Thử bàn về ý nghĩa của đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc

Lễ Phật đản được công nhận thành Đại lễ VESAK Liên Hiệp Quốc (LHQ) là một sư kiện vô cùng hy hữu của tổ chức lớn nhất thế giới này. Có lẽ đây là một trong những quyết định rất đặc biệt mà LHQ ban hành, vì đây là một lãnh vực đặc biệt tế nhị và nhạy cảm.

Nói khác đi, quyết định này ắt đã có một sự nhất trí và niềm tin tưởng của LHQ đối với một tôn giáo, vốn đã trở thành lý tưởng sống cho con người của các nền văn hóa Đông-Tây. Rõ ràng, mục đích của quyết định đầy ý nghĩa này không đơn thuần là nhằm bảo vệ duy trì một lễ hội mang tính văn hóa truyền thống của một quốc gia, bộ tộc hay tôn giáo như tổ chức này thường làm, mà ý nghĩa đặc biệt của nó là nhằm phát huy tinh hoa của đạo Phật để phục vụ cho lợi ích và hạnh phúc của loài người, như lời của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu nhân Đại lễ Vesak 2007: “Hơn 2.500 năm qua, những lời dạy của Đạo sư Giác ngộ, Phật Thích Ca vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hàng năm Đại lễ này là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo lý của Ngài, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi-Trí tuệ và Hòa bình mà Phật Tổ đã truyền trao”.

vesak0869.jpg

Sẽ có nhiều thắc mắc tại sao Lễ Vesak lại được tổ chức này coi trọng như vậy? Tại sao ngày Lễ Đản sinh của Đức Phật lại trở thành ngày lễ của LHQ? Nói một cách khác, đạo Phật có thể đóng góp gì, hoặc có ảnh hưởng như thế nào trong cái nhìn toàn cảnh của LHQ? Trở lại bối cảnh xã hội Ấn Độ trước khi Đức Phật ra đời, người ta sẽ thấu hiểu được tầm quan trọng của quyết định mang tính lịch sử trên. Vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, người dân Ấn Độ phải đối mặt với một sự khủng hoảng về niềm tin. Sự sản sinh quá nhiều hệ triết học-tôn giáo đã khiến người ta bối rối. Sự đối kháng, chiến tranh giữa các hệ tư tưởng-tôn giáo đã khiến lòng người phân vân, bởi hệ triết học, tôn giáo nào cũng tự cho mình là chân lý, phần còn lại là hư vọng. Nghiêm trọng hơn cả là người ta không tìm thấy được sự an bình và hạnh phúc thật sự trong các lý tưởng sống hiện hành. Đức Phật đã đản sinh trong bối cảnh xã hội như thế!

Bức xúc trước những bế tắc của thời đại, không thỏa mãn với những triết thuyết mang nặng tính giáo điều và ước lệ, sau một thời gian dài nỗ lực kiên trì dõng mãnh tìm cầu chân lý, thái tử Tất Đạt Đa đã tìm ra lộ trình để giải thoát tự thân và tha nhân ra khỏi mọi xiềng xích, trói buộc do dục vọng và vô minh của con người và cũng như sức ép của các tín ngưỡng, tôn giáo. Nói theo ngôn ngữ của Robindranath Tagore, một danh nhân của Ấn Độ, Đức Phật đã thánh hóa con người, giải phóng con người ra khỏi tất cả sự nô lệ của chính mình và thần linh. Vì theo Đức Phật, con người là tối thượng, con người là chủ nhân của hạnh phúc hay khổ đau của chính mình, mà không phải là ai khác: “Này thanh niên Bà la môn, chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nhân tố phán xét”; và “Tự mình làm chỗ nương tựa cho chính mình chứ không thể tìm cầu nương tựa kẻ khác…”.

Do vậy, kể từ ngày bánh xe Chánh pháp được vận chuyển, những lời dạy của Đức Phật đã trở thành chỗ nương tựa cho phần lớn người dân Ấn Độ. Tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha của Phật giáo là nguồn suối mát, gột rửa mọi phiền muộn, lo âu do cuộc sống đem lại. Chủ trương “Duy tuệ thị nghiệp” đã giúp người ta thấu hiểu được giá trị thật của con người và cuộc đời. Tuyên ngôn làm sụp đổ chủ nghĩa giai cấp “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong dòng nước mắt cùng mặn”, và “Con người không trở nên cao quý do dòng họ, con người không trở nên hèn hạ vì dòng họ. Người ta trở nên cao quý do hành động (nghiệp), người ta trở nên hèn hạ do hành động”- đã lấp đầy khoảng trống tinh thần.

Mặc cảm được xóa sạch, người Ấn Độ dang tay đón nhận nhau trong tình huynh đệ. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước Ấn Độ, bốn giai cấp có thể chung sống hài hòa và lợi ích trong cùng một tổ chức. Cái tư tưởng cội nguồn nghèo hèn-sang giàu, quý tộc-thấp kém, màu da chủng tộc, vùng miền… dường như bị cuốn trôi khi người ta chọn con đường này để sống. Lề thói trọng nam khinh nữ không có chân đứng trong giáo lý Phật giáo khi vai trò và vị trí của phụ nữ trong cuộc sống gia đình và xã hội được nhận thức một cách thấu đáo. Sự kiện Ni đoàn được thành lập, phụ nữ có quyền quyết định số phận của mình trong việc chọn lựa cuộc sống hôn nhân gia đình hoặc chọn con đường xuất thế đã mở ra một chương mới cho nhân loại liên quan đến phong trào giải phóng phụ nữ. Tệ nạn phân biệt giới tính, coi thường nữ lưu, buôn bán phụ nữ, trẻ em đã thật sự bị xã hội đương thời lên án…

