Từ ngày 12 đến 14-8-2024, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đến thăm và làm việc tại Cộng hòa Buryatia, Liên bang Nga. Trong chuyến đi, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng và đoàn đại biểu Việt Nam có buổi gặp và làm việc với Thủ hiến Cộng hòa Buryatia Alexey Tsydenov; tham dự Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 tại thành phố Ulan-Ude; chào thăm và làm việc với Đức Lama Damba Ayusheev, Chủ tịch Tăng đoàn Phật giáo truyền thống Nga.
Phái đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 |
Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 có chủ đề “Phật giáo truyền thống và thách thức của thời đại” với 2 ngày làm việc chính thức, các đại biểu tập trung bàn thảo toàn diện các vấn đề về phát triển Phật giáo. Tham dự Diễn đàn có hơn 600 đại biểu của Liên bang Nga và 15 nước được coi là những trung tâm Phật giáo của thế giới, trong đó có Việt Nam, Mông Cổ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nepal, Ấn Độ.
Phát biểu trong phiên khai mạc tại Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 này, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nêu rõ: các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, đồng thời là một nhân tố tích cực góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc.
“Đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn lần này với thông điệp xiển dương những giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo. Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo có những đóng góp quan trọng trong quá trình dựng nước giữ nước và phát triển đất nước. Những hình thức giáo dục của Phật giáo là nguồn lực để chúng ta huy động sức mạnh của toàn dân tộc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.”, Thứ trưởng Vũ Chiến thắng nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu với chủ đề “Truyền thống và giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định: Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ hơn hai nghìn năm trước, trở thành một tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam. Trong quá trình du nhập và phát triển, Phật giáo đã trở thành tôn giáo hòa bình, dung hợp với tín ngưỡng truyền thống của người Việt.
Theo đó, Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, đồng hành với dân tộc và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong lịch sử Việt Nam đã có thời kỳ Phật giáo là Quốc đạo. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là phái thiền tông đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển giáo lý ưu việt của Phật giáo với tinh thần nhập thế tích cực và Phật hạnh “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, do vị vua anh minh Trần Nhân Tông, sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, từ bỏ ngai vàng xuất gia đầu Phật sáng lập nên. Bên cạnh, truyền thống yêu nước, Phật giáo Việt Nam còn lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc...
Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã tích cực mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, là một thành viên chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đối ngoại nhân dân, là thành viên của các tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công 3 Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc với sự hiện diện của hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc ở Việt Nam; tạo hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết.
Trong khuôn chuyến công tác, ngày 13-8-2024, tại tu viện Ivolginsky, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đến chào thăm và làm việc với Đức Lama đời thứ 24 Damba Ayusheev, Chủ tịch Tăng đoàn Phật giáo truyền thống Nga, thành viên của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Liên tôn của Cộng đồng các quốc gia độc lập, Phó Chủ tịch Hội nghị Phật giáo châu Á vì Hòa bình.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng và phái đoàn Việt Nam với Đức Lama đời thứ 24 Damba Ayusheev, Chủ tịch Tăng đoàn Phật giáo truyền thống Nga |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, trong đó, Phật giáo đã xuất hiện ở Việt Nam được hơn 2.000 năm. Việt Nam hiện có khoảng 14 triệu tín đồ Phật giáo, hơn 50.000 ngôi chùa cơ sở thờ tự; xiển dương các xiển dương những giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo. Phật giáo luôn đồng hành và đã có những đóng góp quan trọng, là nguồn lực để huy động sức mạnh toàn dân tộc cho quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
Thứ trưởng khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do tôn giáo và bình đẳng giữa các tôn giáo của người dân, bao gồm công chức, cán bộ nhà nước; đảm bảo và tạo điều kiện tốt nhất để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng phát triển theo đường hướng của mình. Phật giáo Việt Nam ngày càng mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, là thành viên chủ động, tích cực của các tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới.
Về phần mình, Đức Lama Damba Ayusheev thể hiện sự trân trọng đối với những giá trị truyền thống của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng; bày tỏ sự khâm phục về bề dày lịch sử dựng nước, giữ nước, bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng phật tử Việt Nam; đánh giá tích cực về việc Việt Nam cử đoàn đại biểu cấp cao tham dự “Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần II”, từ đó, thể hiện chính sách tôn trọng, tạo điều kiện cho các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng của Việt Nam.
Đức Lama Damba Ayusheev với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đã đề nghị ngài Lama Damba Ayusheev tiếp tục quan tâm, tạo nhiều điều kiện hơn nữa cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng động phật tử người Việt tại Liên bang Nga; trân trọng mời ngài tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai vào năm 2025.
Tu viện Ivolgninsky lạc tại chân núi Khamar-Daban, gần ngôi làng Verkhnyaya Ivolga, cách thành phố Ulan Ude (thủ phủ của Cộng hòa Buryatia) khoảng 23km. Đây được xem là trung tâm văn hóa Phật giáo quan trọng nhất ở Nga; là cơ sở tâm linh không chỉ cho 3 triệu tín đồ Phật giáo ở Nga, mà cũng cho những người hành hương và du lịch khắp thế giới. Đây cũng là nơi lưu giữ nhục thân xá lợi (nhục thân bất hoại) của Đức Lama đời thứ 12 Dashi-Dorzho Itigilov. Nhiều nhà khoa học vẫn tìm hiểu nguyên nhân khiến nhục thân của ông trở nên bất hoại, và điều này cũng cuốn hút nhiều người đến đây chiêm bái. Những tín đồ Phật giáo ở Nga cũng tin rằng nhục thân của ông phát ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ có khả năng chữa lành bệnh.
Chiều ngày 14-8-2024, tại thành phố Ulan-Ude, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam có buổi gặp và làm việc với Thủ hiến Cộng hòa Buryatia Alexey Tsydenov.
Tại buổi làm việc Thủ hiến Cộng hòa Buryatia Alexey Tsydenov |
Tại buổi làm việc Thủ hiến Cộng hòa Buryatia Alexey Tsydenov thông báo với phía Việt Nam những kết quả của Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 và những mặt mạnh về kinh tế, văn hóa, du lịch của Cộng hòa Buryatia.
Về du lịch, Cộng hòa Buryatia tự hào có hồ Baikal là di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, là hồ sâu nhất và hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Về phần mình, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chúc mừng ông Alexey Tsydenov và phía bạn đã tổ chức thành công Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 tại thành phố Ulan-Ude, đạt được mục tiêu mà Diễn đàn đặt ra theo đúng chủ đề là “Phật giáo truyền thống và thách thức của thời đại”.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng trân trọng mời Đoàn đại biểu Buriatia tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai vào năm 2025.
Tại buổi làm việc, hai bên bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đồng thời, thể hiện sự quan tâm đến việc đào tạo chung nguồn nhân lực giữa hai nước trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, nông nghiệp và khoa học kỹ thuật. Hai bên nhất trí cho rằng, các quốc gia có truyền thống Phật giáo chiếm một nửa dân số thế giới và chiếm tỷ trọng hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu. Các nước châu Á - Thái Bình Dương đang không ngừng phát triển về mọi mặt, sự hợp tác của Buryatia với các nước này sẽ mang đến cho nước cộng hòa này những cơ hội phát triển mới.