Thở và Thiền

Một câu hỏi được đặt ra : Mối tương quan giữa thở và thiền là thế nào?

Vì khi nghiên cứu, chúng ta sẽ thấy tính thẳm sâu và nhất quán của tòan bộ kinh điển Đại Thừa lẫn kinh sách Nguyên Thủy, đều tập trung ở Kinh Tứ Niệm Xứ cho đến Thân Hành Niệm rồi Nhập Tức Xuất Tức Niệm

Mặt khác, Đức Phật một vị thái tử đã từ bỏ tất cả mọi vinh hoa phú quí bậc nhất của thiên hạ, ẩn dật chốn rừng già cũng đã tuyên bố ” Đây chính là con đường độc nhất để thanh tịnh cho chúng sinh, diệt trừ mọi khổ ưu và thành tựu chánh trí”. Vậy thì, hơi thở của chúng ta chắc chắn phải có một vai trò nhất định nào đó, nó phải có một mối liên hệ rất mật thiết với quá trình tu học, và là con đường ai cũng phải đi qua. Tuy nhiên, có 1 điều rất tiếc là khi muốn tìm hiểu sâu hơn về hơi thở, về mối liên hệ giữa Thở và Thiền thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều cái vướng.

Cái vướng thường gặp nhất chính là kiểu cách gần như là Biệt Truyền theo kiểu Tâm Ấn Tâm. Thầy hỏi trò 1 câu Đốn Ngộ, học trò Khai Ngộ, thấu triệt điều bí ẩn đó thế là xong. Cho nên các cảnh giới chứng đắc Thiền, từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền… bỗng dưng được khóac lên màu áo kỳ diệu, huyền ảo và lung linh. Nó khiến cho người bước đầu học Phật bối rối không ít.

ngoi-thien1

Chỉ bằng hơi thở và có hơi thở thôi mà có thể thành tựu Bậc Chánh Trí, triển khai tri kiến ư?

Câu trả lời là có thể! Nhưng chắc chắn một điều là bạn và tôi không bao giờ chấp nhận cái kiểu tin kinh sách một cách mù quáng. Mọi Kinh nghiệm truyền thừa phải được kiểm chứng. Không có cái gì tồn tại mà không có cái lý của nó!
Có một thực tế không ai phủ nhận là con người hiện đại ngày nay, đang phải đối diện với quá nhiều khổ đau. Còn các bác sĩ chỉ có thể chữa trị phần ngọn, tìm thuốc dập tắt hay xoa dịu cái đau. Nhưng như 1 cỗ xe đã bước vào vòng vận hành, tất phải đi đến chu kỳ rệu rã. Cho nên cái vòng lẩn quẩn, bệnh – trị bệnh mãi hoài còn tiếp nối. Nhưng còn cái khổ thì sao? Đâu phải bác sĩ nào cũng có đủ khả năng lẫn tư chất để điều trị cả thân và tâm. Cái khổ là nguyên nhân của tất cả mọi cái đau. Ví như từ bệnh họan của Việt Nam rất hay! Bệnh đi chung với hoạn ( hoạn nạn). Nghĩa là ẩn sâu sau cái bệnh là một cái khó khăn, đau khổ nào đó của người bệnh.

Khi thân chủ của mình bị bệnh đau bao tử, bác sĩ cho thuốc uống để làm dịu lại, khuyên ăn uống cẩn thận, tránh các đồ cay, nóng…Nhưng còn cái gốc hay suy nghĩ, lo âu, dẫn đến stress nặng, làm tổn hai bao tử thì sao? Hay nói tóm lại, thực chất việc điều trị đó của chúng ta chỉ như một cuộc cưỡi ngựa xem hoa, chỉ cạn cợt bề ngoài! Một sự điều trị đúng nghĩa phải là một quá trình bao gồm trị liệu kết hợp cả thân và tâm.

Đức Phật đã nói ” Thở” chính là con đường độc nhất để diệt trừ mọi khổ ưu của Thân – Tâm, thành tựu mọi Chánh Trí tức phải có cái lý của nó.

