Thủ khoa Học viện chia sẻ trong ngày tốt nghiệp

GN - Học Phật không có điểm bắt đầu và kết thúc. Tốt nghiệp chỉ là những nấc thang để đánh dấu một cột mốc trên con đường tu học mà thôi.

Chính nấc thang nền tảng đó sẽ tạo tiền đề cho những bước đi vững chắc ở các cấp bậc cao hơn trên bước đường dấn thân làm đạo. Đó là những chia sẻ chung của các tân thủ khoa khóa X của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM tốt nghiệp ngày 17-9 vừa qua.

BTC (1).jpg


HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Viện trưởng Học viện trao bằng tới Tăng Ni sinh - Ảnh: BT

Phương pháp + lý tưởng = học tốt

6 Thay Thi Chau (trai).jpg

ĐĐ.Thích Thị Châu

Theo đó, chia sẻ với PV Giác Ngộ, ĐĐ.Thích Thị Châu, thủ khoa khoa Triết học Phật giáo cho biết, bản thân luôn nghiêm túc trong việc học, đồng thời có định hướng cho việc học của mình. Ngoài ra, “tôi thường xuyên đọc sách, tìm kiếm các nguồn tài liệu đáng tin cậy để bổ sung thêm kiến thức cho mình. Phương pháp học cũng rất quan trọng, nếu biết phương pháp sẽ giúp mình nắm bắt được cốt lõi vấn đề, hiểu và hứng thú hơn trong việc học”.

Đồng quan điểm đó, ĐĐ.Thích Nhuận Hội, thủ khoa khoa Phật giáo Việt Nam chia sẻ thêm rằng, người học cần đặt mục tiêu và có kế hoạch rõ ràng trong việc học tập. Theo thầy, nghiêm khắc với bản thân cũng là một trong những cách giúp mình học tốt hơn. Ngoài ra, việc có thời gian biểu cho việc học và tu cũng là điều quan trọng. Thầy Nhuận Hội nhấn mạnh, nhất là cần phải vững tin vào chính mình, tin vào lý tưởng của mình đã chọn, như vậy sẽ dễ dàng giúp bản thân vượt qua những trở ngại khó khăn.

6 Thay Thi Chau (trai), Thien Huy (phai).JPG

ĐĐ.Thích Thiện Huy

ĐĐ.Thích Thiện Huy, thủ khoa khoa Công tác xã hội thì gắn việc học với những trải nghiệm thực tế: “Hiện tại tôi đang ở tại một cơ sở có chăm sóc trẻ em mồ côi và người bệnh tâm thần nên những điều học tại giảng đường đều được đem áp dụng; tuy rằng hiệu quả chưa cao, nhưng ít ra cũng bớt lúng túng bất cập như trước”.

Hỏi ĐĐ.Thiện Huy về công tác từ thiện của Phật giáo hiện nay, thầy trải lòng, Phật giáo nên có quan niệm “cho cần câu hơn là cho con cá”. Nói với tư cách người trong cuộc, ĐĐ.Thích Thiện Huy bày tỏ: “Thực tế hiện nay, chúng ta làm rất nhiều, mỗi nhiệm kỳ hàng ngàn tỷ đồng, nhưng thực tế hiệu quả không tương xứng. Thiết nghĩ, nếu được, Giáo hội nên có những mô hình từ thiện như xây dựng trường học, nhà an dưỡng cho chư tôn đức Tăng Ni lớn tuổi, bệnh viện… Bên cạnh đó, những hội thảo, những đợt tập huấn về từ thiện nên khuyến khích Tăng Ni trẻ tham dự”.

Trong những gương mặt thủ khoa còn có các Sư cô. Như SC.Thích nữ Vạn Đức, thủ khoa khoa Hoằng pháp “bật mí” rằng, từng là người rất e dè và ngại khi phải đứng trước công chúng, tuy nhiên với mong muốn được thay đổi để trải nghiệm, để làm mới bản thân nên cô quyết định đăng ký vào khoa Hoằng pháp.

5 SC Thich nu Van Duc.jpg

SC.TN Vạn Đức

“Tôi đã nỗ lực hết mình để có thể vượt qua chính mình, tự mình cố gắng, vượt khó, khắc phục mọi chướng duyên, hoàn cảnh, môi trường... để hoàn thành chương trình tu học trong suốt 4 năm”. Theo Sư cô Vạn Đức, có lẽ sự liều lĩnh thay đổi bản thân, cộng thêm môi trường tu học chất lượng và sáng tạo của học viện đã tiếp thêm động lực giúp cô vượt qua chính mình.

SC.Trung Thiền, thủ khoa khoa Pali cũng là người nhút nhát, ngại giao tiếp và không tự tin trước đám đông. Khi chọn học ngành cổ ngữ Pali, Sư cô xem đó là cơ hội để quay về và nghiên cứu thêm những giáo điển Nguyên thủy.

Theo Sư cô Trung Thiền, với môn ngoại ngữ cần có niềm đam mê, sự tìm tòi và nghiên cứu cách sử dụng từ điển. Nói cảm nhận khi học Pali, cô cho biết, người học sẽ hiểu về kinh điển của Đức Phật một cách sâu sắc nhưng cũng vô cùng bình dị.

Khóa X Học viện, toàn tỉnh Sóc Trăng chỉ có SC.Thích nữ Trung Thiền đi học, nên được chư tôn đức Ni trong Phân ban Ni giới tỉnh tạo điều kiện ăn, ở suốt 4 năm, do vậy, cô càng nỗ lực và xem kết quả hôm nay là món quà dâng lên quý vị tôn trưởng.

