Thứ Hai xanh

GN - Thứ Hai xanh có phải là ngày thứ Hai mà một đoàn thể, một cộng đồng dân cư hay một địa phương tiến hành chiến dịch trồng cây, dọn rác, khơi thông cống rãnh... để trả về thiên nhiên màu xanh tươi đẹp?

Ý nghĩa gần như vậy, nhưng trong bài này, công việc không phải lao động chân tay mà là... ăn: Ăn xanh! Việc này có ý nghĩa sâu xa hơn, liên quan đến đạo đức, truyền thống, tập quán và sở thích của cá nhân và xã hội, cũng như sự tồn tại của hành tinh của chúng ta.

Vì nhiều lý do khác nhau, trên thế giới, nhất là tại các nước phát triển, chuyện ăn chay đã trở nên phổ biến và càng ngày những nhà trí thức, tôn giáo, khoa học, văn nghệ sĩ và truyền thông càng vận động nồng nhiệt cho ăn chay.

thu2xanh.jpg

Tại Pháp, từ đầu tháng 1-2019, một diễn đàn hô hào ăn chay vào mỗi thứ Hai đã được công bố. Một “Thứ Hai xanh”, không thịt, không cá. Đây là sáng kiến của hai nhà nghiên cứu: Laurent Bègue, giáo sư tâm lý học xã hội và Nicolas Treich, Giám đốc nghiên cứu tại Học viện Quốc gia nghiên cứu nông nghiệp.

Sáng kiến này được hưởng ứng và tiếp sức bởi khoảng 500 nhân vật, trong đó có nhiều người nổi tiếng, trên một diễn đàn được công bố trên báo Le Monde từ đầu tháng Giêng vừa qua, như nữ diễn viên điện ảnh - ca sĩ Isabelle Adjani, nhà hoạt động vì môi trường, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Yann Arthus-Bertrand, nữ diễn viên điện ảnh Cécile de France, nghệ sĩ trình diễn Juliette Binoche… và tất nhiên có nhà sư Matthieu Ricard.

Mục đích? Gây cảm xúc cho mọi công dân để hạn chế tiêu thụ thịt, vì hành tinh này, vì sức khỏe con người và tôn trọng đời sống động vật. Vậy thì, nên có hành động gì? Trang mạng lundi-vert.fr của diễn đàn đã đặt câu hỏi như thế, và đây là câu slogan nổi bật: En 2019, chaque Lundi, Je remplace la viande et le poisson! (Năm 2019, mỗi thứ Hai, tôi thay thế thịt và cá!).

Để thông điệp có tính thuyết phục và đưa nhanh vào thực tiễn, diễn đàn Thứ Hai xanh trình bày công thức chế biến 20 món ăn chay ngon, hấp dẫn. Đây này, món spaghetti với rau theo kiểu xứ Bologne, hamburger hay bánh mì vòng chay, bánh kem mứt với trái bí potimarron, bánh kẹp với cháo hạt dẻ, xà-lách theo mùa, những thức ăn chay và cơm Ý.

Chúng ta hãy cùng chia sẻ thông điệp của Diễn đàn Thứ Hai xanh.

“Ngày nay có những lý do cấp bách để mọi người cùng nhau giảm tiêu thụ thịt động vật trên nước Pháp. Chúng tôi nghĩ rằng, mỗi người có thể tiến một bước đầy ý nghĩa theo chiều hướng đó vì những lý do sau đây: bảo vệ hành tinh, bảo vệ sức khỏe con người, tôn trọng đời sống động vật. Chúng tôi khởi sự với tư cách cá nhân để thay thế thịt và cá vào mỗi thứ Hai (hay đi xa hơn). Sau đây là những chứng cớ để chúng tôi quyết định.

Sản xuất thịt là một trong những hoạt động của con người gây hậu quả tệ hại cho môi trường. Hoạt động này tạo ra lãng phí khi khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc, để sản xuất một calorie thịt thì cần dùng 4 đến 11 calories thực vật.

Con người hãy tự nuôi sống mình với thực vật tốt hơn là nuôi động vật với thức ăn thực vật rồi tiếp sau đó ăn thịt động vật, được như thế là chúng ta chuộc về từ 2 đến 20 lần proteines cho mỗi hecta canh tác, từ đó có câu trả lời hợp lý cho những thách thức lương thực trên hành tinh trong bối cảnh dân số gia tăng. Chăn nuôi cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến tàn phá rừng và làm mất đa dạng sinh học. Chẳng hạn, 85% diện tích rừng Nam Mỹ bị phá để phục vụ chăn nuôi.

Hơn nữa, theo Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc, chăn nuôi góp 14,5% trong lượng phát thải khí nhà kính. Hoàn toàn có thể xem xét ý kiến phát biểu của Giám đốc Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu: “Một ngày không thịt có thể giúp chiến đấu chống lại sự biến đổi khí hậu”.

Cuối cùng, ngành chăn nuôi tiêu thụ một lượng lớn nước uống được. Lượng nước tốn cho  thịt bò trên mỗi calorie khoảng chừng 20 lần cao hơn lượng nước tốn cho ngũ cốc hay lương thực có bột. Chăn nuôi cũng góp phần làm ô nhiễm không khí. Chẳng hạn, ở Pháp, chừng 70% lượng phát thải khí ammoniac, một trong những tiền thân chính của những hạt siêu mịn PM2.5 (hạt trong khí quyển có đường kính nhỏ hơn 2.5 micromètre, tức khoảng 3% đường kính của tóc con người), là xuất phát từ chăn nuôi. Những thiệt hại về môi trường của việc tiêu thụ thịt động vật cũng được ghi nhận ở biển, nơi đó ngành đánh cá tận diệt của cải đại dương là một nguyên nhân khổng lồ về tàn phá hệ sinh thái và hủy diệt môi trường.

Sức khỏe con người là lý do khách quan thứ hai để giới hạn tiêu thụ thịt động vật. Mối lợi mà con người đã phát triển lượng thịt ngày nay không trưng ra được những lợi ích như những thời kỳ khác về sự tiến hóa của con người. Theo các giới chức khoa học, thịt nhất định không cần thiết cho sự cân bằng thức ăn: trong những nước phát triển, thịt có thể được thay thế bởi thực vật, và nguồn này cung cấp proteine và tố chất đồng hóa trực tiếp mà cơ thể có thể hấp thụ. Ăn ít thịt là có lợi cho sức khỏe bằng cách góp phần làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì.

*

Xin chúc mừng những người chủ trương ăn vì lợi ích của chính mình, của mọi người, của muôn loài và của hành tinh này. Cũng là một tháng 4 ngày, tứ trai, như nhiều Phật tử nước ta!

 Cao Huy Hóa

....................

Tham khảo: Anne-Laure Mignon, "Lundi vert": vingt recettes végétariennes savoureuses pour s'y mettre, Le Figaro.fr, 20-1-2019; lundi-vert.fr.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.