai, 65 tuổi, quê ở Bến Tre bị bệnh tai biến, tinh thần lãng đãng, chống gậy bỏ nhà đi lang thang. Sư cô tình cờ gặp ông khi đang cùng Phật tử hành hương ở Châu Đốc, An Giang. Lúc ấy, ông không nhớ quê mình ở đâu, chỉ cho biết ông sống nhờ ở… cái võng. Ban ngày đi xin tiền vào chùa cúng dường để xin cơm, đêm xuống đến đâu giăng võng dưới gốc cây ngủ ở đó. Hiện nay, nhờ Sư cô Như Thành mà cha con ông đều được chùa cưu mang, trú ngụ.

Gần 2 năm nay, chị Lê Thị Minh Phụng, 36 tuổi ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò đã sống ổn định ở chùa nhờ bà con lối xóm đưa vào. Chị Phụng mồ côi mẹ từ bé, cha chị đi bước nữa, không sống được cảnh mẹ ghẻ con chồng, buồn khổ, tủi thân chị định quyên sinh... Bà con lối xóm khuyên can và đưa chị vào Mái ấm Kim Bửu.

Khi chúng tôi hỏi những lúc “sức cùng lực kiệt” Sư cô có “phao” cứu sinh? Sư cô Như Thành chia sẻ : “Mình thay Phật lo cho chúng sinh đương nhiên Phật ủng hộ mình. Là con Phật phải theo lời Phật dạy: tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự. Phải thương người bất hạnh bằng tình thương của Phật”.

Với tinh thần đó, từng bước Sư cô đã nhận được sự trợ lực của người thân, huynh đệ và Phật tử. Đặc biệt, các cán bộ chiến sĩ công an huyện đã tự nguyện trích lương hàng tháng ủng hộ Mái ấm Kim Bửu chi phí mua sữa cho các trẻ mồ côi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.