Trật tự của xã hội Ấn Độ trở nên có kỷ cương. Nền tảng đạo đức được thiết lập trở lại. Phần lớn mọi người nhận chân được giá trị của cuộc sống: hạnh phúc không phải là dùng mọi cách để thỏa mãn dục vọng cá nhân, mà cần phải biết phương pháp kiềm chế và đoạn trừ lòng dục; bởi vì càng tìm cách thỏa mãn dục vọng, con người lại càng cảm thấy thiếu thốn và trở thành nô lệ cho dục vọng của chính mình! Người ta đã cảm nhận được hạnh phúc của sự đem cho lớn hơn hạnh phúc của sự tích lũy. Chia sẻ thành công sẽ tạo ra an lạc nhiều hơn là tự lợi. Buông xả đem đến sự bình an nội tại hơn là chấp thủ. Cũng vì vậy, người ta sống vị tha thay vì vị kỷ; tôn trọng mọi sự hiện hữu, chứ không chỉ phải chỉ lo sự tồn tại của cá nhân… Nhờ vậy, trong một thời gian dài, đất nước Ấn Độ trở nên một xã hội có văn hóa và văn minh, đạo đức, ổn định, phát triển.

Trong chừng mực nào đó, hình bóng của cuộc khủng hoảng xã hội Ấn Độ thời tiền Phật giáo như đang ẩn hiện đó đây trong thế giới đương thời. Những báo động đạo đức suy đồi đang ngày một cấp thiết. Vấn nạn ngược đãi trẻ em, cưỡng bức phụ nữ, kinh doanh thân xác trẻ em và phụ nữ đang lan tràn khắp nơi trên thế giới. Tinh thần vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân bành trướng khắp mọi ngõ ngách trong cuộc sống. Tệ nạn phân biệt chủng tộc, tôn giáo, xứ sở, vùng miền… đang được cổ vũ một cách mạnh mẽ. Hố thẳm giàu nghèo được đào một ngày mỗi sâu rộng hơn. Khát khao “sở hữu” thay vì “hiện hữu” đang là tiêu chí sống của con người thời đại… Tất cả những nguyên nhân trên đã tạo ra một bức tranh thật sự hỗn loạn và tang thương.

Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay, rất nhiều nhà triết học, khoa học, chính trị, xã hội, nghiên cứu… thường đề cập đến giáo lý Phật giáo. Theo thiển ý của người viết, những người công nhận Lễ Vesak LHQ, cũng như các vị lãnh đạo các quốc gia đã và đang đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản ít nhiều cũng có ý tưởng trên.

Nhưng để có thể đáp ứng cho kỳ vọng chính đáng và cao thượng này, có lẽ con người thời nay cần phải trầm tư về “Bài học Ấn Độ”. Tất nhiên, những âu lo sẽ không giảm thiểu, những rối loạn sẽ khó kiểm soát, những tiếng than vẫn sẽ trầm thống hơn chừng nào mặt trái của chủ nghĩa vật chất, thực dụng chưa được nhận chân đúng mức. Khi nào dục vọng còn làm chủ lý trí, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa số lượng được xem trọng hơn là bản chất và giá trị thì những hy vọng trên khó trở thành hiện thực. Chừng nào chủ nghĩa bè phái, cá nhân vẫn hoành hành xã hội, những con người thiếu phẩm chất, đạo đức còn nắm giữ các chức vụ trọng yếu của các tổ chức, xã hội, tôn giáo và chính quyền, chừng ấy một xã hội an bình, hạnh phúc khó mà thực hiện được.

Ước mong sao niềm tin và hy vọng về một xã hội ổn định và phát triển bền vững vì lợi ích của số đông sẽ được hiện thực hóa trong một tương lai gần. Điều đáng mừng (mà không phải là sự tự hào hay kiêu hãnh) ở đây là đang có rất nhiều tấm lòng muốn chuyển hóa xã hội bằng lý tưởng của đạo Phật qua những nỗ lực rất thầm lặng! Rõ ràng, thành tố quyết định sự thành công hay thất bại vẫn là con người. Nói khác đi, xã hội đang cần những mẫu người “tri hành hợp nhất”, “lời nói phải đi đôi với việc làm”, “lý thuyết hay phải được thực thi bằng hành động”. Đây là những gì mà thế giới phương Tây đã tìm thấy ở đạo Phật và Đức Phật, như lời văn hào Hermann Hess, người đã đoạt giải Nobel Văn chương, phát biểu: “… Những nội dung tri thức của lời Phật dạy chỉ là một nửa của sự đóng góp của Ngài. Nửa còn lại là đời sống của Ngài, đời sống thực mà Ngài đã sống… Thực vậy, Đức Phật đã hoàn tất việc rèn luyện chính mình và đem ra áp dụng cho các đệ tử. Ngài đã xác định một mục tiêu và đã được những kết quả mà các nhà hành động chân chính nổi danh của phương Tây phải ngả mũ kính phục” và “Đức Phật là hiện thân của tất cả những đức hạnh mà Ngài giảng dạy. Trong suốt 45 năm thuyết giảng thành công và sinh động, Đức Phật đã thể hiện lời nói của mình bằng chính hành động”.

Thiền thất Từ Mãn-2009

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.