Quý độc giả thân mến,
Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương chúng ta. Khác với những năm trước, mùa xuân này mở đầu một năm với sự kiện trọng đại: kỷ niệm kinh đô Thăng Long tròn 1.000 năm tuổi.
Nói đến kinh đô Thăng Long là nói đến một bước ngoặt rất lớn trong lịch sử đất nước và Phật giáo Việt Nam.
Hơn nghìn năm trước, sau một giai đoạn đấu tranh giành độc lập tự chủ đầy cam go với ngoại xâm, Phật giáo hiện hữu và thêm sức mạnh cho nội lực dân tộc. Các bước phát triển của dân tộc luôn đi cùng với sự phát triển của Phật giáo. Phật giáo và dân tộc đã hòa quyện với nhau như nước hòa với sữa, không thể tách rời. Việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long cách đây 1.000 năm đã mở ra một kỷ nguyên mới với những bước đi vững vàng trên con đường rộng lớn hơn, với tầm nhìn cao, xa hơn. Tầm nhìn ấy gắn liền với một nhân vật lịch sử là Vua Lý Thái Tổ, một người xuất thân được giáo dục trong chốn thiền môn, và với sự cố vấn của nhiều danh tăng Việt Nam thời bấy giờ, nổi bật hơn cả là Thiền sư Vạn Hạnh.
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ thể hiện qua các lễ hội, các hoạt động chào mừng, mà đúng nghĩa hơn cả là qua sự tìm về những giá trị văn hóa, giá trị tâm linh làm nên tầm nhìn thời bấy giờ, để chúng ta có được sự tự tin, vững vàng đi tiếp trên những ngả đường phát triển hôm nay, để phục hồi các giá trị đạo đức xã hội có chiều hướng ngày càng sa sút mà các phương tiện truyền thông đã phản ảnh, báo động.
Như Đức Phật đã dạy ẩn dụ qua hình ảnh gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa, và như lời vua Trần Nhân Tông, một vị minh quân đồng thời là thiền sư đời Trần đã nhắc lại, của báu không ở đâu xa, mà ở ngay trong mỗi chúng sinh, trong hành trang của mỗi người, trong gia tài văn hóa của dân tộc đã đúc kết với kinh nghiệm mấy ngàn năm.
Mong rằng giai phẩm Giác Ngộ và GNO Mừng Xuân Canh Dần - 2010 đem đến quý độc giả nhiều niềm vui tinh thần trong năm mới.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, Giác Ngộ & GNO kính gởi đến chư tôn đức giáo phẩm Tăng Ni, quý cộng tác viên, các đại lý phát hành và độc giả lời chúc hanh thông, thịnh vượng và an lạc.
Giác Ngộ