Thực tập hạnh “không tà dâm”

GN - Mẹ tôi dù đã gần bước vào tuổi 70 vẫn luôn làm mới mình bằng cách tiếp cận với công nghệ - mỗi ngày mẹ đều cập nhật thời sự từ báo mạng. Sáng nào tôi và mẹ cũng cùng uống cà-phê, trà và chia sẻ thông tin, bàn luận vài chuyện mới diễn ra trên dòng tin tức báo đăng.

Anh 1.jpg

Dạo gần đây, nhiều vụ việc hiếp dâm, cưỡng hôn, dâm ô trẻ em… mà gần như ngày nào cũng có một vụ với tính chất càng ngày càng nguy hiểm, kẻ phạm tội có học thức, từng có vị trí trong xã hội.

Đọc xong, mẹ tôi bình luận: “Chuyện hãm hiếp, dâm ô thời nào cũng có nhưng khi nó rộ lên thành một hiện tượng phổ biến là khi đời sống con người bị biến chất, buông thả, thiếu đạo đức”. Theo mẹ, khi đó, pháp luật cần nghiêm minh để trấn áp và đạo đức học đường, gia đình cần được nâng cao, các lời dạy trong hệ thống tôn giáo cũng cần phát huy để con người có nền tảng ứng xử, biết phân biệt đúng sai và nhất là hiểu rõ nhân quả của việc mình làm mà chùn tay.

Rồi mẹ kể về sự việc trong làng mình ở thuộc xứ Thủ Đức hồi trước năm 1975, lúc đó còn là thiếu nữ mới lớn nên “biết chuyện đó rồi thì sợ dữ lắm”. Hồi đó loạn lạc, mẹ nhớ lại ở địa phương có vụ việc hiếp dâm chấn động nhưng rồi bị chìm xuồng sau đó. Nạn nhân là một thiếu nữ lớn hơn mẹ ít tuổi, hung thủ là nhiều người, và chị ấy bị sốc, dẫn tới điên loạn sau khi vụ việc xảy ra. “Tội lắm con à, bà ấy bị điên và cứ cởi đồ đi trong đêm tối vậy đó. Sau ít năm mẹ cùng ông bà ngoại dọn đi Bảy Hiền ở thì hay tin bà ấy tự vẫn chết”. Tôi lặng người sau câu chuyện cũ của mẹ.

Cách đây một tháng, ngay một chung cư cao cấp ở quận 4, TP.HCM, một vụ việc nổi cộm trong dư luận liên quan tới dâm ô trẻ em mà người thực hiện hành vi được công khai danh tánh là cán bộ về ngành luật, từng giữ chức Viện phó Viện Kiểm sát TP.Đà Nẵng đã nghỉ hưu. Sự việc đau lòng đã xảy ra chỉ khoảng một phút trong thang máy nhưng nó trở thành ngọn lửa bùng lên một cách tự nhiên trong lòng người vì ai ai cũng kinh tởm hành vi đó. Mọi người đau đớn khi nghĩ nạn nhân là con, em mình và cho rằng sự việc “may mắn” đã được camera ghi lại. Nhiều người trong đó có tôi tự đặt câu hỏi: còn bao vụ việc không được ghi hình từ những bàn tay gớm ghiếc ôm ấp đứa trẻ bằng cái đầu đen tối?

Đây là con số cho câu hỏi ấy: 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, đã xử lý hình sự 538 vụ với 579 đối tượng - được nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em tại hơn 600 điểm với sự tham gia của hơn 18.000 đại biểu các cấp do Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức ngày 6-8-2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì hội nghị. Con số đó từ báo cáo của Bộ Công an và được nhận định, tính chất vụ việc, bạo lực xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

Trong khi đó, thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.

Nhìn rộng ra, trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành trẻ em, độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Vấn nạn này có xu hướng gia tăng đối với trẻ em nam.

Tôi đọc những số liệu đó cho mẹ nghe và mẹ nhận định: “Người lớn bị hại còn không chịu nổi cú sốc như người bị nạn mẹ kể, phải tìm tới cái chết, bị đau đớn tinh thần thì huống hồ trẻ con. Những tên đó quá sức ác”.

Trong ý thức bảo hộ việc làm của mình, mỗi người ngoài sự giám sát, răn đe của luật pháp bằng những quy định cứng thì còn có nguyên tắc làm người chính là đạo đức, cần gìn giữ. Riêng với Phật giáo, người học Phật phát nguyện giữ gìn 5 giới cấm cũng là 5 nguyên tắc đạo đức, bao gồm: không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không nghiện ngập.

Trong đó, giới thứ ba (không tà dâm) còn được gọi là nguyên tắc “Tình thương đích thực” yêu cầu: “Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con nguyện thực tập theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và xã hội. Con biết tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau. Những liên hệ tình dục do sự thèm khát gây nên luôn mang tới những hệ lụy và đổ vỡ cho con và cho người khác. Con nguyện không ăn nằm với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức lâu dài. Con sẽ làm mọi cách để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con, để thấy được sự thật thân tâm nhất như và nguyện nuôi lớn các đức Từ, Bi, Hỷ và Xả (Tứ vô lượng tâm), tức là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực, làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con biết thực tập Tứ vô lượng tâm, con sẽ được tiếp tục đẹp đẽ và hạnh phúc trong tương lai”.

Lời phát nguyện nhận và giữ giới như thế được đọc tụng hàng tháng chính là một cách nhắc nhở tự thân không được thực hiện hành vi và cũng là kim chỉ nam cho hành động của một con người chân chính: “sẽ làm mọi cách để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa”. Một trong những cách làm ấy là không im lặng trước tội ác mà thống kê nêu rõ, cứ 8 tiếng có một nạn nhân bị hại. Im lặng là cách nuôi dưỡng cái ác và biết đâu, có một ngày con em chúng ta sẽ là nạn nhân?

 Lam Anh

Anh 2.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.