Nhưng cái lẽ huyền vi đó, chỉ gói gọn trong mấy chữ: ” Nhập tức, xuất tức, niệm”
Thở vào thở ra thôi mà, có cái gì ghê gớm lắm đâu, chuyện này ai chả biết?
Nhưng ở đây, tôi xin thử hỏi đôi điều, có ai đã nhận ra mình đang không biết thở ? Biết không có nghĩa là biết, mà có nghĩa là ” nhận diện”, là ” quán sát”, là ” xác định và dõi theo”. Một khi biết được cái ” biết ” này, tức là mình đã nắm được chìa khóa mở ra mọi cánh cửa hạnh phúc. Vấn đề là ta sẽ xoay cái chốt cửa ấy thế nào mà thôi!

Sự thật là vậy, hạnh phúc không phải là điểm đến mà nó là con đường, là một hành trình.

Tai họa luôn nằm ở chỗ : ” Thực bất tri kỳ vị”! Ăn mà không biết mình đang ăn, thì hỏi có biết ngon không? Cái ngon chính là hạnh phúc. Đơn sơ và giản dị là như vậy!

Hạnh phúc không phải là một phép lạ đang ẩn nấp đâu đó mà nó luôn hiển lộ trong từng phút giây, đợi chờ mình quay về nhận diện. ” Qua khứ đã qua rồi.

Tương lai thì chưa tới. Chỉ có hiện tại là một món quà”.

Ý thức được cái này, tức là nhận diện được phép lạ.

Ý thức, phải ý thức cho được là mình đang sống chứ không tồn tại trong mỗi phút giây.

Hãy thử hỏi 1 bệnh nhân đã nằm liệt giường lâu ngày, để biết được cái hạnh phúc khi tự mình bước đi vào toilet. Những trải nghiệm trong khoảnh khắc giao thời của sự sống và cái chết rất quý báu,bởi con Người luôn tự hào mình có khả năng làm chủ bản thân mình lại trở nên yếu đuối mong manh biết bao! Cái khoảnh khắc ấy, sẽ gióng lên một hồi chuông, chạm sâu vào vô thức. Chính giây phút ấy, khoảnh khắc ấy, chúng ta mới chợt bừng ra nhiều trải nghiệm: Quán xét và biết nhìn ra hạnh phúc nằm trong những cái bình thường!

Nhưng đó chỉ là tỉnh giác, chứ chưa thật sự giác ngộ. Ví như ánh chớp giữa trời quang, nổ rền 1 cái chứ chưa thật sự xé toạch được màn vô minh. Trời vẫn còn đen lắm! chớp sáng 1 chút mà thôi!

Trở lại vấn đề hơi thở, tại sao tôi (Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc) lại phải nghiên cứu hơi thở, mà không nghiên cứu lắng nghe tiếng đập của trái tim hay cái dạ dày của mình?

Nếu bạn lắng nghe được trái tim mình đập được, nghĩa là bạn đã bị bệnh tim rồi.
Nếu bạn lắng nghe được tiếng dạ dày mình co bóp, nghĩa là khi đó bạn đang quằn quại vì cơn đau bao tử.

Vậy thì chỉ còn hơi thở!

Vì sao là hơi thở?

Vì cấu trúc hơi thở phải vào và ra nơi mũi. Mũi lại nằm dưới mắt, dễ dàng cho sự quán sát.Mặt khác, hơi thở dường như là của ta, mà hòan toàn không phải là của ta. Hay nói đúng hơn bản chất của hơi thở là ” Vô Ngã”.

Chúng ta hít vào Oxygen và thải ra CO2. Hành vi thở tưởng chừng như được kiểm soát bởi ý thức, nhưng thực ra không phải.

Thử nín thở vài giây xem. Bạn sẽ thấy cơ thể mình sẽ tự điều tiết mà không cần có sự nhúng tay của ý thức.

