Thư gửi bạn mùa dịch

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GN - Đức Dalai Lama từng kể: “Ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã nói rằng kẻ thù của chúng ta có thể cũng chính là người thầy tốt nhất của ta, bởi vì không ai khác có thể cho chúng ta cơ hội như thế để thực hành đức tính kiên nhẫn của mình”. Và đại dịch có thể coi là một nghịch cảnh để chúng ta thực hành điều đó vậy.

Bạn thân mến,

Nhận email bạn gửi mấy ngày mà đến hôm nay mới có chút thời gian hồi đáp. Bạn kể tại nơi bạn ở, tình trạng hiện nay đã bớt căng thẳng, dù Chicago và tính cả trên toàn nước Mỹ đã có gần 600 nghìn người chết và hơn 33 triệu ca nhiễm vì đại dịch Covid-19. Một phần do số người chích vắc-xin đã lên tới gần 60% và chính phủ đang dùng mọi biện pháp để khuyến khích họ chích ngừa: từ uống bia miễn phí, giữ con cho bố mẹ đi tiêm ngừa cho đến xổ số trúng thưởng...

Ở Việt Nam, tình hình căng thẳng thêm khoảng vài tuần nay do số người nhiễm trong cộng đồng đang tăng. TP.HCM, rủi thay, cũng là một điểm nóng với khoảng hơn 40 chỗ phải cách ly, có nơi như Gò Vấp phải phong tỏa toàn quận và cả thành phố cũng thực hiện giãn cách từ 30-5 đến nay. Nhưng so với các nước Đông Nam Á và trên thế giới, Việt Nam vẫn là quốc gia tương đối an toàn xét về mọi phương diện... Bạn hỏi về tâm trạng con người ở đây ư? Không đến nỗi ngổn ngang nhưng con người ở đâu cũng thế, cũng có những xúc cảm tự nhiên. Nhà văn Trương Văn Dân trong một mail gửi cho tôi khi viết về Milan, nơi anh đang ở, có đoạn “Lòng tôi nhói đau khi nghe xe cứu thương hụ còi trong thị trấn buồn hiu, hay trĩu buồn trong những buổi chiều nghe tiếng chuông nhà thờ từ phía sau nhà vọng lại, âm thanh rạc rời, chậm rãi như lời nguyện tiễn hồn về cõi vô cùng. Có ai đó đã nói: ‘Khi một người già mất đi thì giống như một thư viện bị đốt cháy’. Thế thì một phần ký ức của nước Ý đang bị biến thành tro bụi”.

Sức khỏe tâm thần đang bị ảnh hưởng

Trong khi đại dịch tấn công vào thể chất một số người có thể ước tính được thì đại dịch theo một số nhà tâm lý cũng tấn công tâm thần một số lượng người nhiều hơn. Chúng ta biết rằng đại dịch đã làm nhiều người bị mất việc. Ở Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, con số này vào khoảng 30 triệu. Do hàng loạt công ty giải thể hay tuyên bố phá sản, nhiều gia đình bị chia cách và mất mát, trường học phải đóng cửa một thời gian, sự tương tác với xã hội của cá nhân bị thu hẹp, nỗi lo sợ nhiễm bệnh và một tương lai bất định gây ra những sang chấn tâm lý ngay cả những người có thể chất khỏe mạnh.

Hiện nay nhu cầu được hỗ trợ về tâm lý rất cao. Theo ghi nhận của một bài báo gần đây, số bệnh nhân tới khám và tư vấn do rối loạn tâm thần tại Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) tăng gấp đôi so với lúc chưa xảy ra đại dịch. Còn theo kết quả đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch với trẻ em và gia đình tại Việt Nam do UNICEF thực hiện, trẻ em ở độ tuổi tiểu học trở lên có xu hướng đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe tâm thần. Một số thanh thiếu niên cảm thấy lo lắng mỗi khi có thông tin về những ca mắc mới trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt trẻ em sống trong các khu vực bị phong tỏa hoặc khu cách ly tập trung. Một bà mẹ cho biết khi một ca mắc mới được phát hiện, con trai cô đã rất lo lắng và không ngủ yên giấc.

Bạn thì sao? Bạn đang làm gì để vượt ra ngoài nỗi lo sợ hay tình trạng ù lì tâm lý do “giãn cách “xã hội” (social distancing)? Đã có người bạn của tôi, một bác sĩ nổi tiếng, khuyên nên duy trì nếp sống độc cư, kham nhẫn, thực hành thiền định, điều này có “cao siêu” quá không bạn? Làm sao để dễ thực hiện điều đó?

Chúng ta làm được gì?

Độc cư

Bạn phải tập cách sống một mình, nếu như không thể gặp bè bạn hay con cái ở xa. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, khi nói về độc cư nhắc đến nguyên tắc tối thượng của việc này trong kinh Người biết sống một mình là “…sống với cái tâm tĩnh lặng, trong sáng, không bị ‘trôi lăn’ (cuốn) vào dĩ vãng hay tương lai bởi ‘dĩ vãng đã qua rồi/ tương lai thì chưa tới’”. Người độc cư an nhiên tự tại “ở đây và bây giờ”. Nghĩa là tâm không dính mắc quá khứ hay băn khoăn tương lai.

