Thử giải mã hành vi bạo lực

GNO - Dù với lý do gì, bạo lực cũng là hành vi khó có thể chấp nhận, vì nó gây thương tổn đến thể xác, tinh thần người khác và làm mất tư cách, đạo đức của chính người có hành vi bạo lực, ảnh hưởng đến an ổn cộng đồng, xã hội.

clip danhphunu.jpg


Dư luận chưa nguôi việc đánh phụ nữ ở sân bay Nội Bài thì vụ đánh nhân viên nữ
của một trạm xăng dầu ở Nghệ An tiếp tục làm mọi người khó chịu - Ảnh: TTO

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hành vi bạo lực. Không phải mọi trường hợp bạo lực đều có cùng một nguyên nhân. Tuy nhiên có thể thấy ba nguyên nhân phổ biến là:

- Muốn khủng bố, hành hung kẻ khác để chứng tỏ sức mạnh, bản lãnh.

- Muốn tác oai, thị uy, dằn mặt để hiếp đáp kẻ khác, tranh giành, cướp đoạt, chiếm ưu thế về mình.

- Vì tự vệ, tự bảo vệ bản thân (an toàn sức khỏe, tính mạng), bảo vệ quyền lợi. Hoặc phản ứng bằng bạo lực vì bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Có những trường hợp bạo lực là phản ứng nhất thời, nhưng có những trường hợp bạo lực là thói quen.

Tuy nhiên suy cho cùng, người có hành vi bạo lực không chỉ là tác nhân gây khổ đau cho kẻ khác, mà họ là nạn nhân chính của bạo lực, của lòng sân hận, giận dữ và của nỗi khổ niềm đau trong hiện tại và cả tương lai.

Về cơ bản thì lòng sân và hành vi bạo lực xuất phát từ chính con người, vì thế nó phải do con người chuyển hoá, dập tắt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng, tác động từ các yếu tố bên ngoài, từ các cá nhân khác hay gia đình, xã hội.

Con người sống trong thế giới duyên sinh, vì thế mọi hiện tượng, mọi sự vật sự việc đều hiện khởi, vận hành trong các mối tương quan duyên sinh-nhân quả. Một mầm mống bạo lực nhỏ trong tâm ý nếu không được chuyển hóa, không được ngăn chặn, trái lại còn được vun bồi, nuôi dưỡng, tưới tẩm làm cho nó phát triển thêm hơn thì sớm muộn gì nó cũng trở thành hành vi, thái độ sống rõ rệt và tác động, ảnh hưởng đến những người xung quanh, đến cộng đồng xã hội.

Cụ thể là nếu gia đình, nhà trường, xã hội cứ gieo vào nhận thức, tâm tư tình cảm con em mình sự bất mãn, thiếu niềm tin yêu người lớn (ông bà, cha mẹ, thầy cô...), sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp (đạo đức, tình người, công bằng, lẽ phải...); gia đình không còn là mái ấm, là chỗ dựa, nhà trường không còn là môi trường giáo dục tốt, người lớn không còn là tấm gương, pháp luật không bảo hộ được sự bình an, yên ổn, không đem lại công bằng, lẽ phải cho con người… thì khi đó không chỉ là độ tuổi thanh thiếu niện mà ngay cả người lớn cũng sẽ rơi vào tâm lý bất cần đời, sống không mục đích, lý tưởng.

Khi đó con người sẽ có nhận thức, suy nghĩ lệch lạc và dẫn tới thái độ sống sai lầm, đồng thời - sẵn sàng làm bất cứ việc gì thậm chí gieo đau khổ cho người khác (quan niệm mạnh để sinh tồn, lẽ phải thuộc về kẻ mạnh, người không vì mình thì trời tru đất diệt, làm ác cũng chết mà làm thiện cũng không sống đời v.v..). 

Vì thế cho nên, muốn mỗi con người có nhận thức đúng, có quan niệm sống tích cực, có hành vi chân chính, thiện lành thì cần phải nuôi dưỡng, giáo dục cho tốt từ khi họ có mặt trên cuộc đời này, xây dựng môi trường xã hội thật tốt cho họ sống trong đó, chứ không phải cứ bảo họ phải như thế này, thế khác còn ông bà cha mẹ, những người xung quanh họ, nhà trường, xã hội cứ mặc tình như thế nào cũng được. 

Trong Phật giáo có hai khái niệm về Nghiệp, đó là Biệt nghiệpCộng nghiệp. Biệt nghiệp là những gì thuộc về cá nhân, của riêng mỗi con người, còn Cộng nghiệp là những gì tương đồng và ảnh hưởng qua lại với người trong gia đình, trong tập thể, cộng đồng, xã hội.  Nghiệp hay nói cụ thể là Biệt nghiệp và Cộng nghiệp là những gì mà chúng ta cần phải quan tâm.

>> Xem thêm: Bạo lực: Chuyện mỗi người phải quan tâm! ||

Minh Hạnh Đức

_______________

* Bạn đọc có góc nhìn nào về vấn nạn này? Xin mời tiếp tục gửi ý kiến chia sẻ với Giác Ngộ, bài vở gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.