Khí CO2 được tích lũy, không thoát ra được sẽ kích thích Hành Tủy, buộc chúng ta phải thở tiếp tục. Sau đó, hai lá phổi kết hợp với cơ hoành hoạt động như cơ chế của một bình Xi-lanh. Sự thay đổi thể tích trong đó tạo nên áp suất. Khi píttông được đẩy xuống, cơ hoành đi xuống thì tạo ra 1 áp suất . Chính áp suất này đã tạo nên hơi thở vào, cho không khí tràn vào phổi. Ngược lại, khi cơ hoành đi lên, sẽ tạo ra một áp suất đổi chiều, tống khứ các khí độc ra khỏi cơ thể.
Điều này lý giải tính ” Vô Ngã” của hơi thở. Rõ ràng, hơi thở có sinh có diệt, nó không phụ thuộc vào cái ta đang nhầm tưởng là TA!

Trong kinh tạng NIKAYA có nhắc đến các trường hợp khi thiền sâu, các Thiền Sư sẽ dừng mọi họat động của cơ thể lại, thậm chí là ngưng thở.

Điều này xem chừng như vô lý, hóa ra lại cực kỳ có lý. Vì sao?

Vì thật ra, khi cơ hoành hoạt động, tạo ra hai dòng áp suất trái chiều nhau như thế để tạo ra hơi thở ( thực chất là do cơ hòanh hoạt động chứ không phải do hai lá phổi mà chúng ta thở), vẫn còn có 1 khỏang áp suất bằng không. Nghĩa là khi đó, tại nơi sản sinh ra các dòng hơi thở sẽ có áp súât bằng không. Đây là trạng thái Thiền Sâu và Thở Tốt. Người hành thiền khi đó sẽ không tiêu hao năng lượng ( energy) nữa, hoặc họ sẽ giảm đến mức tối thiểu năng lượng tiêu hao ( bình quân là giảm đến 40% lượng oxygen).

Điều này hòan tòan không có gì khó hiểu, nếu chúng ta chịu khó quan sát ở thiên nhiên. Chúng ta sẽ thấy có những chuyển động được thực hiện với năng lượng gần như bằng không: những con chim khi bay, sẽ có 1 khỏang chúng lượn. Khi chúng lượn như vậy, năng lượng tiêu hao dường như bằng không.

Trong Kinh có diễn tả một trạng thái, khi hành thìên, hành giả sẽ có cảm giác tan biến, hòa mình vào vũ trụ là chính do trạng thái áp suất bằng không này tạo ra. Khỏanh khắc đó hành giả sẽ ngưng thở! Áp suất bên trong bằng với áp suất bên ngoài không khí, sẽ tạo ra cảm giác hòa tan.

Khi Thiền tốt và Thiền sâu, cảm giác hỷ lạc xuất hiện.

Nguồn gốc phát sinh cảm giác này được cấu thành bởi 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là do sự nhất tâm. Khi nhất tâm, chuyên chú vào 1 điểm nhất định là thân của hơi thở, cấu trúc của đại não sẽ có khả năng cắt đứt mọi xung động khác, và chúng ta không bị mất năng lượng do bị tán tâm.

Thứ 2, là do cách ngồi thiền, tư thế kiết già , ngồi nhẹ nhàng vững chãi như một chiếc áo đang treo sẽ làm chúng ta không tiêu hao năng lượng.

Hai yếu tố trên kết hợp sẽ làm cho tòan bộ các tế bào trong cơ thể trở về trạng thái nghỉ ngơi, sạc pin lại. Và hiển nhiên, trạng thái êm đềm, hỷ lạc xuất hiện.

Sâu thêm 1 chút nữa, bàng bạc khắp các kinh điển, Phật có nhắc đến chuyện mình có thể hạn chế đến mức việc không cần ăn, không cần ngủ. Chỉ có thở và thiền mà thôi. Vì sao Phật lại nói vậy? Còn chúng ta, chúng ta sẽ hiểu thế nào đây? Có nên chăng dùng lăng kính khoa học soi rọi lại, thay vì mặc nhiên chấp nhận nó như 1 triết thuyết hoang đường?
Không, đó chính là sự thật!