Chúng ta hiểu rằng đạo Phật chủ trương “tự thắp đuốc lên mà đi”. Muốn như thế, hãy quán chiếu lòng mình vì phải “… sát khuẩn tự tâm cho thanh tịnh”. Phương tiện sát khuẩn tâm phải chăng là chánh niệm như nhà tâm lý trị liệu Mark Epstein nói: “… việc ứng dụng thực hành chánh niệm hiện nay trong phục vụ trị liệu tâm lý mang giá trị thực tiễn cao và là sự phát triển sáng suốt. Chính chánh niệm, được xem là một kỹ thuật trị liệu tâm lý có hiệu năng cao, đã bị bỏ lỡ, một điểm quan trọng được thiết kế để dạy cho mọi người biết tuân thủ về sự tồn tại của kiếp sống đã được Đức Phật ứng dụng và trở thành phương tiện quan trọng nhằm giúp chúng ta vượt qua mọi đau khổ trong đời sống”.

Kham nhẫn

Nhẫn lực chính là sức kham nhẫn trước mọi điều không như ý. Chúng ta thử hình dung một người tìm đạo như Đức Phật hơn hai nghìn năm trước, trong rừng sâu, phải đối diện với thú dữ, ma quỷ, rừng thiêng nước độc… Nếu không kham nhẫn thì Ngài không thể vượt qua các chướng ngại. Đỉnh cao của kham nhẫn chính là sẵn sàng hy sinh thân mạng cho mục đích cao cả của mình. Chúng ta hôm nay có nhiều điều kiện tiện nghi hơn nhiều, chưa kể kết nối qua internet và những phương tiện tinh vi khác, chúng ta lại càng không có lý do rút lui hay đầu hàng trước khó khăn. Đức Dalai Lama từng kể: “Ngài Tịch Thiên đã nói rằng, kẻ thù của chúng ta có thể cũng chính là người thầy tốt nhất của ta, bởi vì không ai khác có thể cho chúng ta cơ hội như thế để thực hành đức tính kiên nhẫn của mình”.

Đại dịch có thể coi là một nghịch cảnh để chúng ta thực hành vậy.

Thiền định

Nói thiền định thì bạn thấy có vẻ “cao siêu” nhưng thật ra là sức tập trung tư duy, còn gọi là tư duy lực, tức năng lực tư duy của thiền quán. Ở mức độ tối cao là năng lực thiền quán vô ngã, loại trừ mười kiết sử để lần lượt chứng đắc bốn Thánh quả và đạt Niết-bàn tối hậu. Nhưng ở đây chúng ta chỉ cần dừng ở mức độ sơ tâm là tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn, chế ngự cảm xúc và kiểm soát hoạt động của tâm thức chúng ta, nói một cách cụ thể hơn là “giữ gìn vệ sinh về tinh thần”.

Kết nối truyền thông mùa đại dịch

Có ai đó nói tỷ lệ ly hôn sau đại dịch tăng lên vì vợ chồng ở nhà nhiều quá lại gặp lúc kinh tế khó khăn dễ sinh cãi vã, nhất là khi người phụ nữ phải làm lượng công việc gấp đôi đàn ông trong khi giãn cách. Chúng ta sinh ra đời là sống cùng/ sống với một cộng đồng, thế nên nhu cầu giao tiếp, truyền thông là bắt buộc. Để kết nối với nhau tốt nhất không gì bằng lắng nghe và ái ngữ.

Hơn bao giờ, lời Phật dạy về ái ngữ rất cần thiết trong lúc này. Ái ngữ, hay từ hòa trong lời nói (metta-vācī kamma) là một trong số các nguyên tắc tạo ra sự hòa hợp nhóm, gia đình hay cộng đồng. Trong khi đó, chánh ngữ (sammā-vācī) lại là một chi phần trong Bát Thánh đạo, con đường dẫn đến chấm dứt mọi khổ đau trên thế gian này. Ái ngữ là cách nói chạm vào trái tim của người nghe. Chúng ta nói làm sao mà người nghe cảm thấy ấm áp, chấp nhận, và ghi nhận sự tôn trọng.

Trong hoàn cảnh cách ly, chúng ta có nhiều thời gian và điều kiện gần các thành viên khác trong gia đình, cần phải tránh cảnh “ngồi không, bươi móc chuyện cũ” ra để gây hấn hay làm khổ nhau. Điều này đã xảy ra như một nghịch lý khi tỷ lệ ly hôn gia tăng sau giãn cách thay vì mọi thứ làm họ gần nhau hơn, nhất là khi kinh tế khó khăn ai cũng bị ức chế tâm lý, đưa đến bất hòa do sự thất bại trong đời sống vì nói không “đúng thời”, “không đem lại lợi ích…”. Cuộc sống càng khó khăn, chúng ta dễ cáu kỉnh, bực bội, mất khả năng nói chuyện từ tốn dịu dàng. Không có khả năng tạo dựng yêu thương qua lời nói và việc lắng nghe, chúng ta không thể tạo nên sự hòa hợp, và xa hơn là hạnh phúc.

Bạn thân mến, tôi nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết “còn cuộc đời ta cứ vui”. Tôi kết thúc bức thư này bằng niềm tin rằng đại dịch sẽ đi qua, và tình người sẽ còn ở lại mãi. Chúc bạn luôn an bình và mong bạn vững tin rằng tình người vẫn còn đó dù có lúc nhạt nhòa. Tôi tin, ngày mai mọi chuyện sẽ tốt lên nếu hôm nay chúng ta ứng xử với nhau bằng tất cả tấm lòng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.