3 SC Thich nu Nguyen Huy.png

SC.TN Nguyên Huy

Riêng SC.Thích nữ Nguyên Huy, thủ khoa khoa Anh văn Phật pháp chia sẻ, phía sau mọi thành tựu đều có rất nhiều gian nan và không đến trong phút chốc cũng như kiến thức không tự dưng mà có. Theo đó, Sư cô đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc học và nghiên cứu. “Ngoài thời gian học ở trường, tôi tự tìm tòi, học hỏi thêm từ sách, báo và những bài giảng của quý tôn đức. Tôi nghĩ, sự quyết tâm vươn lên là một trong những yếu tố chính để mình học tốt”, Sư cô Nguyên Huy khẳng định.

Thủ khoa khoa Lịch sử Phật giáo, SC.Nguyên Giác Hạnh nói, có được sự thành công này là nhờ sự gia hộ của Tam bảo, sự thương yêu của thầy tổ, của quý giáo thọ sư, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của gia đình và Phật tử xung quanh. Sư cô chia sẻ, khi bước chân vào học viện, cô học bằng tất cả lý tưởng và niềm tin của mình. “Cho nên, tôi nghĩ những khó khăn chính là động lực để có thêm sức mạnh giúp mình vững niềm tin hơn”.

Đường học, đường tu còn dài...

Không nói nhiều về kết quả đạt được, thầy Thị Châu khẳng định, học Phật là con đường dài lâu. “Cho nên, tôi nghĩ không nên bằng lòng với kiến thức mình có, mà cần phải học tập thêm”, thầy nói. Vì vậy, ĐĐ.Thích Thị Châu đã chọn con đường tiếp tục du học để có thêm kiến thức, qua đó tìm hiểu các hình thức sinh hoạt và văn hóa Phật giáo khác nhau. Sri Lanka là sự lựa chọn để thầy tiếp tục theo học các cấp cao hơn.

Thêm một thử thách cho bản thân là du học Mỹ dù biết không hề dễ dàng chút nào, nhưng SC.Nguyên Huy quyết tâm đi vì nghĩ rằng đó là môi trường tốt, giúp bản thân trau dồi ngôn ngữ, chạm tới mong muốn trở thành một giảng viên ngoại ngữ của mình trong tương lai.

2 SC Nguyen Giac Hanh.JPG
 
4 SC Thich nu Trung Thien.JPG

SC.TN Nguyên Giác Hạnh (trái) và SC.TN Trung Thiền

Còn SC.Nguyên Giác Hạnh cho biết đã chọn Ấn Độ là quốc gia để mình du học. “Tôi nghĩ về đây chính là về với quê hương của mình, nơi xuất phát của đạo Phật, càng củng cố thêm niềm tin về con đường mình đang đi. Không phải bây giờ tôi mới có dự định này, mà khi trở thành tu sĩ, tôi luôn tâm niệm sẽ đem hết sức mình cống hiến, để Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo nói chung được trường tồn và phát triển”, SC.Nguyên Giác Hạnh bày tỏ.

Nói với PV Giác Ngộ, Sư cô còn bày tỏ mong muốn Tăng Ni trẻ dấn thân vì Phật pháp, để Chánh pháp được lan xa và lan xa hơn nữa, không phải chỉ ở vùng đất này, mà còn nhiều vùng đất khác. “Nơi nào cần, Tăng Ni trẻ hãy bước chân tới”, đây cũng là phương châm trên bước đường tu của cô Nguyên Giác Hạnh.

Du học là mơ ước của thầy Thiện Huy, tuy nhiên, hiện thầy đang học cao học ở đại học ngoài và cũng vừa đậu cao học khóa II của học viện, nên Đại đức tân thủ khoa khoa Công tác xã hội sẽ tiếp tục việc học tại Việt Nam. Gác lại kế hoạch du học, tập trung vào lo cho cơ sở mình đang phụ quản lý và áp dụng những điều mình học được từ nhà trường vào thực tế để có nhiều kinh nghiệm, theo thầy Thiện Huy đó cũng là ứng dụng Phật pháp vào cuộc đời.

1 DD Thich Nhuan Hoi.jpg

ĐĐ.Thích Nhuận Hội

Hai thủ khoa Nhuận Hội và Trung Thiền vừa đậu thạc sĩ khóa II của học viện cũng vậy, sẽ tiếp tục theo học và nghiên cứu ở môi trường giáo dục trong nước. Trong quá trình đó, theo quý thầy, sư cô trẻ này, sẽ bổ sung thêm những kiến thức cần thiết, đặc biệt là ngoại ngữ để có thể du học ở các nước khác sau khi hoàn tất chương trình thạc sĩ tại Việt Nam. “Nếu có cơ hội, chúng tôi cũng sẵn sàng gác lại việc học cao hơn để phụng sự. Vì người tu lý tưởng phụng sự là chính, học là cách để mình chiêm nghiệm sâu hơn về giáo lý. Nếu được cọ xát thực thế, chúng tôi nghĩ đây là cách mình đem giáo lý vào cuộc đời. Từ đó, mình sẽ thẩm thấu nhiều hơn về những lời dạy của Đức Phật cũng như thấy được lợi ích từ lời dạy đó”, thầy Nhuận Hội và cô Trung Thiền bộc bạch.

Riêng SC.Vạn Đức thì chọn cách tu tập chuyên sâu. Cô chia sẻ, hoằng pháp là ngành đặc thù, cần trải nghiệm tâm linh sâu sắc nên sẽ trở về chùa của thầy tổ để có thể tu dưỡng thêm...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.