Bởi trạng thái áp suất bằng không nơi cơ hoành đã minh chứng điều đó! Chỉ cần tập trung quán sát hơi thở là chúng ta đã đi vào cánh cửa của bảo tòan. Thiền sâu và thở tốt chính là những điều kiện cần và tiên quyết cho quá trình làm chậm lại sự tiêu hao năng lượng, cho đến việc không tiêu hao năng lượng.

Mà đã đi vào trạng thái nghỉ, thì đâu cần ăn, cần uống hay thậm chí là việc làm chậm quá trình thở cho đến cả việc dừng luôn hơi thở!

(Một ví dụ dễ thấy hơn là hiện tượng Gấu ngủ đông đâu có cần ăn hay uống, đơn giản chỉ là làm chậm lại quá trình tiêu hao năng lượng và thở )

Vậy ta có thể kết luận Thở chính là Thiền hay không?

Thật, Thở chính là Thiền!

Hơi thở chính là sợi dây kết nối của Thân và Tâm.

Cách ta thở chính là một sự biểu hiện ra ngoài của Tâm.Khi ta hồi hộp, lo lắng, hơi thở chúng ta sẽ dồn dập, đứt quãng…Còn khi ta sảng khoái chúng ta lại thở kiểu khác nữa. Hoặc khi thân chúng ta mệt, chúng ta sẽ có cảm giác ” thở không ra hơi”, hay ” bốc khói ra hai lỗ tai”…

Chính vì vậy, không quá khó để nhận ra tuy hơi thở mong manh, mà lại vô cùng màu nhiệm. Bởi nó là sự kết nối của thân và tâm. Muốn Thân – Tâm nhất như, không còn con đường nào khác ngoài hơi thở.

–>Quán niệm hơi thở: ” Đây chính là con đường độc nhất làm thanh tịnh cho chúng sinh, diệt trừ mọi khổ ưu và thành tựu chánh trí”

Mà thật, đời người có khác chi là những cơn sóng nhấp nhô?

Mỗi hơi thở chính là một con sóng, có sinh trụ hoại diệt, có thân mạng, có sinh có diệt.

Một vòng đời, được bắt đầu bằng một hơi thở. Khi một em bé, một hài nhi vừa được sinh ra đời, ngay chính phút giây đầu tiên rời khỏi tử cung người mẹ, chạm vào không khí, em bé đó đã bắt đầu sự vay mượn tạo vật chung quanh bằng 1 hơi thở vào.

Hơi thở đầu tiên của con người chính là hơi thở vào! Em bé thở bằng bụng, chứ không phải thở bằng ngực như xưa nay ta hay lầm tưởng. Chính cái hít vào đầu tiên đó, như một lực kích thích buồng phổi hoạt động lần đầu, cơ hoành tạo ra áp suất lần đầu tiên cho em bé cất tiếng khóc nhân sinh lần đầu.

Một vòng đời bắt đầu bằng một hơi thở vào, khi kết thúc lại là một hơi thở ra. Em bé giờ đã là ông già, trả lại cho cõi nhân sinh những gì mình mang nợ.
Sinh tử có gì đâu, chỉ là hơi thở mà thôi! Nhưng mấy ai nhận ra điều đó. Chỉ cần nhận diện ra mình đang thở là biết mình đang còn sống. Thấy được mối liên kết hữu hảo giữa Người – và Vạn Vật chỉ là 1 hơi thở.

Chúng ta hít vào oxygen, thở ra CO2. Cây cối hít vào CO2, thở ra oxygen. Thế thái nhân sinh vốn nợ nần nhau, mắc nợ lẫn nhau. Sự tồn tại của cái này nằm trong sự tồn tại của cái kia. Nghĩa là trùng trùng duyên khởi!

” Thở vào hoa nở
Thở ra trúc lay
Tâm không ràng buộc
Tiêu dao tháng ngày”
Vậy đó! Thiền có gì cao sâu đâu, chẳng qua chỉ là hơi thở!
Một hơi thở thôi mà bao phép lạ hiển bày!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.